Tripoli thất thủ

ANTĐ - Hôm qua 22-8, giao tranh dữ dội đã xảy ra gần dinh thự của nhà lãnh đạo Libya, Muammar Gaddafi ở trung tâm Thủ đô Tripoli khi binh sĩ chính phủ yếu ớt chống lại quân nổi dậy đã kiểm soát hầu hết thủ đô.

Hàng nghìn người xuống đường trên đường phố Tripoli đêm 21-8

Đài truyền hình al-Jazeera dẫn lời một phát ngôn viên quân chống đối cho biết, lực lượng trung thành với ông Gaddafi đã từ chối đầu hàng sau khi quân nổi dậy tràn vào Tripoli, bắt giữ 2 con trai của ông. Theo các phóng viên nước ngoài có mặt tại hiện trường, những vụ giao tranh cũng nổ ra ở phía nam Tripoli từ sáng sớm 22-8, với các loại vũ khí hạng nặng và súng trường tự động được triển khai. Hiện chưa rõ ông Gaddafi đang ở đâu mặc dù ông đã phát đi 3 thông điệp trên sóng radio hôm 21-8. Trước đó, ông Gaddafi đã thề chiến đấu tới giọt máu cuối cùng và không rời khỏi Libya.

Trong khi đó, Người phát ngôn Chính phủ Libya, Moussa Ibrahim, cho biết 1.300 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ở Tripoli hôm 21-8. Theo ông Ibrahim, chính phủ sẵn sàng đàm phán ngay lập tức với phe nổi dậy, đồng thời thúc giục NATO thuyết phục quân nổi dậy ngừng các cuộc tấn công vào Thủ đô.  

Ngày 22-8, quân nổi dậy đã tiến vào Quảng trường Xanh ở trung tâm Tripoli, nơi những người ủng hộ ông Gaddafi thường tuần hành trong những tuần qua. Ông Abdullah Almayhop, một quan chức thuộc Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) hôm 21-8 cho biết, phe nổi dậy đã kiểm soát gần như toàn bộ thủ đô, ngoại trừ thành trì Bab Al-Aziziyah của ông Gaddafi và đang nỗ lực giành quyền kiểm soát phần còn lại. Đối mặt với sự tấn công của quân nổi dậy, nhiều đơn vị của quân đội chính phủ đã bỏ súng đầu hàng. Phe nổi dậy tuyên bố, con trai cả của ông Gaddafi, Mohammed đã đầu hàng còn con trai thứ hai Saif al-Islam đã bị bắt sống và hiện đang bị giam giữ tại một địa điểm an toàn. Trước đó, Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) đã phát lệnh truy nã ông Gaddafi, Saif al-Islam và người đứng đầu Cơ quan Tình báo Libya Abdullah al-Senussi với cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người. 

Phát biểu tại Brussels, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen sáng 22-8 cho rằng chế độ cầm quyền của ông Gaddafi ở Libya “đang vỡ vụn”, đồng thời thúc giục lực lượng trung thành với ông Gaddafi ngừng kháng cự để tránh cho người dân Libya khỏi bị đổ máu và khổ cực thêm. Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cùng kêu gọi ông Gaddafi từ bỏ quyền lực ngay lập tức. 

Khi cuộc chiến dường như sắp đi đến hồi kết, câu hỏi lớn nhất đặt ra là ai có đủ khả năng để đoàn kết người dân đất nước Libya. “Không có một lãnh đạo phe nổi dậy nào được mọi người tôn trọng. Đó chính là vấn đề”, ông Kamran Bokhari, Giám đốc hãng phân tích STRATFOR khu vực Trung Đông nói. Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp ở Libya hiện do ông Mustafa Abdel Jalil làm chủ tịch, gồm một nhóm các cựu bộ trưởng dưới thời chính phủ của ông Gaddafi và các nhân vật đối lập, có trụ sở đặt tại thành phố Benghazi. Trước đó, ngày 28-7, tướng Abdul Fatah Younes, Tư lệnh quân nổi dậy đã bị chính một nhóm các tay súng của ông bắn chết. Điều này cho thấy sự mâu thuẫn và chia rẽ trong nội bộ phe nổi dậy. Theo các nhà phân tích, nếu không đoàn kết được các phe phái trong nước, Libya có thể lặp lại sai lầm tương tự như ở Iraq sau khi Mỹ phát động cuộc tấn công vào năm 2003 nhằm lật đổ chế độ Saddam Hussein.

Tripoli thất thủ  ảnh 2

Ông Gaddafi đang ở đâu?

Quân nổi dậy đang truy tìm Tổng thống Gaddafi khi có những đồn đoán rằng ông đã rời khỏi Libya. Theo các nhà ngoại giao, kịch bản có vẻ phù hợp nhất là ông Gaddafi đang ở bên trong dinh thự Al Azizya ở Tripoli, mặc dù trước đó có thông tin rằng ông đã trở về ngôi nhà của tổ tiên ở Sahba, hay Sirte - nơi ông sinh ra, cũng có thể là nước láng giềng Algeria. Trong cuộc giao tranh, phe nổi dậy đã đưa ra một lối thoát an toàn cho ông Gaddafi nếu ông từ chức, và Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp đã đề nghị Ai Cập, Morocco, Tunisia và Algeria cho phép ông Gaddafi và gia đình sống lưu vong. 

Ngoài châu Phi, Venezuela cũng có thể là một điểm đến của ông Gaddafi. Nhưng khả năng đó là khá mong manh do phe nổi dậy đã kiểm soát các tuyến đường chính và sân bay ở Tripoli. Cùng với đó, sức ép đòi đưa ông Gaddafi ra tòa xét xử ngày càng tăng.

Các hãng dầu mỏ chạy đua vào Libya

Khi lực lượng nổi dậy tấn công ào ạt giành quyền kiểm soát phần lớn Thủ đô Tripoli, các công ty dầu mỏ trên thế giới bắt đầu cuộc chạy đua giành thị phần tại đất nước có trữ lượng dầu lớn nhất châu Phi này. Công ty dầu mỏ Eni của Italia đã tiên phong trong việc quay trở lại Libya. Bộ trưởng Ngoại giao Italia Franco Frattini cho biết, nhân viên của công ty này đã tới nghiên cứu để xem xét việc tái khởi động các cơ sở dầu ở phía đông Libya trong khi cuộc chiến giữa quân chính phủ và lực lượng nổi dậy vẫn tiếp tục ở Thủ đô Tripoli. 

Theo các chuyên gia, sự sụp đổ của chính quyền Gaddafi sẽ mở cửa cho những tên tuổi mới cạnh tranh với những công ty của Mỹ, châu Âu… tại thị trường này. “Chúng tôi không có vấn đề với những nước phương Tây như Italia, Pháp và Anh, nhưng có thể có một số vấn đề về chính trị với Nga, Trung Quốc và Brazil” - Abdeljalil Mayouf, người phụ trách thông tin Công ty dầu mỏ AGOCO của lực lượng nổi dậy cho biết. Dự đoán, giá dầu mỏ thế giới sẽ giảm vì sản lượng dầu mỏ của Libya sẽ được khôi phục khi cuộc chiến ở đất nước này sắp đến hồi kết thúc.