Trò chuyện cùng “Ông già Hà Nội”

ANTĐ - Tô Hoài không chỉ là nhà văn lớn của văn học Việt Nam mà còn là một nhà “Hà Nội học” bởi ông không chỉ là người Hà Nội gốc mà còn sống cùng Hà Nội, hiểu Hà Nội, yêu Hà Nội, viết về Hà Nội sâu sắc chẳng ai sánh bằng. Ở tuổi 92, nụ cười của “ông già Hà Nội” vẫn luôn nở trên môi, kèm cả cái nheo mắt rất tinh quái.  Ông dành cho ANTĐ một cuộc trò chuyện...

Trò chuyện cùng “Ông già Hà Nội”  ảnh 1


- PV: Thưa nhà văn Tô Hoài, dạo này sức khỏe của ông thế nào?

- Nhà văn Tô Hoài: Bệnh gout rồi cả tiểu đường nó khiến cho đầu gối của tôi luôn đau nhức, rồi lại còn cả mắt nữa. Mắt tôi giờ mờ lắm. Muốn viết cái gì cũng chả viết được nữa. Mấy hôm nay thấy người khỏe tôi mới lại lên đây ở (phố Đoàn Nhữ Hài - PV), chứ còn dạo trước toàn ở Nghĩa Đô, con cái tôi ở đấy cả mà.

 - Rất nhiều người “gán” cho ông tên gọi “Ông già Hà Nội”. Ông có cảm giác thế nào khi nghe những người yêu quý mình, gọi mình như vậy?

- (Cười) Người ta gọi thế cũng là lẽ tự nhiên, vì tôi quê gốc Hà Nội, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Cả cuộc đời tôi gắn bó với Hà Nội. Tên tôi được ghép từ sông Tô Lịch và địa danh Hoài Đức mà thành. Tập “Chuyện cũ Hà Nội” là những gì tôi đã được chứng kiến, từ khi tôi lên 10 tuổi, cho đến khi tôi 50 tuổi.

- Khi nói đến người Hà Nội “gốc”, người ta vẫn cứ ấn tượng bởi tính cách rất riêng. Còn ông thì sao, ông quan niệm thế nào về người Hà Nội “gốc”?

- Tính cách người Hà Nội hay, nhưng phải hiểu đó là cái kết chưng từ tinh hoa bao nhiêu xứ khác về đây. Rạch ròi so sánh vùng nọ vùng kia thì hơi khó. Thật ra, Hà Nội hình thành cũng là do dân tứ xứ dồn về, chứ làm gì có Hà Nội gốc tới mấy chục đời. Họa chăng, gốc là dăm bảy anh đánh cá, từ hồi nơi này còn là vùng sông hồ chằng chịt.

- Trong mắt ông, Hà Nội hôm nay đã thay đổi thế nào?

- Nhiều chứ, khoan nói về diện mạo. Tôi chỉ lấy ví dụ thế này cho dễ hiểu nhé. Sắp Trung thu rồi, nhưng trong hoài niệm của tôi Trung thu bây giờ không còn giống với ngày xưa. Tôi còn nhớ, cứ khoảng ngày 12 âm lịch trở đi, không khí trên phố rộn ràng lắm. Trẻ con thì xâu hạt bưởi, rồi múa sư tử, khắp phố nào đèn cù, đèn kéo quân, đèn ông sao. Giờ, trẻ con chơi toàn đồ chơi hiện đại nào máy bay, rồi súng ống… Người lớn thì coi đây là cái cớ để biếu xén, dễ bề mưu cầu lợi ích cá nhân. Trung thu ngày nay vẫn vui, nhưng cái vui nó… thế nào ấy, tôi không tả được. (Cười!).

- Và ông thấy tiếc nuối vì những điều tốt đẹp đó đã ít nhiều mai một?

- Tiếc chứ, nhưng đó là sự phát triển tất yếu. Trong cái tất yếu đó, đương nhiên có cái tốt và không tốt. Nhưng phong tục truyền thống thì phải giữ, cái hay cái đẹp thì phải cố mà giữ chứ? Tại sao lại cứ để những cái bệ rạc đó lấn át nhỉ? 

- Có bao giờ ông bực mình về cách cư xử của một vài người trẻ tuổi?

- Chính xác là  gần đây tôi sợ ra đường. Xem ti vi, rồi đọc báo, thấy có quá nhiều vụ án kinh khủng. Nhất thiết phải nhân lên những điều tốt đẹp trong xã hội. Đưa những điều đó thành phong tục, luật lệ. Nhưng làm thế có khó quá không nhỉ?

- Nhiều bạn văn của ông từng bảo rằng, chú Dế mèn trong “Dế mèn phiêu lưu ký” có cái tính lém lỉnh giống hệt ông?

- (Cười) Mấy hôm nữa, NXB Kim Đồng sẽ kỷ niệm 70 năm tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” đấy. Thời gian trôi nhanh thật, mới ngày nào… Tôi viết tác phẩm đó khi tôi tròn 20 tuổi. Cả tuổi thơ tôi gắn bó với đồng ruộng, cả những trò chơi chọi dế… Vì thế, chuyện được dệt nên từ những chất liệu có thật, thực tế mà tôi được trải qua. Còn một điều nữa, đó là khi bắt đầu cầm bút để viết mỗi tác phẩm, tôi đặc biệt chú ý đến ngôn ngữ, chính cách sử dụng ngôn ngữ làm nên dế mèn lém lỉnh. 

- Ở tuổi 92, ông còn có điều gì tiếc nuối nữa không, thưa nhà văn?

- Không, cái gì mình định làm thì đã làm cả rồi. Nhưng bây giờ, nhiều lúc cũng thấy chán, vì mắt đã kém, người thì đã già. Giá mà mắt tôi bình thường, tôi vẫn còn có thể viết được nhiều nữa.

- Có nhà văn, khi già yếu không thể cầm bút viết được, nhà văn đó đã đọc, để cho người thân chép hộ. Sao nhà văn Tô Hoài không thử cách này?

- Cái này thì ông Hà Minh Đức (GS Hà Minh Đức - PV) cũng đã ngỏ ý giúp tôi. Nếu có người nào đó chép hộ, tôi sẽ viết. Gần đây, tôi nghĩ nhiều về thời điểm trước và sau Cách mạng Tháng Tám 1945, thời tôi được sống và hành động. Tôi muốn viết về những gì mình đã thấy. 

- Bí quyết của ông trong nghề viết là gì?

- Viết lách cũng là một nghề như bao nghề khác, chả phải cái gì thiêng liêng, ghê gớm. Cốt là anh phải tinh thông và chăm chỉ tích lũy vốn kiến thức cho mình. Tôi chỉ viết một cuốn truyện về Chử Đồng Tử cho thiếu nhi, mà tôi đã phải đọc cơ man nào là sách về người Mường, về lịch sử dân tộc Mường. Đã xác định làm nghề viết thì phải rèn luyện hàng ngày. Nghề viết là nghề vừa khó, vừa nặng nhọc.

- Xin cảm ơn nhà văn, chúc ông mạnh khỏe!