Trời xanh bất tận!

ANTĐ - Tôi hỏi chị Hoàng Hồng Thanh - vợ của Đại tá Hoàng Đại Long - Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn, phi công cấp I - cơ trưởng của tổ bay, phi công lái chính trên chiếc trực thăng Mi 171, số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân 916, thuộc Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân - chiếc máy bay bị tai nạn vào tháng 7 năm vừa qua, khiến 20 chiến sĩ đã trở thành liệt sĩ: Vì sao chị lại đặt tên facebook của mình là “Trời xanh bất tận”? Chị Thanh nói rằng: “Vâng chị ạ, nhìn thấy bầu trời là thấy hình bóng của chồng em. Mãi bất tận không bao giờ phai nhạt trong trái tim em”…

Trời xanh bất tận! ảnh 1Gia đình Đại tá Hoàng Đại Long và buổi sinh nhật cuối cùng của anh

Như vừa mới hôm qua!

Tôi đến nhà chị Hoàng Hồng Thanh, một ngôi nhà xinh xắn, ấm áp nằm sâu hút trong con ngõ ngoằn ngoèo của làng Nhân Mỹ, Mỹ Đình. Mọi thứ trong nhà được bài trí gọn gàng ngăn nắp, trên chiếc kệ ti vi là những tấm ảnh cả gia đình chị đang đi chơi vui vẻ ở vườn hoa. Trong nhà dường như không có gì thay đổi kể từ ngày anh hy sinh, hai đứa trẻ vẫn đang học bài trên gác, chỉ có trong lòng chị là vẫn thổn thức vì một nỗi mất mát quá lớn, vì một sự hẫng hụt không gì bù đắp được, vẫn chưa thể nguôi ngoai. 

Chị Thanh kể rằng bình thường chồng em vẫn đi công tác xa nhà, 2 tuần một lần, thứ bảy anh được về, thì chủ nhật lại đi ngay. Ba mẹ con vẫn quen với việc bố vắng nhà, nhưng bây giờ em cảm thấy một khoảng trống quá lớn, mọi thứ vụt qua trong chớp mắt mà không sao lấy lại được. Cứ đến ngày thứ bảy là trong lòng em cồn cào khó tả, có những lúc em cảm giác như chồng em đã về đến đầu ngõ, rồi lại không phải. Một bóng người đi qua cửa, một tiếng động nhẹ cũng làm em giật mình, ngỡ chồng về. Anh ấy đi công tác xa nhà, nhưng không ngày nào là không gọi điện cho vợ, đều đặn vào buổi trưa và sau chương trình thời sự buổi tối. Lần nào anh cũng hỏi em xem ăn uống thế nào, nhớ ngủ trưa, giữ gìn sức khỏe, đừng giặt những đồ nặng để cuối tuần về anh giặt và bao giờ nhắn tin cho vợ anh ấy đều gọi em là “vợ yêu”. Anh gọi điện đều đặn đến mức, cứ vào buổi trưa, chỉ cần có tiếng chuông điện thoại là mấy chị ở cơ quan đã biết là chồng em gọi… Bây giờ, em không còn nhận được những tin nhắn như thế nữa, em không còn được hồi hộp chờ đợi điện thoại của chồng nữa, nhưng cứ đến cái giờ quen thuộc ấy em thấy cảm giác rất lạ. Em vẫn lưu rất nhiều tin nhắn của anh ấy ở trong máy, mỗi lúc nhớ anh, em lại mở ra xem. Vẫn còn đây cái tin nhắn như vừa mới hôm qua: “Em mua cánh gà để anh về rán cho Bống (Hà Mi), Bin (Phi Hùng)”. Hai cháu nhà em rất thích ăn cánh gà do bố rán. Cứ mỗi lần được về nhà là anh ấy như muốn bù đắp cho mẹ con em những ngày xa cách, anh ấy muốn tự tay làm mọi thứ, cho vợ, cho con từ việc giặt giũ đến cơm nước, anh ấy thương em nên vẫn nói rằng: “Vợ anh không được phép ốm”.

Mẹ chị Thanh, từ ngày chồng chị hy sinh, bà lên ở với con gái cho nhà đỡ quạnh, làm chỗ dựa cho con gái và hai cháu. Cứ nói đến con rể là bà lại khóc. Bà bảo hôm mới rồi, tôi có làm cánh gà rán cho hai đứa. Cháu ăn và bảo bà với mẹ làm cánh gà rán không ngon bằng bố. Thương cháu, tôi dỗ cháu đành ăn vậy vì từ nay, bố không còn để rán cánh gà cho cháu ăn nữa rồi. 

Anh Long hy sinh đã 5 tháng nay rồi mà bà vẫn cảm thấy như vừa mới hôm qua, bà vẫn hình dung ra anh, mỗi lần về đến cửa, cởi cái ba lô xuống là chào mẹ, hỏi thăm mẹ có khỏe không? Bà vẫn hình dung ra cái lần cuối cùng hai mẹ con ăn cơm và trò chuyện với nhau. Rồi bà kể, lần ấy mẹ cháu ốm nằm viện, mà không dám gọi cho chồng, tôi đi chuyến xe cuối cùng từ Thái Bình lên thăm con, mở cửa ra, hai cháu vẫn đang ngồi nhà, chưa ăn uống gì. Khổ cháu tôi quá, mẹ thì đi viện bố lại phải bận công tác. Lúc đó tôi thấy tình hình Biển Đông như thế, tôi lo lắm, biết con tôi bận, mà lần nào nó về cũng vội nên cũng không dám hỏi. Đã bao nhiêu năm nay tôi chỉ biết con làm phi công chứ cũng không biết cụ thể công việc ra sao. Đến lần ăn cơm cuối cùng ấy, tôi mới hỏi con: “Công việc của con vất vả lắm con nhỉ”.

Thì con nói rằng: “Mẹ ạ, mọi người ở bên ngoài cứ nghĩ phi công là bình thường, nhưng vất vả lắm. Mỗi khi con đi bay về là mồ hôi thấm vào áo vắt ra nước được như thể đi trời mưa về ấy…”. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy thương con quá. Hôm đơn vị chuyển đồ tư trang của con tôi về, tôi mới tìm chiếc áo phi công. Trời ơi, bộ quần áo dày đến như thế mà vắt ra nước được.

Đã bao nhiêu mồ hôi và cả nước mắt nữa con ơi! Và cũng đến hôm đấy tôi mới biết công việc của con tôi thầm lặng quá. Đơn vị chuyển về cả một cái cặp số là Bằng khen, Giấy khen, Huân chương, Huy chương của con. Tôi không ngờ con lại được nhiều Bằng khen, Giấy khen thế mà con chưa bao giờ khoe với mẹ, chưa bao giờ khoe với vợ. Tôi cũng không hề biết con tôi là một trong những người nhiều giờ bay nhất Trung đoàn. Hàng ngày tôi vẫn lật giở cuốn sổ công tác của cháu ra đọc, và nói chuyện với cháu như cháu vẫn còn đang ở nhà. Hôm nghe tin cháu hy sinh, đơn vị về đón vợ cháu lên, tôi đòi đi theo, các chú ấy sợ tôi già cả thương tiếc con lại ốm, nên không cho đi, tôi đã nói: “Em nó đã mất cả bố, lẫn mẹ rồi, chỉ còn đằng nhà ngoại thôi, cho tôi đi để tôi nhìn mặt con tôi lần cuối…”. Nhiều đêm nằm nghĩ tôi không sao ngủ được. Tôi không thể quên được hình ảnh của cháu, có lẽ phải đến lúc chết thì tôi mới quên được. Giá như tôi được chết thay nó để cho nó được sống, nuôi vợ nuôi con cho đỡ khổ. Con tôi mất đi, cả đến người hàng xóm cũng khóc tiếc thương. Sao một con người tử tế vẹn toàn với cả xã hội với cả gia đình, với vợ với con lại phải ra đi như thế…

Trong ngôi nhà của chị Thanh, tôi thấy chiếc áo quân phục của anh vẫn được treo trên mắc áo, mọi đồ dùng của anh từ những bộ quân phục cho đến chiếc ấm đun nước, chiếc bàn chải đánh răng, chị vẫn giữ lại, giày dép của anh vẫn để ngay ngắn trên kệ tủ cảm giác như anh vẫn đang ở nhà với mẹ con chị. Chị Thanh bảo, mùa này lạnh rồi, anh ấy mặc quân phục thu đông, nên em đã cất bộ quân phục xuân hè đi, em cài quân hàm quân hiệu và biển tên vào chiếc áo thu đông cho anh ấy. Những tấm bằng khen, giấy khen này, bấy lâu nay, anh ấy vẫn cất im lìm trong ngăn tủ của đơn vị, em cũng mới treo lên để các con em hiểu được công việc của bố và tự hào về bố. Phi Hùng cũng có ước muốn được trở thành phi công như bố. Tên của hai đứa con cũng là kỷ niệm: Hà Mi là 2 chữ được lấy từ “Hà Nội”  và “máy bay Mi”, còn tên Phi Hùng, anh ấy mong muốn đứa con trai là một phi công anh hùng.

Trời xanh bất tận! ảnh 2Những dòng tin nhắn và mọi đồ dùng cá nhân của anh Long vẫn được giữ nguyên, cảm giác như anh vẫn còn bên mẹ con chị

Tết này vắng anh!

Mẹ chị Thanh cho biết anh Long là người rất chu đáo, Tết năm nào dù phải trực, hay không phải trực anh cũng đều về quê lễ tết cha mẹ, thăm hỏi họ hàng hai bên nội ngoại. “Năm nào phải trực thì anh về trước Tết. Cái Tết vừa qua, anh về quê và nói với bà: năm nay con phải trực, để vợ con sắp xếp, nếu không lên đơn vị con ăn Tết, thì để mẹ con nó về ăn Tết với ông bà cho vui”. Ý bà cũng muốn mẹ con chị Thanh về ăn Tết với ông bà, nhưng lạ, suốt từ ngày lấy nhau, chị Thanh chưa bao giờ lên đơn vị chồng ăn Tết, thì năm vừa rồi, mẹ con chị lại ăn Tết ở đơn vị anh. Chị bảo ăn Tết bộ đội giản dị và vui lắm. Sang năm mẹ con chị lại lên đơn vị anh ăn Tết, vậy mà không ngờ đó lại là cái Tết cuối cùng của chị với anh.

 Bây giờ chị chẳng còn muốn nghĩ đến Tết nhất gì nữa. Năm vừa rồi cũng là năm đầu tiên chị tổ chức sinh nhật cho chồng, hoa, nến và bánh ga tô, các con cùng bố thổi nến chụp ảnh tưng bừng. Mọi năm sinh nhật anh toàn vào ngày thường, anh phải ở đơn vị, năm nay sinh nhật lại được vào thứ bảy. Hôm đó, anh còn nói, đến sinh nhật vợ, vào tháng 12 anh cũng tổ chức vui như thế. Nhưng anh đã ra đi từ tháng 7. Và chị đã đi qua một cái sinh nhật buồn, vắng anh!

Hai cháu Bống, Bin còn quá nhỏ, các cháu còn chưa hiểu đến tận cùng của sự ra đi này. Bống đang học lớp 7, hôm bố hy sinh cháu đang ở quê ngoại vì được nghỉ hè. Tối hôm trước bố gọi điện thoại nhỡ cho cháu mà cháu còn chưa gọi lại thì bố đã đi rồi. Bống nói rằng, Bống nhớ nhất là món cánh gà rán của bố, và những lần được đi máy bay cùng bố nhìn ngắm bầu trời xanh. Tôi hỏi cháu điều ước lớn nhất của cháu lúc này là gì? Cháu bảo: “Bố cháu sống  lại”. Còn kỷ niệm của Bin là được bố đưa đi chơi và mua cho một chiếc xe tăng. Hôm bố mất, Bin đang ở đơn vị với bố. Cháu Bin kể lại: bố bảo cháu ở nhà học bài, bố đi bay chỉ một tý là bố về, thế mà cháu chờ mãi đến trưa vẫn không thấy, rồi có một cô đến bảo cháu về nhà cô ấy ăn cơm, bố phải đi công tác chưa về. Mãi đến lúc lên xe ô tô thì cháu mới biết bố cháu mất. Bây giờ, có lúc cháu nhắm mắt lại là thấy bố ở ngay bên cạnh. Chị Bống được đi máy bay cùng bố 3 lần, còn cháu chỉ mỗi một lần. Sau này, cháu sẽ làm phi công giống bố, còn bây giờ cháu muốn Tết bố cháu cho cả nhà cháu đi chơi bờ hồ.

Khi tôi đến nhà chị Thanh cũng là lúc chị  đưa hai con về quê Nam Định thăm mộ bố vừa lên đến Hà Nội. Tôi hỏi Hà Mi: “Thế cháu đã nói gì với bố?”, Hà Mi nói: “Bố ơi, con là Hà Mi đây, con yêu bố….”, rồi cháu im lặng quay mặt đi không nói nữa. Cả nhà đều im lặng, một khoảnh khắc không có một âm thanh nào trôi qua thật nặng nề, chỉ có những giọt nước mắt của người lớn lăn xuống. Còn Phi Hùng thì dường như không hiểu được điều gì, cháu trách bà ngoại: “Sao cứ nhắc đến bố cháu là bà lại khóc. Cháu vừa nói với bố cháu là: “Bố ơi, con là Phi Hùng đây, bố phù hộ cho bà khỏi đau chân, phù hộ cho mẹ mạnh khỏe, cho chị Bống thi đỗ, còn cho con học giỏi mà”. 

Nghe con nói, chị Thanh ngân ngấn nước mắt kể với tôi, những năm Tết anh không trực, thì cả gia đình chị đều đi chơi đêm 30 Tết, đến qua giao thừa mới về nhà thắp hương. Anh bảo ngày Tết ngắn ngủi không muốn vợ bận rộn lao vào cơm nước. Anh ấy thích ăn giò xào nên năm nào hai vợ chồng cũng gói giò, rồi cả nhà ra ngoài cảm nhận không khí Tết, cho các con vui vẻ chứ không ở nhà. 

Những ngày Tết lại làm chị nhớ anh nhiều hơn. Tết là thời khắc mà gia đình sum họp, là dịp mọi người được trở về, còn chị thì chỉ là sự chờ đợi trong vô vọng. Những lúc nhớ anh, chị sẽ ngước lên nhìn bầu trời xanh và tưởng tượng ra chiếc máy bay của anh đang bay trên bầu trời xanh ấy, còn anh vẫn ở trên chiếc máy bay đó nhìn xuống cánh đồng, làng mạc, quê hương mình, nhìn xuống ngôi nhà thân yêu của mình. Trời vẫn xanh bất tận…

Đã có nhiều năm chị phải ăn Tết xa chồng, nhưng bây giờ anh đã đi xa mãi. Chị còn nhớ, trước hôm anh hy sinh là buổi tối chủ nhật. Anh gọi điện cho chị và chị đã dặn anh đi ngủ sớm, đừng xem đá bóng để mai còn đi bay, vậy mà anh đã ngủ mãi mãi không trở dậy.

Có năm, Tết anh không trực, nhưng năm ấy lại xảy ra cháy rừng, anh phải đi bay đúng vào 30 Tết, máy bay chở Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vào chỉ đạo cứu cháy. Sáng anh gọi điện cho chị là sương mù, anh không thể cất cánh được, chiều chị vẫn chưa liên lạc được với anh. Cứ ngỡ lại thêm một cái Tết anh  ở lại đơn vị, chị sẽ phải ăn Tết vắng anh. Nhưng đến tối mịt đêm 30 Tết anh lại trở về, bước đến cửa nhà, cầm theo một nắm cành lan rừng tặng vợ. Chị mong Tết năm nay điều kỳ diệu đó lại xảy ra. Anh sẽ bước đến trước cửa nhà vào những thời khắc cuối cùng của năm cũ…

Trời xanh bất tận! ảnh 3

Nước mắt của chúng tôi vẫn còn chưa cạn

Có lẽ vụ rơi máy bay Mi 171 là vụ tai nạn thảm khốc nhất, đau thương nhất  trong năm 2014 và đây cũng được coi là vụ tai nạn lớn nhất trong lịch sử không quân Việt Nam kể từ 10 năm trở lại đây. 21 chiến sĩ trên chuyến bay thì 20 chiến sĩ đã hy sinh, chỉ duy nhất một người sống sót. Song điều làm bất cứ ai cũng tưởng nhớ đến vụ tai nạn này bằng sự ngưỡng mộ, kính phục tinh thần hy sinh anh dũng của các anh đó là: trong giờ phút sinh tử, biết trước cái chết đã cận kề, các anh đã điều khiển máy bay tránh xa khu chợ và nhà cao tầng của dân để máy bay lao vào khu vườn trống, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại cho người dân. Sự hy sinh đáng tự hào!

Hôm đưa tiễn các liệt sĩ hy sinh về nơi an nghỉ, không chỉ có quân nhân, đồng đội đơn vị các anh công tác, không chỉ có những người thân trong gia đình các anh mà cả những người dân bình thường nhất cũng rơi nước mắt tiễn đưa các anh. Các anh đã tạm biệt bầu trời xanh để trở về với đất mẹ. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Phùng Quang Thanh đã bày tỏ sự tiếc thương: “Sự hy sinh của các đồng chí đã để lại niềm xúc động thương tiếc trong lòng nhân dân, cán bộ chiến sĩ toàn quân trong những ngày qua và sự cảm phục trước tinh thần bình tĩnh xử lý tình huống để tránh thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân ở mặt đất”. Và có những người lính rất trẻ đã phải thốt lên, gọi tên anh: “Thật thương tiếc và khâm phục tinh thần vì nhân dân, bảo vệ nhân dân những giây phút cuối cùng của anh. Thương anh và gia đình anh quá! Anh Long ơi!”; “Các anh thật xứng đáng là những anh hùng của người dân Việt Nam. Chúng tôi noi gương anh làm việc thật tốt cho đất nước Việt Nam được lớn mạnh và không phải sợ bất kỳ cường quốc nào…”.

Chị Thanh kể lại, hôm nghe tin chồng mất, đầu óc quay cuồng, em quá đau khổ, không còn nghĩ đến gì nữa, không còn biết là chồng hy sinh trong hoàn cảnh nào. Thấy em khóc, nhiều đồng đội của anh đã động viên em gượng dậy, anh ấy hy sinh anh dũng lắm, đáng tự hào lắm, cả ngày hôm nay báo chí đã nói nhiều về sự hy sinh của anh, em hãy cố gắng sống vì con, vì anh ấy… Sau ngày đó, trước hôm 49 ngày, em và bà ngoại đã chở nhau về nơi chiếc máy bay rơi, người dân ở đây thấy em khóc và biết em là vợ của phi công lái chính, họ đã ôm chầm lấy em, họ bảo rằng: “Chồng cháu thật là anh hùng, cháu không phải khóc nữa đâu, nước mắt của chúng tôi vẫn còn chưa cạn. Nếu hôm đấy, chiếc máy bay rơi vào khu chợ, hoặc những nhà cao tầng của dân thì bây giờ chúng tôi không còn được ở đây để nói với cháu những điều này nữa. Chồng cháu đã là con của người dân ở đây rồi, không chỉ là của riêng gia đình cháu nữa…”. Em nghe mà thấy tự hào về chồng mình quá. Vẫn biết nỗi đau mất mát này không  gì bù đắp nổi nhưng anh ấy đã để lại niềm tự hào cho cả gia đình em, cho mẹ con em. Anh ấy vẫn như vậy, không lúc nào nghĩ về bản thân mình. Ở nơi xa xăm mong anh hãy an nghỉ nhé, còn có nhiều người nghĩ đến anh! Bầu trời vẫn xanh bất tận…