Triều Tiên gây bất ngờ với nước cờ trúng nhiều đích

ANTD.VN - Bầu không khí trên Bán đảo Triều Tiên một lần nữa nóng lên khi Triều Tiên ngày 29-8 tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo mới bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Đây là vụ thử tên lửa thứ 80 của Bình Nhưỡng trong vòng 6 năm qua, nhưng khiến Mỹ và các quốc gia đồng minh giật mình vì sự khác biệt. 

Nhật Bản lo ngại khả năng Washington và Bình Nhưỡng có thể âm thầm chuẩn bị cho một cuộc đàm phán kín

Ngày 30-8, Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) xác định Triều Tiên đã phóng một tên lửa tầm trung một ngày trước đó, tuy nhiên vụ phóng này không gây ra một mối đe dọa cho Bắc Mỹ cũng như đảo Guam.

Đánh giá về tên lửa của Triều Tiên trong vụ phóng này, chuyên gia quân sự thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông ở Seoul (Hàn Quốc), nhà phân tích Kim Dong-yub nhận định các dữ liệu ban đầu cho thấy nhiều khả năng đây là Hwasong-12, loại tên lửa tầm trung mà Bình Nhưỡng hôm 14-8 cảnh báo sử dụng để bắn tới đảo Guam, vùng lãnh thổ của Mỹ trên Thái Bình Dương.

Trong khi đó, cùng ngày, Triều Tiên tuyên bố nước này đã phóng tên lửa tầm trung Hwasong-12 "bay qua bầu trời phía trên bán đảo Hokkaido và Mũi Erimo của Nhật Bản theo đường bay đặt trước và tấn công chính xác vào một mục tiêu định sẵn trên Thái Bình Dương". Đây là lần đầu tiên Triều Tiên thừa nhận thực hiện hành động như vậy.  

Câu hỏi đặt ra là vì sao Triều Tiên đột ngột thay đổi hướng bay của tên lửa, khác với tuyên bố tấn công đảo Guam từng khiến Mỹ sôi sục trước đó?

Các vụ thử tên lửa trước đây của Triều Tiên cho thấy những tên lửa này đều rơi xuống vùng biển gần Triều Tiên do chúng có tầm bắn hạn chế hoặc được bắn đi theo góc có độ lệch lớn nên không thể bay xa. Riêng vụ thử mới nhất, Triều Tiên lần đầu tiên sử dụng tên lửa tầm trung bắn ở góc độ thực và bay theo quỹ đạo thực tế. Do đó, nó đã bay được khoảng 2.700 km với độ cao tối đa đạt 550 km. 

Vụ phóng này được xem là một diễn biến đặc biệt đáng báo động và nghiêm trọng đối với cả Washington, Seoul và Tokyo. Trong năm nay, nhịp độ các cuộc thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên đã được đẩy nhanh đáng kể.

Một số nhà phân tích cho rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ phát triển thành công tên lửa hạt nhân tầm xa trước khi ông Trump kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên vào đầu năm 2021. Và cuộc thử nghiệm hôm nay là cách Triều Tiên đưa ra thông điệp rằng Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục chương trình vũ khí của mình và sẽ đạt được mục đích, đồng thời Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán “theo điều kiện của Triều Tiên”.

Cũng như những lần họp trước, trong phiên mới nhất sáng 30-8, Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, tuyên bố lần này của Hội đồng Bảo an LHQ do Mỹ soạn thảo không đe dọa có thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên.

Điều này khiến Nhật Bản quan ngại và nghi ngờ cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh trước khả năng tấn công của Triều Tiên. Một nguồn tin trong Chính phủ Nhật Bản cho biết, trước thời điểm diễn ra vụ phóng ngày 29-8, giới chức nước này đã tỏ ý lo ngại rằng Washington và Bình Nhưỡng đang âm thầm chuẩn bị cho một cuộc đàm phán kín.

Trong khi đó, tại cuộc điện đàm với Tổng thống Trump ngay sau vụ phóng, Thủ tướng Shinzo Abe tái khẳng định lập trường ủng hộ việc cân nhắc mọi giải pháp, kể cả giải pháp quân sự. Một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản được Kyodo dẫn lời cho rằng điều này phản ánh quan ngại của Thủ tướng Abe về khả năng Mỹ muốn đối thoại trực tiếp với Triều Tiên. 

Khi chương trình hạt nhân của Triều Tiên tiến gần hơn tới đích cuối cùng thì Hàn Quốc và Nhật Bản lại càng hoài nghi về độ tin cậy trong các cam kết của Mỹ với câu hỏi là nếu Triều Tiên tấn công, liệu Washington có sẵn sàng trả đũa bằng vũ khí hạt nhân hay hy sinh một vài thành phố để cứu các đồng minh?

Theo nhận định của hãng tin Kyodo, nếu Mỹ hạ giọng trong cuộc khủng hoảng này, Nhật Bản rất có thể sẽ phải đứng một mình một chiến tuyến trong việc phản đối tiến trình đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng.