Triều Tiên trở thành nước thứ 8 sở hữu tên lửa liên lục địa

ANTĐ - Các nước phương Tây đều cho rằng, các vụ thử vệ tinh của Triều Tiên chỉ là cái cớ để phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa, điều này hoàn toàn hợp logic. Trên thực tế, tên lửa đẩy vệ tinh và tên lửa liên lục địa đều có kết cấu và nguyên lý như nhau, các tên lửa liên lục địa hoàn toàn có thể thay thế tên lửa đẩy vệ tinh và ngược lại.

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin lúc 10g sáng 12-12 (giờ địa phương, 8g sáng giờ VN), tên lửa Unha-3 từ Trung tâm vũ trụ Sohae ở Triều Tiên đã bay lên quỹ đạo, mang thành công vệ tinh Kwangmyongsong-3 bay đúng quỹ đạo đã định. Báo Asahi của Nhật cho biết khoảng 12 phút sau rời bệ phóng, tên lửa đã bay qua vùng trời đảo Okinawa. Tầng thứ nhất của tên lửa rơi xuống vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, cách vùng Đông Bắc Nhật Bản 400km, tầng thứ hai rơi xuống vùng biển Philippines sau khi bay được 3000km. Bộ chỉ huy phòng vệ không gian Bắc Mỹ (NORAD) xác nhận tên lửa Triều Tiên “đã đưa một vật thể ‘giống vệ tinh’ lên quỹ đạo Trái đất”.

Triều Tiên đã 3 lần thử nghiệm phóng vệ tinh lần lượt vào các thời điểm tháng 8/1998, tháng 4/2009 và tháng 4 năm nay. 2 lần trước Bình Nhưỡng đều tuyên bố đã thành công nhưng trên thực tế, cả Nga và Mỹ đều khẳng định các vụ thử này đều thất bại. Đến tháng 4 năm nay, chính Triều Tiên cũng phải thừa nhận chỉ 2 phút sau khi rời bệ phóng, tên lửa đẩy Unha-3 đã mất điều khiển và phát nổ. Tên lửa đẩy Unha-3 được cải tiến từ tên lửa Unha-2 mà Triều Tiên phóng hồi tháng 4/2009 với ba tầng nhiên liệu dài 30m có thể đạt tầm bắn 6.000-7000km. 

Trong cả 3 lần thất bại trước đó, nguyên nhân đều được xác định là có liên quan đến tên lửa đẩy, đây cũng là nguyên nhân thất bại trong cả 2 lần phóng thử vệ tinh của Hàn Quốc với tên lửa đẩy vệ tinh KSLV-I (hay còn gọi là Naro). Thế nhưng lần này thì Triều Tiên đã thành công với phiên bản cải tiến của tên lửa Unha-3

Tên lửa Unha-3 sẵn sàng trên bệ phóng

Nền tảng công nghệ tên lửa đẩy của Triều Tiên là loại tên lửa tầm ngắn nổi tiếng Scud với nền tảng kỹ thuật và độ tin cậy lạc hậu so với công nghệ tiên tiến hiện nay. Đại đa số các tên lửa đẩy của họ đều có kết cấu vỏ bằng thép có động cơ là một phiên bản nâng cấp công suất của động cơ tên lửa Scud. Sau khi Liên Xô giải thể, Bình Nhưỡng đã nhận được một tên lửa tương đối tiên tiến của Nga là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm R-27 (NATO gọi là SS-N-6).

Ngày 31/8/1998, Triều Tiên phóng vệ tinh Kwangmyongsong-1 với mục đích chính là thử nghiệm tên lửa Taepodong-1, còn vào ngày 05/07/2006 Bình Nhưỡng tiến hành tập trận bắn tên lửa trên quy mô lớn, họ đã phóng 7 quả tên lửa Taepodong-2 Musudan từ tàu ngầm. Loại tên lửa này chính là cùng một cơ sở công nghệ với tên lửa Unha-2, nó đã bay bình thường được 40 giây thì tự nhiên phát nổ, điều này chứng tỏ Triều Tiên vẫn không làm chủ được công nghệ sao chép động cơ 4D10 của tên lửa R-27.

Tên lửa Unha-2 của Triều Tiên sử dụng loại động cơ 4D10 cải tiến, đây cũng là nền tảng để Bình Nhưỡng phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa. Vụ phóng thử thất bại của vệ tinh Kwangmyongsong-2 với tên lửa Unha-2 năm 2009 đã một lần nữa chứng tỏ họ chưa có bước tiến vượt bậc trong nâng cao công suất động cơ tên lửa đẩy.

Sau đó Triều Tiên lại một lần nữa cải tiến Unha-2, tạo nên một cuộc cách mạng trong công nghệ tên lửa đẩy vệ tinh và họ đã thành công trong phát triển tên lửa đẩy Unha-3. Sau lần thất bại tháng 4 năm nay, Triều Tiên đã có bước đột phá về công nghệ, họ đã điều chỉnh thành công các tham số của Unha-3, đạt được một bước tiến lịch sử trong công nghệ tên lửa đẩy vệ tinh, đồng nghĩa với những thành công trong phát triển tên lửa liên lục địa.

Tên lửa Unha-3 có thể bắn tới, thậm chí vượt qua Los Angeles của Mỹ

Các nước phương Tây đều cho rằng, các vụ thử vệ tinh của Triều Tiên chỉ là cái cớ để phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa, điều này hoàn toàn hợp logic. Trên thực tế, tên lửa đẩy vệ tinh và tên lửa liên lục địa đều có kết cấu và nguyên lý như nhau, các tên lửa liên lục địa hoàn toàn có thể thay thế tên lửa đẩy vệ tinh và ngược lại. Thế hệ tên lửa liên lục địa Đông Phong (DF) của Trung Quốc đều có tính năng so sánh tương đương để thay thế các tên lửa đẩy Trường Chinh (dùng để phóng vệ tinh Bắc Đẩu) khi cần thiết.

Có thể nói, với thành công của tên lửa Unha-3 có tầm bắn từ 6000-7000km, Triều Tiên đã chính thức trở thành nước thứ 8 làm chủ được công nghệ phát triển tên lửa liên lục địa sau Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan nhưng thành công của họ được đánh giá cao hơn Pakistan rất nhiều. Tên lửa Unha-3 giờ đã được đặt ngang hàng tên lửa Đông Phong-4 (DF-4) của Trung Quốc, có tầm bắn tới, thậm chí vượt qua Los Angeles trên lãnh thổ Mỹ. Tuy con đường phát triển thành một cường quốc tên lửa thế giới của Bình Nhưỡng còn nhiều chông gai nhưng hiện Triều Tiên đã trở thành một đối trọng mà Mỹ và Trung Quốc phải để mắt trong chiến lược toàn cầu.