Trở về giá trị thực

ANTĐ - Nếu đề xuất mùa giải V-League 2013 chỉ “đá để tìm đội vô địch chứ không có xuống hạng” được chấp thuận, giá trị của cầu thủ có thể sẽ trở lại với “nguyên bản” chứ không bị thổi phồng như trước.

Thị trường chuyển nhượng cầu thủ sẽ trở về giá trị thực nếu như không có chuyện xuống hạng

Khi VPF đưa ra ý tưởng trên, đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đại đa số đều cho rằng điều đó sẽ cản trở bước tiến của bóng đá Việt Nam. Chẳng hạn, việc không có đội bóng xuống hạng sẽ khiến cho giải nhàm chán vì chỉ có cuộc đua đến chức vô địch, và kéo theo đó sẽ có nhiều trận đấu “mờ ám” xảy ra hơn khi những đội bóng nhiều tiền của và khát danh hiệu muốn đạt mục đích. Bên cạnh đó, việc này có thể khiến cho thị trường chuyển nhượng phải đóng cửa, vì những đội bóng trung bình khá trở xuống sẽ chẳng cần đầu tư tiền mua cầu thủ tốt làm gì khi mục tiêu của họ bao lâu nay vốn cũng chỉ là 1 vị trí vừa đủ. Và việc không có cảnh lên-xuống hạng cũng sẽ khiến phần đông các đội bóng không phải chạy đôn chạy đáo để tìm những bản hợp đồng tốt, đủ lực giữ đội bóng khỏi xuống hạng, không phải méo mặt trước những cuộc ngã giá của “cò” với trường hợp của tiền đạo A, trung vệ B… những người được cho là đủ khả năng lấp lỗ hổng của đội bóng. 

Cuối mùa giải năm ngoái, khi còn đang hấp hối trên con đường tránh xuống hạng, Hải Phòng tỏ ra rất quyết liệt trong việc tuyển ngoại binh chất lượng. Khoảng 20 người đã được thử việc, một vài trong số đó đem lại sự hài lòng về chuyên môn. Nhưng sau đó, do bị hét giá quá cao, nên lãnh đạo đội bóng đất Cảng đành… buông xuôi. Còn trước khi bị giải thể, CLB Hòa Phát từng tốn hơn chục tỷ đồng để đổi lấy chữ ký của Timothy, để rồi những bàn thắng của anh chỉ giúp đội bóng trụ hạng. Xa hơn nữa, mùa giải 2009, HN T&T khi ấy đang đối mặt với nguy cơ xuống hạng, đã mất ngót nghét hơn 500.000 USD để đổi lấy sự phục vụ của 2 viện binh chất lượng là Agostino và Cassiano, những người đã không những giúp họ trụ hạng thành công, mà còn cán đích ở vị trí thứ 4 sau đó. Dù “đắt xắt ra miếng”, nhưng nhiều chuyên gia đều đồng tình rằng HN T&T ở thời điểm mua hai cầu thủ này đã bị ép giá, và cũng coi như đi đánh bạc với việc trụ hạng.

Việc kìm hãm được sự thổi phồng về giá cầu thủ ngoại, vốn từng khiến bóng đá Việt Nam điên đảo trong một thời gian dài, cũng sẽ có tác động trực tiếp đến giá trị của cầu thủ nội. Sẽ không còn chuyện Công Vinh được mua với giá trên chục tỷ, cũng sẽ không còn chuyện 1 vài tuyển thủ U23 sau khi được gắn mác tuyển, tự ra giá cho mình với số tiền cũng không ít hơn chục tỷ đồng nữa. Đời sống bóng đá khi ấy sẽ được cân bằng và văn minh hơn. Sẽ không CLB nào dại dột bỏ ra tiền tỷ để lấy về 1 cầu thủ nội có tiếng, trong khi họ có thể mua vài ba ngoại binh tầm tầm với số tiền vừa phải. 

Tính cho đến thời điểm này, khi nhiều CLB đang chuẩn bị cho mùa giải mới 2013, hầu hết đều có thử việc ngoại binh nhưng vẫn phải nghe ngóng tình hình. Chính sách tuyển mộ cầu thủ của các đội nếu “có xuống hạng” chắc chắn sẽ khác với khi “không có xuống hạng”. Như “bầu” Đệ của Thanh Hóa nói thẳng: “Đá không có xuống hạng thì đá chơi thôi, cần gì nhiều”.