Triều Tiên vẫn chưa chịu đàm phán dù khủng hoảng lương thực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bất chấp tình trạng thiếu lương thực được mô tả là “tồi tệ nhất” trong một thập kỷ, Triều Tiên sẽ không tham gia các cuộc đàm phán ngoại giao với Mỹ trừ khi Washington giảm bớt thái độ thù địch, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman ngày 23-7 cho biết.
Nông dân cấy lúa ở thành phố Nampho, tỉnh Chongsan-ri, Triều Tiên,

Nông dân cấy lúa ở thành phố Nampho, tỉnh Chongsan-ri, Triều Tiên,

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nói với các phóng viên tại Seoul, Hàn Quốc: “Tất cả chúng tôi đều đồng cảm với người dân CHDCND Triều Tiên”.

Thương mại của Triều Tiên với đối tác chính Trung Quốc đã giảm hơn 85% trong 6 tháng đầu năm 2021, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc công bố đầu tháng này. Tổng mức trao đổi thương mại chỉ còn dưới 57 triệu USD, đánh dấu mức thấp nhất kể từ khi Trung Quốc bắt đầu công bố dữ liệu cách đây hai thập kỷ vào năm 2001.

Hoạt động thương mại với nước duy nhất mà Triều Tiên còn mở cửa biên giới trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 giảm mạnh đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực.

Rodong Sinmun, tờ báo chính thức của Triều Tiên, hôm 23-7 đưa tin, canh tác đạt sản lượng tốt trở thành vấn đề “sống còn” ở nước này. Tờ báo Triều Tiên cảnh báo: “Tất cả công dân sống ở đất nước này nên hỗ trợ hết sức có thể trong khi mùa màng tốt là vấn đề sinh tử quyết định số phận của bản thân và con cái họ cũng như của đất nước”.

Trong khi đó, Mỹ đang tìm cách mở lại đối thoại với Triều Tiên về chương trình hạt nhân của nước này. Các chuyên gia khu vực nói rằng, Chủ tịch Kim Jong-un coi vũ khí hạt nhân là không thể thiếu đối với sự sống còn của họ và sẽ không từ bỏ nếu không có sự nhượng bộ đáng kể từ Mỹ và Hàn Quốc.

Khác với người tiền nhiệm Donald Trump, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cho đến nay dường như quay trở lại cách tiếp cận chính sách đối ngoại truyền thống hơn đối với Triều Tiên trong đối thoại về phi hạt nhân hóa.