Trình sửa luật Điện lực để quản lý, xây dựng giá điện theo cơ chế thị trường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Điện lực với 6 chính sách lớn, trong đó sẽ quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh và giá điện theo cơ chế thị trường.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày tờ trình dự án luật

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày tờ trình dự án luật

Chiều 21-10, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án luật, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Luật Điện lực năm 2004 sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 4 lần sửa đổi, bổ sung nhưng đến nay vẫn còn tồn tại một số vấn đề chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng. Điều này nhằm thể hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và đòi hỏi của thực tiễn nhằm khắc phục triệt để các khó khăn, vướng mắc hiện tại và để xây dựng thị trường điện cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả.

Đoàn ĐBQH Hà Nội tại phiên họp Quốc hội ngày 21-10

Đoàn ĐBQH Hà Nội tại phiên họp Quốc hội ngày 21-10

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, Chính phủ trình Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) lần này với 6 chính sách lớn bao gồm: quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện;

Đặc biệt, quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường. Ngoài ra là các chính sách về quản lý, vận hành hệ thống điện; an toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện.

Dự thảo Luật kế thừa và có sửa đổi chủ yếu 62 điều, bổ sung 68 điều. Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật này theo quy trình 1 kỳ họp (cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV).

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi). Đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo luật tiếp tục rà soát dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với 6 chính sách đã được thông qua.