Trình HĐND TP đề án nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn PCCC và CNCH của Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại phiên họp HĐND TP Hà Nội sáng 1-7, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc CATP Hà Nội đã trình bày tờ trình về việc xem xét, thống nhất chủ trương ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung Giám đốc CATP Hà Nội trình bày tờ trình về việc xem xét, thống nhất chủ trương ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung Giám đốc CATP Hà Nội trình bày tờ trình về việc xem xét, thống nhất chủ trương ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

5 nhóm giải pháp, 13 nhiệm vụ trọng tâm

Về quá trình xây dựng đề án, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, từ cuối năm 2021 đến nay, UBND TP đã ban hành kế hoạch khung, thành lập Tổ soạn thảo, nhiều lần lấy ý kiến các sở ngành, các quận, huyện, thị xã, các chuyên gia trong lĩnh vực PCCC và CNCH.

UBND TP đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, ý kiến thẩm tra của Ban Nội chính Thành ủy, Ban Pháp chế HĐND TP…để chỉnh sửa, hoàn thiện đề án.

Dự thảo đề án gồm 69 trang; Bố cục gồm 4 phần. Cụ thể, phần A: Sự cần thiết, cơ sở xây dựng, mục đích tổng quát, 7 mục tiêu cụ thể, 8 yêu cầu của Đề án; Phần B: Thực trạng công tác PCCC và CNCH trên địa bàn Thành phố về các mặt: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện; thực trạng cơ sở hạ tầng, lực lượng, phương tiện phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; thực trạng nhận thức, ý thức về PCCC, CNCH, kết quả các mặt công tác cụ thể và đánh giá chung. Trong đó có cập nhật số liệu gần đây nhất cũng như công tác rà soát, kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an, Thành ủy;

Phần C: Dự báo tình hình; nhiệm vụ, giải pháp: Trên cơ sở định hướng, quy hoạch phát triển Thủ đô; định hướng, xu thế phát triển có ảnh hưởng trực tiếp đến nguy cơ dẫn đến cháy, nổ; Đề án đưa ra dự báo tình hình và 5 nhóm giải pháp với 13 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.

Cụ thể, nhóm giải pháp thứ nhất: Tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các cấp, ngành, địa phương từ cấp Thành phố đến cấp cơ sở trong công tác PCCC và CNCH.

Nhóm giải pháp thứ hai: Làm tốt công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng; Tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại liên quan PCCC và CNCH, với 2 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đối với các khu dân cư và công trình vi phạm PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.

Nhóm giải pháp thứ ba: Xây dựng và phát triển toàn diện hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, với 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá: Kiện toàn, thành lập bổ sung các Đội, phân Đội Cảnh sát PCCC và CNCH; Quy hoạch bổ sung địa điểm làm việc, doanh trại cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Thành phố; Tăng cường quân số, biên chế; Tiếp tục đầu tư trang thiết bị, phương tiện PCCC và CNCH.

Nhóm giải pháp thứ tư: Đầu tư phát triển hạ tầng phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, với 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá: Hệ thống giao thông phục vụ PCCC; Hệ thống cung cấp nước phục vụ PCCC; Hệ thống thông tin liên lạc phục vụ PCCC.

Nhóm giải pháp thứ năm: Kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các lực lượng PCCC tại chỗ, với 04 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá gắn với các lực lượng sau: Lực lượng dân phòng; Lực lượng PCCC cơ sở; Lực lượng PCCC chuyên ngành; Lực lượng tình nguyện tham gia hoạt động PCCC và CNCH.

Bên cạnh 5 nhóm giải pháp với 13 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nêu trên; dự thảo Đề án cũng đề ra 05 nhiệm vụ định kỳ, thường xuyên: Tham mưu hoàn thiện thể chế trong việc thực hiện công tác PCCC và CNCH của Thành phố; Nâng cao nhận thức, ý thức trong công tác PCCC và CNCH; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả và năng lực của các đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PCCC và CNCH; Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; Đẩy mạnh ứng dụng “công nghệ số” trong công tác quản lý nhà nước và tăng cường công tác nghiên cứu khoa học về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

“Quá trình xây dựng đề án, Tổ soạn thảo luôn bám sát chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách mới được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung. Đề án cũng bổ sung các nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt, cấp bách cần thực hiện ngay để đảm bảo phù hợp với tình hình, thực trạng trên địa bàn Thủ đô”, Giám đốc CATP khẳng định.

Hà Nội sẽ tập trung tập trung xây dựng, kiện toàn lực lượng Cảnh sát PCCC cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tinh thông pháp luật, nghiệp vụ, kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy và CNCH

Hà Nội sẽ tập trung tập trung xây dựng, kiện toàn lực lượng Cảnh sát PCCC cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tinh thông pháp luật, nghiệp vụ, kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy và CNCH

Lộ trình 2 giai đoạn

Về lộ trình và tổ chức thực hiện đề án, Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết, đề án chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn từ nay đến hết 2025, UBND TP ban hành kế hoạch cụ thể, chi tiết để phổ biến, quán triệt, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện; đồng thời tập trung triển khai ngay các giải pháp cấp bách nâng cao nhận thức, ý thức về PCCC và CNCH của quần chúng nhân dân;

Tăng cường hiệu quả hoạt động của lực lượng PCCC và CNCH cơ sở, đảm bảo quy trình “4 tại chỗ”; vận động các gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh phải tự trang bị phương tiện PCCC và CNCH; khắc phục những tồn tại, triển khai các giải pháp trước mắt để đảm bảo an toàn cho các công trình, cơ sở có nguy cơ cao về cháy nổ như chung cư mini, nhà trọ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh; bổ sung các giải pháp tăng cường nguồn nước phục vụ chữa cháy ở các khu dân cư có nguy cơ cháy cao, các ngõ sâu, ngõ nhỏ có chiều dài hơn 200m…

Giai đoạn năm 2026 - 2030, thực hiện nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án đã được phân công cụ thể trong giai đoạn như tăng cường công tác tuyên truyền kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH; vận động 100% nhà ở riêng lẻ trang bị thiết bị báo cháy, khuyến khích trang bị hệ thống báo cháy tự động;

Xử lý dứt điểm các công trình không đảm bảo an toàn PCCC đã đưa vào hoạt động; 100% các ngõ nhỏ, ngõ sâu sẽ được rà soát, đầu tư, bổ sung họng nước phục vụ chữa cháy; tiếp tục đề xuất, bổ sung các dự án, gói dự án mua sắm các trang thiết bị, phương tiện PCCC và CNCH; tập trung xây dựng, kiện toàn lực lượng Cảnh sát PCCC cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tinh thông pháp luật, nghiệp vụ, kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy và CNCH.

Đề án đã quy định phân công nhiệm vụ chi tiết cho 16 đơn vị sở, ngành, 30 UBND quận, huyện, thị xã; 4 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng trực thuộc thành phố, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất thành phố, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực, các cơ quan báo đài, truyền thông, các đơn vị cung cấp nước sạch trên địa bàn; đồng thời, có đề nghị đến các tổ chức chính trị, đoàn thể, xã hội của thành phố để tăng cường công tác phối hợp, nâng cao hiệu quả trong quá trình thực hiện Đề án.

Về kinh phí thực hiện đề án, Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết, kinh phí đã tích hợp các nội dung, nhiệm vụ mà thành phố đã và đang triển khai.

Sau khi ban hành đề án, quá trình thực hiện, căn cứ vào từng giai đoạn, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được phân công chủ động lập dự án, gói dự án, kinh phí thực hiện đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội; đảm bảo đúng quy định của pháp luật…