Trình độ cán bộ hạn chế gây ra án oan, sai

ANTĐ - Ngày 10-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã thảo luận nội dung về kết quả giám sát "Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật".

Chưa đáp ứng được yêu cầu

Sau khi trình bày báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội (UBTPQH) Nguyễn Văn Hiện, Phó trưởng đoàn giám sát cho biết, trong những năm gần đây, về cơ bản hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người đúng tội, đúng pháp luật, án oan sai đã giảm. Tuy số người bị oan không nhiều, các trường hợp sai phạm đã được hạn chế đáng  kể và giảm dần theo từng năm nhưng so với yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 thì việc phòng chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Đoàn giám sát nhận thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phòng chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm của Viện kiểm sát các cấp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Còn để xảy ra hơn 20 trường hợp làm oan sai người vô tội thuộc trách nhiệm bồi thường của Viện kiểm sát. 

Tại các địa phương, có nhiều quyết định đình chỉ, miễn trách nhiệm hình sự đối với bị can phạm tội về kinh tế, chức vụ, tham nhũng là không đúng pháp luật, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm do Viện kiểm sát vận dụng sai các tình tiết giảm nhẹ để làm căn cứ miễn trách nhiệm hình sự. Ngược lại, có những trường hợp Viện kiểm sát và các cơ quan tiến hành tố tụng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, dẫn đến việc chậm trả tự do, chậm minh oan cho người vô tội. Có khá nhiều trường hợp Viện kiểm sát truy tố chưa đúng tội danh, chưa đúng điều khoản của luật, thiếu chứng cứ buộc tội, phải rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố. Trong kỳ giám sát, có gần 20 trường hợp bị truy tố song tòa án tuyên không phạm tội, 629 bị can bị  truy tố nhưng qua xét xử chưa đủ căn cứ kết tội; có dấu hiệu bỏ lọt hơn 180 người phạm tội.

Vẫn còn xem nặng hồ sơ 

Theo báo cáo giám sát, nguyên nhân dẫn đến các trường hợp oan sai thuộc trách nhiệm Viện kiểm sát chủ yếu do năng lực một bộ phận Kiểm sát viên còn yếu kém, thụ động, không thực hiện đúng nhiệm vụ gắn công tố với hoạt động điều tra; lãnh đạo Viện kiểm sát buông lỏng trách nhiệm hoặc phối hợp thống nhất một chiều với CQĐT trong nhận định, đánh giá vi phạm pháp luật và tội phạm; việc đánh giá, sử dụng chứng cứ thiếu toàn diện, áp dụng pháp luật máy móc. Phẩm chất đạo đức công vụ của một số cán bộ, Kiểm sát viên thấp, nhiều trường hợp đã bị xử lý, kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cùng với Viện kiểm sát, tình hình oan sai thuộc trách nhiệm của ngành Tòa án cũng cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, công tác xét xử phòng chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm của tòa án các cấp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Có một số trường hợp có đủ căn cứ kết tội bị cáo nhưng tòa án sơ thẩm lại tuyên bị cáo không phạm tội, ngược lại, có trường hợp đủ căn cứ tuyên bị cáo vô tội nhưng không tuyên vô tội mà lại trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đình chỉ điều tra làm cho việc minh oan chậm trễ. Số bản án, quyết định phúc thẩm bị kháng nghị và đã xét xử giám đốc thẩm tuy không nhiều nhưng số vụ bị tòa án cấp Giám đốc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại chiếm tỷ lệ đáng kể. Còn khá nhiều bản án, quyết định hình sự xác định sai khung hình phạt, áp dụng không đúng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Có trường hợp còn áp dụng hình phạt quá nặng, không phù hợp với chính sách.

Bên cạnh đó, việc xem xét, giải quyết đơn khiếu nại kêu oan theo trình tự Giám đốc thẩm còn chậm, tỷ lệ còn hạn chế. Có trường hợp Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao giám đốc thẩm chưa hoàn toàn chính xác làm cho việc giải quyết vụ án trở nên phức tạp, khiếu kiện bức xúc. Nguyên nhân dẫn đến các trường hợp oan, sai thuộc trách nhiệm của Tòa án chủ yếu do trình độ, năng lực của một bộ phận Thẩm phán còn hạn chế như không nghiên cứu kỹ hồ sơ, thiếu phân tích, đánh giá đầy đủ, quá tin vào tài liệu hồ sơ, chưa chủ động làm rõ các tình tiết mới tại phiên tòa…

Chiều 10-4, phiên họp thứ 37, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bế mạc sau 5 ngày làm việc.

Nơi nào làm oan sai phải chịu trách nhiệm ở đó

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện trách nhiệm giám sát việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, hướng tới mục tiêu không để oan, sai đối với công dân. “Làm sai là vi hiến, xâm phạm quyền con người, quyền tự do, công bằng và làm méo mó công lý. Nếu cơ quan tư pháp sai thì làm sao chúng ta bảo vệ được công lý, do đó cuộc giám sát có ý nghĩa đối với toàn ngành” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết phải đánh giá đúng hệ thống tư pháp thực thi công vụ một cách nghiêm túc, tận tâm, cố gắng và thực hiện các Nghị quyết của Trung ương có nhiều tiến bộ. Bên cạnh đó, phải đánh giá thực trạng oan sai vẫn còn và đã oan sai là nghiêm trọng. Oan sai ở đâu thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, người chỉ huy, cán bộ ở đó phải chịu trách nhiệm, tức chỉ rõ trách nhiệm từng khâu để oan sai và kết luận trách nhiệm, đòi hỏi xử lý nghiêm túc.