Trĩu nặng cả hai vai

ANTĐ - Một thành phố quá tải luôn chồng chất sự quá tải của hệ thống giao thông, quá tải hệ thống bệnh viện, các trường học và hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Trước khi khai giảng năm học mới 2012, dư luận xã hội và báo chí đã lên tiếng về thực trạng lạm thu tiền trường diễn ra phổ biến trên các cấp, ở khắp mọi miền với nhiều hình thức núp bóng “tự nguyện” dưới khẩu hiệu “Vì tương lai con em chúng ta”. Trường học quá tải không đáng lo bằng gánh nặng đóng góp đầu năm trên vai những người làm cha mẹ.

Mặc dù ngay từ đầu năm nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ban hành Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh, trong đó quy định rất cụ thể những việc mà ban đại diện không được làm. Đó là: Không được quyên góp của học sinh hoặc gia đình học sinh các khoản ủng hộ theo nguyên tắc “tự nguyện”; không dùng kinh phí hoạt động để chi cho các khoản bảo vệ, cơ sở vật chất, an ninh trông coi phương tiện; mua sắm máy móc, trang thiết bị đồ dùng dạy học cho trường và lớp học, sửa chữa, nâng cấp xây dựng mới các công trình của trường.

Theo Luật Giáo dục, học sinh tiểu học được miễn hoàn toàn học phí, vậy mà nhiều phụ huynh vẫn kêu ca vì phải bỏ tiền triệu đóng góp tiền trường ngay từ khi con em chưa tựu trường. Nhiều phụ huynh “tiết lộ”, nhà trường tuy không ép đóng tiền nhưng thực chất vẫn là ép. Sau khi phân lớp 1, họ thông báo lớp sẽ học theo mô hình tương tác. Ai đồng ý thì đóng, không đồng ý thì nhà trường sẽ chuyển sang lớp khác. Tâm lý phụ huynh đương nhiên là “muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, vậy nên phải “vui vẻ” chấp nhận. Mô hình lớp học tương tác, tức là mức thu dự kiến khoảng 3 triệu đồng/phụ huynh, để mua sắm máy điều hòa nhiệt độ, máy chiếu, bảng tương tác. Nhà trường trấn an phụ huynh rằng, những thiết bị này sẽ được sử dụng trong 5 năm học nên mỗi năm phụ huynh chỉ đóng 1 triệu đồng.

Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội khẳng định sẽ yêu cầu phòng giáo dục các quận, huyện kiểm tra các trường đã tổ chức thu góp. Về cơ bản ngân sách nhà nước đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các trường. Không có lý gì, nhiều trường lại “vận động” phụ huynh đóng góp để đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp. UBND TP Hà Nội cũng nhấn mạnh khi thành phố chưa ban hành văn bản hướng dẫn về việc thu chi trong nhà trường, nếu cơ sở nào đã tổ chức thu chi là làm sai. Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu lãnh đạo UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm về hoạt động giáo dục trên địa bàn mình quản lý, trong đó có vấn đề thu chi. Chỉ đạo ở tầm vĩ mô là như vậy, nhưng ở tầm vi mô chuyện lạm thu, thu “ngoài luồng” vẫn âm thầm diễn ra từ bao năm nay. Cái lý được đưa ra lâu nay vẫn là mức học phí hiện tại quá lạc hậu buộc các trường phải thu thêm để đảm bảo hoạt động của nhà trường. Lý sự kiểu đó cũng như bệnh viện khi tăng hàng trăm phí dịch vụ y tế. Câu hỏi lại được đặt ra, tăng các khoản tiền trường thì chất lượng giảng dạy, trình độ giáo viên có tăng lên hay không? Cứ cho rằng đồng tiền trượt giá, lạm phát thì phải tăng các khoản thu chi nhưng nhà trường có tính đến gánh nặng đóng góp, các loại quỹ đè nặng lên vai hàng triệu gia đình mà lương và thu nhập cũng trượt giá theo?

Niềm vui ngày khai giảng năm học mới không thể trọn vẹn, khi mà trên cả hai vai học sinh và phụ huynh đều nặng trĩu gánh nặng sách vở, học thêm và các khoản tiền trường đeo đẳng suốt 12 năm dưới mái trường.