Triều Tiên thừa khả năng hủy diệt căn cứ Mỹ ở đảo Guam?

ANTD.VN - Các chuyên gia quân sự cho rằng, Triều Tiên không chỉ dọa suông mà lực lượng tên lửa nước này đủ khả năng để hủy diệt các căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam, thậm chí là tấn công tới nhiều vùng lãnh thổ Mỹ.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang nóng lên từng ngày khi vào hôm 22/8, Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã bắt đầu cuộc tập trận quy mô lớn “Người bảo vệ Tự do Ulji” (Ulji Freedom Guardian), bao gồm cả kịch bản tấn công vào các cơ sở hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Cuộc tập trận Ulji Freedom Guardian diễn ra từ ngày 22-8 đến 2-9-2016, với sự tham gia của 25.000 lính Mỹ và 50.000 lính Hàn Quốc, đồng thời còn có sự góp mặt của Australia, Philippines, Canada, Colombia, Đan Mạch, Pháp, Italia, Anh và New Zealand.

Trong thời gian qua, Mỹ và Hàn Quốc tăng cường các cuộc tập trận để đối phó với Bình Nhưỡng, đồng thời tăng cường các phương tiện quân sự hiện đại như máy bay ném bom B-1B hay hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, sau khi Triều Tiên liên tiếp thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Những động thái này đã vấp phải phản ứng dữ dội của chính quyền Bình Nhưỡng. Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố rằng, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang bước vào "giai đoạn cực nguy hiểm”, do những âm mưu “thù địch” của Mỹ liên tục nhằm vào nước này.

 Triều Tiên được cho là đã chế tạo thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa KN-08 có tầm phóng trên 10.000km

Bình Nhưỡng đã đưa ra cảnh báo cứng rắn là, nếu Hoa Kỳ và đồng minh dám thực hiện những "bước đi thiếu suy nghĩ" thì họ có thừa năng lực và sẵn sàng tung ra đòn đánh phá hủy diệt các căn cứ quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, kể cả ở đảo Guam.

Theo quan điểm của ông Alexandr Vorontsov, lãnh đạo Phòng nghiên cứu Triều Tiên và Mông Cổ của Viện Phương Đông (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga), hiện nay Bình Nhưỡng đã có đủ khả năng chống trả mọi cuộc tấn công từ bên ngoài.

Việc phóng thành công tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ tàu ngầm thông thường đã tạo điều kiện để Triều Tiên đủ khả năng trang bị tên lửa đạn đạo tầm ngắn cho hạm đội tàu ngầm trong tương lai và phát triển những tên lửa có tầm phóng xa hơn và hiện đại hơn.

Theo quan điểm của chuyên gia Nga, vụ phóng thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm đã chứng tỏ Bình Nhưỡng có đủ thực lực quân sự để đẩy lùi mọi cuộc tấn công. Hiện phạm vi hỏa lực của tên lửa Triều Tiên có thể bao trùm cả các căn cứ quân sự Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

"Về vấn đề này, Triều Tiên đang mở rộng tiềm lực để tiến hành phòng thủ chủ động và gia tăng khả năng khi cần sẽ giáng đòn tấn công vào các căn cứ Mỹ không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở các nước khác trong khu vực" - chuyên viên A.Vorontsov nêu ý kiến.

Phạm vi tấn công của một số loại tên lửa đạn đạo chủ lực của Triều Tiên

Ông cũng lưu ý rằng, trong bối cảnh không thể đạt được bất kỳ tiến bộ nào về đối thoại và thương lượng với các đối thủ chính, Triều Tiên không thấy bất kỳ hạn chế nào trong việc tăng cường an ninh của đất nước.

Giới chức lãnh đạo Triều Tiên cũng đã nhiều lần tuyên bố rằng, không có biện pháp nào bảo đản an ninh quốc gia tốt bằng hạt nhân, chỉ có loại vũ khí này mới có khả năng hạ nhiệt “những cái đầu nóng”. Do đó, Bình Nhưỡng không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Hiện nay, Triều Tiên đã sở hữu nhiều loại tên lửa đạn đạo có phạm vi tấn công vươn tới các căn cứ Mỹ ở đảo Guam và xa hơn nữa, như tên lửa tầm trung Musudan (tầm phóng 4.000 km), tên lửa tầm xa Taepodong-2 (6.000 km) hay tên lửa đạn đạo liên lục địa KN-08 (10.000 km).

Với tầm phóng này, không chỉ đảo Guam (cách bờ biển Triều Tiên khoảng 3.500 km) mà cả đảo Hawaii, thậm chí là cả bờ Tây nước Mỹ cũng nằm trong phạm vi tấn công của tên lửa đạn đạo Triều Tiên. Do đó, những cảnh báo của Bình Nhưỡng không hẳn chỉ là lời nói suông.