Trở về với đồ chơi truyền thống

ANTĐ - Khi đất trời Hà Nội chuyển mình vào thu làm dịu đi cái nóng hè oi ả, khi ánh trăng của tháng Tám âm lịch bắt đầu tròn dần là lúc trẻ em trên khắp mọi miền đất nước háo hức chờ đợi… Trung thu năm nay, Hà Nội vẫn có nhiều đồ chơi Trung Quốc bán tràn lan trên thị trường, nhưng len lỏi trong đó vẫn còn những nét văn hoá truyền thống của dân tộc trong những món đồ chơi dân gian. Và điều đáng mừng là mùa trung thu năm nay, đồ chơi truyền thống lại đang là lựa chọn ưa thích của các bậc phụ huynh...

Nét văn hoá dân tộc từ chiếc đèn Trung thu

Khắp phố phường Hà Nội những ngày này được trang hoàng bởi một sắc màu rực rỡ… với ánh đèn nhấp nháy giăng ngập đường, bánh trung thu được bày bán khắp các cửa hàng. Không khí chuẩn bị cho ngày Tết Trung thu trên các tuyến phố cổ Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can thật tấp nập. Khắp đường tràn ngập những chiếc đèn Trung thu đủ màu sắc, những món đồ chơi kiểu dáng hấp dẫn và thu hút ánh mắt của tất cả mọi người. Cách đây cũng lâu lắm rồi, khi hàng hóa chưa có sẵn, để có được một chiếc đèn Trung thu, con trẻ phải nhờ tới sự giúp đỡ của người lớn, ông bà, cha mẹ... hì hụi làm lấy. Lũ trẻ hớn háo mong chờ sản phẩm thành công. Quả là kỳ công, tốn sức mới có được một chiếc đèn Trung thu như ý; nào tre, nào hồ, nào giấy màu, nào nến… để thắp sáng lên những ước mơ con trẻ. Và để rồi Trung thu đến, lũ trẻ nối đuôi nhau đi rước đèn, hãnh diện khi được cầm trên tay chiếc đèn ông sao năm cánh chúng vất vả lắm mới làm xong. Nghĩ lại ngày xưa, đèn Trung thu thật đơn giản nhưng mang đầy ý nghĩa.

Vài năm trở lại đây, cái thú làm đèn ông sao, đèn kéo quân mất dần. Thay vào đó, những đồ chơi như vậy đã được làm sẵn. Trung thu đến, người lớn đi mua những đồ chơi bán sẵn cho con cái mình, đôi khi cũng không phải là chiếc đèn ông sao truyền thống ngày nào. Đa dạng về chủng loại và hấp dẫn bởi hình thức, quả thật nó đẹp hơn Đồ Trung Quốc tràn lan trên thị trường, chiếm ưu thế về mẫu mã, màu sắc đã làm  đồ chơi cổ truyền như đèn cù, đèn ông sao năm cánh, đèn kéo quân, trống ngày hội, mặt nạ ông địa, đầu sư tử… mất dần chỗ đứng. 

Chẳng còn mấy ngày nữa một cái Tết Trung Thu nữa lại đến, các bậc cha mẹ đua nhau mua đồ chơi, bắt mắt và hấp dẫn cho con trẻ… và thị trường đồ chơi cho trẻ những ngày này là hình ảnh của những món đồ Trung Quốc. Nào đôrêmon, nào pikachu, siêu nhân, máy bay, robot, tàu thủy,… làm bằng nhựa, chạy bằng pin của Trung Quốc được bầy bán tràn ngập. Những chiếc đèn cổ truyền vẫn le lói đằng sau những chiếc đèn ngoại. Tuy vậy, nhiều người vẫn không quên hẳn đi những nét đẹp truyền thống thông qua đồ chơi dân gian.

Anh Ngọc Quý ở Phố Huế đi mua đồ chơi cho cháu tại phố Lương Văn Can tâm sự: “Năm nay tôi thấy có nhiều đồ chơi Trung Quốc quá, nhưng tôi vẫn tìm mua đồ chơi cổ truyền cho các cháu. Chiếc đèn ông sao và chiếc trống hội các cháu tôi cầm trên tay này mới đúng với ý nghĩa cái Tết Trung thu cổ truyền”. Anh Phan Tuấn, buôn bán tại phố Hàng Mã cho biết: “Tuy một bộ phận các phụ huynh thích mua đồ chơi Trung Quốc cho con, nhưng năm nay, tôi vẫn trung thành với việc bán đồ chơi dân gian cổ truyền, hy vọng những năm tới, những món đồ chơi của ta sẽ chiếm lĩnh thị trường!”. Có vẻ như xu hướng năm nay, đồ chơi truyền thống lại lên ngôi khi những bậc phụ huynh đã quá sợ những độc hại từ đồ chơi Trung Quốc và họ muốn tìm về đồ chơi truyền thống cũng là để tìm lại chính bản thân mình và hướng cho con cháu mình hiểu về một nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. 

Phố xưa nghề cũ 

Qua khảo sát thì dù có phần “lép vế” hơn đồ chơi Trung Quốc, nhưng đồ chơi truyền thống của người Việt cũng đang dần lấy lại hình ảnh của mình và không ít các bậc ông bà, cha mẹ - những lớp người luôn đề cao những giá trị truyền thống - vẫn tìm kiếm và chọn cho con em mình những chiếc đèn ông sao, chiếc mũ sư tử. Đây là một tín hiệu mừng khi nét văn hóa truyền thống của dân tộc trong ngày lễ hội đang dần trở lại với người Việt Nam. Để bảo tồn, gìn giữ những giá trị ấy không bị mai một theo thời gian chúng ta không thể quên những con người đang sống trong những con phố xưa cần mẫn làm những công việc tưởng như cũ kỹ. 

Chúng tôi ghé thăm căn gác nhỏ trên phố Hàng Than, cứ mỗi độ thu về là vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa lại nhộn nhịp hơn với công việc “cầm cọ” để tạo nên những nụ cười dân gian trên từng chiếc mặt nạ. Ông Hòa kể nghề này ông được học từ bố vợ, qua nhiều biến động trong cuộc sống nhưng có nhiều lẽ nên không thể bỏ được… Ông Hòa chỉ làm những đồ chơi dân gian như mặt nạ Lạc Long Quân, chú Tễu, Cuội… mà không làm đồ chơi khác. Đã có nhiều người đặt hàng ông làm những thứ đồ chơi có hình thù kỳ quái, bạo lực với giá gấp đôi, gấp ba những cái ông đang làm, nhưng tuyệt nhiên chưa một lần được vợ chồng ông chấp nhận. Bà Đặng Hương Lan, vợ ông Hòa nói rằng: “Đã bao nhiêu năm cuộc sống còn khó khăn hơn nhiều mà vẫn giữ được nghề thì nay khấm khá hơn không có cớ gì bỏ nó. Tôi giữ nghề là bởi một phần yêu nghề và phần khác muốn gửi gắm vào tâm hồn trẻ thơ biết yêu cuộc sống thông qua những câu chuyện của từng nét riêng trên mặt nạ. Trẻ em hôm nay không phải cháu nào cũng biết đến những nhân vật dân gian, trong truyện hoặc truyền thuyết”. 

Rời nhà ông Hòa, chúng tôi ghé qua thôn Hậu Ái, xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội, tới thăm gia đình chị Nguyễn Thị Tuyến. Từ tháng 6 âm lịch, chị Tuyến - người cuối cùng trong làng vẫn còn theo đuổi một cái nghề mà cha ông để lại - đã bắt đầu chuẩn bị đón Tết Trung thu bằng công việc đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ là làm đồ chơi Trung thu. Chiếc đèn ông sao, chiếc đèn cù, những “ông Tiến sỹ”, “ông đánh gậy”… là những món đồ chơi chị Tuyến đam mê làm thủ công hoàn toàn bằng tay rất được khách hàng ưa thích. Ngoài những loại đèn cổ truyền của dân tộc như ông sao, đèn con thỏ, đèn cù, đèn kéo quân, chị Tuyến còn sáng tạo thêm các loại đèn mới như đèn con hươu, con cá, con tôm… Chị Tuyến tâm sự: “Trẻ con bây giờ vẫn còn rất yêu thích và hứng thú với các loại đồ chơi truyền thống. Tuy nhiên, chúng thiếu đi một người hướng dẫn. Các ông bố, bà mẹ cũng quên mất không kể cho con cái nghe sự tích gắn với những chiếc đèn. Có lẽ, vì không hiểu được ý nghĩa nên trẻ con bây giờ mới thờ ơ với đồ chơi truyền thống như vậy”. Thế là hàng năm đều đặn chị Tuyến đều được Viện Bảo tàng Dân tộc học “đặt hàng” chị mỗi dịp Trung thu và hướng dẫn cho trẻ em làm các loại đồ chơi truyền thống. 

Cũng giống như chị Tuyến, việc làm đồ chơi dân gian truyền thống cho trẻ chẳng đem lại sự giàu sang về tiền bạc, nhưng vợ chồng ông Hòa vẫn cần mẫn và say sưa từ những công đoạn làm khuôn mẫu, lấy bìa carton để tạo nên những chiếc mặt nạ bằng giấy bồi không gây ảnh hưởng hay phản ứng da cho trẻ; đến toàn bộ quy trình từ chẻ trẻ, uốn, ghép, cắt dán họa tiết tạo hình… để cho ra những món quà cho tuổi thơ, không hề có ý định bỏ nghề. 

Chúng tôi ghé qua phố đồ chơi Hàng Mã hỏi mua những chiếc mặt nạ truyền thống vẫn có những nơi bày bán nhưng sản phẩm không nhiều, ít khách hỏi mua nên chỉ được bày ở chỗ ít người chú ý đến. Nhưng thật mừng khi vẫn còn những người như chúng tôi - đi tìm và hỏi mua những món đồ chơi dân gian truyền thống cho con em mình trong ngày Tết Trung thu. Vẫn biết không thể “chiếm lĩnh” được lòng trẻ bằng những thứ đồ chơi hiện đại nhưng không vì thế mà chúng ta thôi hy vọng. Vẫn còn đó những phố xưa nghề cũ, những người muôn năm cũ, hơn cả là sự định hướng của những người lớn trong gia đình để trẻ gửi gắm tình yêu của mình. 

Dẫu rằng, thời cuộc kinh tế hội nhập đã làm cho đồ chơi dân gian dần chỉ còn trong ký ức của người đã qua thuở thiếu thời; và cũng đã lâu rồi hình ảnh về đồ chơi dân gian phai dần trong suy nghĩ của mỗi đứa trẻ; và rồi tuổi thơ nào cũng sẽ phải lớn lên, những háo hức của một mùa Trung thu ngọt ngào vui sướng cũng sẽ qua đi, nhưng ngay khi trong tâm hồn tươi sáng còn đong đầy và chất chứa những ước mơ, tại sao chúng ta không gieo vào đó những mầm xanh hy vọng và xây dựng cho con trẻ lòng tự hào dân tộc, những truyền thống quý báu để cho các em những niềm vui trọn vẹn, làm nên một Tết Trung thu hồn nhiên với những kỷ niệm êm đềm.