Trò chuyện với “ông gỡ rối”

ANTĐ - Là một trong những người có số lần xuất hiện trên Báo ANTĐ nhiều nhất trong năm qua - PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội và truyền thông đại chúng - Viện KHXH Việt Nam đã được bạn đọc gọi bằng cái tên rất trìu mến: “Ông gỡ rối”. Ông đã dành cho phóng viên ANTĐ cuộc trò chuyện đầu xuân.

- PV: Qua gần 2 năm cộng tác với chuyên mục “Nhỏ to tâm sự” và các bài viết trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, điều gì ông chưa nói hết ở chuyên mục trên báo?

- PGS.TS Trịnh Hòa Bình: chuyên mục này chính là lời nhắn gửi từ trái tim đến trái tim. Không chỉ có bạn đọc ở Thủ đô mà bạn đọc ở hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước đã gửi đến chuyên mục này những thắc mắc, những lo lắng thầm kín của lòng mình để được giãi bày, giải đáp và cảm thông. Tôi nghĩ, không phải ngẫu nhiên mà Tòa soạn đã đặt tên chuyên mục là “Nhỏ to tâm sự”. “Nhỏ to” như lời thầm thì, lời tâm tình chứ không phải là sự lớn tiếng kêu gào của một cá nhân. Nó thể hiện sự khiêm nhường nhưng hiệu quả, không “đao to búa lớn”. Qua những lời tâm tình này, người trong cuộc sẽ tìm cho mình một giải pháp phù hợp trong việc giải quyết những vướng mắc của bản thân, suy nghĩ tích cực hơn và hoàn thiện kỹ năng sống. Theo cảm nhận của cá nhân tôi, từ những chuyên mục nhỏ như thế này, Báo ANTĐ đã dần trở thành người bạn tri ân của đông đảo độc giả trong cả nước.

- Trong quá trình tư vấn cho bạn đọc, đã có tình huống nào mà ông chưa bao giờ trải qua? 

- Kinh nghiệm là cái không nhất thiết phải trải qua, mà điều quan trọng đối với các nhà tâm lý là phải biết tổng hợp thông tin, phân tích và bình luận. Ví dụ, khi tư vấn cho tội phạm, nhà tâm lý không nhất thiết phải phạm tội song phải có đủ kiến thức và sự tinh tế để hiểu diễn biến tâm lý của họ. Quả thật, trong quá trình tư vấn, tôi đã gặp phải khá nhiều tình huống bất ngờ. Với những câu hỏi hóc búa, để có câu trả lời thuyết phục tôi cũng phải tham khảo thêm ý kiến của nhiều bạn bè, đồng nghiệp. Có thể nói, chưa khi nào lời khuyên của tôi bị độc giả… phản ứng dữ dội (cười). 

- Trong cuộc đời mình, ông đã bao giờ gặp phải những tình huống “éo le” chưa? 

- Người xưa có câu: “Dao sắc không gọt được chuôi”, nghĩa là đâu phải cứ bác sỹ là có thể chữa khỏi bệnh cho mình. Đối với lĩnh vực tư vấn tâm lý, những câu trả lời không phải là những điều chết cứng có sẵn mà luôn thay đổi một cách linh hoạt. Thú thực, bản thân tôi đã gặp không ít cảnh éo le. Trong những trường hợp này, thường thì tôi huy động mọi vốn liếng kinh nghiệm của mình ra để… tự giải quyết, sau đó mới nhờ đến người khác bởi không ai hiểu mình bằng chính mình. Cũng may là chưa khi nào tôi “bó tay”. 

-  Theo ông, điều quan trọng nhất đối với các chuyên gia tâm lý trong quá trình tư vấn là gì?

- Tâm lý chung của những người tham gia tư vấn là họ không bao giờ muốn tư vấn sai, không chuẩn xác nên họ phải luôn nỗ lực tối đa để mang lại cho khách hàng lời khuyên hợp lý nhất. Thông thường, những lời khuyên  nếu nhất nhất tuân theo sách vở thì sẽ mang tính giáo điều, tuy đúng nhưng người nghe khó chấp nhận. Do đó, các chuyên gia nên xuất phát từ thực tế, tùy từng hoàn cảnh mà đưa ra lời khuyên cho phù hợp. Điều quan trọng nhất là họ cần biết đặt mình vào tình huống của người nghe.
- Nhân dịp năm mới, chúc PGS và gia đình luôn thành công, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn !