“Trói buộc” khó gỡ

(ANTĐ) - Tại một cuộc hội thảo vừa diễn ra tại Hà Nội, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đưa một thông tin gây “choáng váng”: đến 90% các gói thầu xây lắp theo phương thức chìa khóa trao tay đều nằm trong tay các công ty Trung Quốc, trong đó chủ yếu là các dự án năng lượng, luyện kim, hóa chất. Còn theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, gần một nửa trong tổng số 248.000 tỷ đồng giá trị các gói thầu bằng vốn Nhà nước và vay của nước ngoài trong năm 2010 là do công ty Trung Quốc thực hiện.

Tình hình này không đến mức “ngạc nhiên”, khó hiểu, bởi trong các diễn đàn bàn về vấn đề này, các cơ quan quản lý Nhà nước và hiệp hội đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo. Cách đây ba năm, Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) từng lưu ý thực trạng có đến 80% dự án nhiệt điện than ở nước ta đều do Trung Quốc làm tổng thầu hoặc giữ vai trò chính trong liên doanh.

Hơn thế, Việt Nam còn phải gánh chịu cái giá không nhỏ bởi chất lượng kém của các công trình xây lắp do công ty Trung Quốc làm tổng thầu gây ra. Theo số liệu thống kê, trong 10 năm qua, đối với các gói thầu sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, các nhà thầu Việt Nam thắng thầu trong 67% số lượng gói thầu, nhưng trị giá gói thầu chỉ đạt 39%, trong khi tỷ lệ này rơi vào nhà thầu Trung Quốc tới 49%.

Đặc biệt, tới 90% các công trình điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hóa chất của nước ta đều do nhà thầu Trung Quốc nắm giữ. Các nhà thầu Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam đẩy các nhà thầu nước ta ra “ngoài rìa” và mất hết công ăn việc làm. Thực trạng đáng lo ngại này chẳng những không được cải thiện mà còn trở nên trầm trọng hơn, bởi các nhà thầu của họ lại tiếp tục được giao những dự án nhiệt điện rất lớn khác, bất chấp sự chậm trễ cũng như những sự cố về chất lượng thiết bị ở những nhà máy được làm trước đó.

Hãy tạm gạt sang một bên thực trạng yếu kém của nhà thầu trong nước như năng lực tài chính hạn chế nên khó thu xếp vốn cho dự án kinh nghiệm thiết kế, năng lực quản lý, thiết bị công nghệ và năng suất lao động. Một nguyên nhân thường cho rằng các nhà thầu Trung Quốc thắng thầu là do họ chào giá quá thấp, trong Luật Đấu thầu của ta lại không cho phép chủ đầu tư đưa ra sự khống chế về xuất xứ thiết bị, công nghệ khi xét thầu, mà chỉ đưa ra các điều kiện về hiệu quả, chất lượng công trình. Tuy vậy, nếu cho rằng họ thắng thầu vì chào giá thấp là khó chấp nhận. Bởi vì, với những dự án lớn tầm cỡ quốc gia, giá cả không thể đặt lên trên chất lượng, tính ổn định trong vận hành và sự lệ thuộc vào một nhà cung cấp. Thực tế, giá cả của công ty Trung Quốc chào chưa hẳn đã rẻ hơn nhà thầu Việt Nam trong các dự án nhiệt điện than. Cũng không thể “đổ tại” Luật Đấu thầu còn “kẽ hở” nên các nhà thầu nước họ thắng thế. Bằng chứng là, chỉ những dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Than - Khoáng sản làm chủ đầu tư thì nhà thầu Trung Quốc mới “thắng đậm”. Còn các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đều rơi vào tay nhà thầu trong nước. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị phải rà soát và siết lại công tác quản lý đấu thầu. Theo đó, các gói thầu mà công ty trong nước đảm nhận được trên 50% thì không đấu thầu quốc tế, chỉ đấu thầu trong nước.

Đây là một quyết định kịp thời, song điều mà không chỉ giới chuyên gia kinh tế mà dư luận hết sức lo ngại là sự phụ thuộc quá nhiều, quá sâu vào nhà cung cấp vật tư, thiết bị thay thế của Trung Quốc. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các nhà máy dùng thiết bị của họ bị hư hỏng, nhưng không được cung cấp kịp thời để thay thế? Trong khi việc hư hỏng thiết bị này lại xảy ra khá thường xuyên. Rõ ràng, còn hơn cả sự phụ thuộc, đây là một sự “trói buộc” rất khó gỡ cả về trước mắt lẫn lâu dài. Vì sao Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Pháp chủ yếu cấp vốn ODA cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam, còn phía Trung Quốc chỉ “ưu tiên” cho các dự án năng lượng và khai thác tài nguyên nước ta?