Triều Tiên đang chuẩn bị vừa thử hạt nhân, vừa phóng tên lửa liên lục địa?

ANTĐ - Ngày 10-2, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwang Jin cho biết, bãi thử nghiệm hạt nhân Pungeri của Triều Tiên đã hoàn thành chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ tư.

Tại cuộc họp của quốc hội Hàn Quốc, ông Kim Kwang Jin cho biết: “Tại bãi thử Pungeri đã hoàn thành công việc chuẩn bị để tiến hành một vụ thử hạt nhân”. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng “không có dấu hiệu cho thấy một vụ thử hạt nhân sẽ được tiến hành ngay lập tức” và “tất cả mọi thứ phụ thuộc vào quyết định của Triều Tiên”.

Đồng thời, Bộ trưởng Kim cũng cho rằng, có nhiều dấu hiệu cho thấy, Triều Tiên cũng chuẩn bị tiến hành một vụ phóng tên lửa tầm xa. Trước đây, việc tiến hành phóng tên lửa và thử hạt nhân của Bình Nhưỡng diễn ra hầu như đồng thời.

Ngày 7-2 vừa qua, trang web 38 North của Viện Mỹ-Hàn thuộc đại học Johns Hopkins cũng đưa tin, Triều Tiên cơ bản đã hoàn thành việc mở rộng bệ phóng tên lửa chiến lược, có khả năng phóng tới Mỹ tại khu vực Sohae, phía tây Triều Tiên.

Triều Tiên đang chuẩn bị vừa thử hạt nhân, vừa phóng tên lửa liên lục địa?

Theo những hình ảnh gần đây thu được từ vệ tinh, bãi phóng thử tên lửa của Triều Tiên có một tầng mới đã được nâng cấp thêm để có thể phóng tên lửa dài tới 50m, dài hơn gần 70% so với Unha-3 - loại tên lửa đã mang thành công vệ tinh Kwangmyongsong-3 vào quỹ đạo hồi tháng 12-2012.

Cũng theo trang 38 North, quá trình nâng cấp có thể được hoàn thành trong tháng 3 hoặc tháng 4. Bệ phóng này có thể dùng để phóng tên lửa Unha-3 hoặc biến thể có kích thước dài hơn là Unha-9, loại tên lửa được giới thiệu nguyên mẫu năm 2012.

Được biết, tên lửa đẩy Unha-3 tương đương một tên lửa đạn đạo liên lục địa có tầm phóng từ 6000-7000km có phạm vi tấn công đến hoặc thậm chí vượt qua Los Angeles của Mỹ. Vì thế, rất có thể tầm bắn của tên lửa chuẩn bị phóng có thể bao trùm toàn bộ nước Mỹ.

Theo các phương tiện truyền thông, rất có khả năng Bình Nhưỡng sẽ tiến hành song song 2 kế hoạch này để gia tăng sức ép, buộc Mỹ và Hàn Quốc nối lại vòng đàm phán sáu bên (Mỹ, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản), nhằm đưa ra điều kiện, đổi việc từ bỏ chương trình hạt nhân của mình lấy các gói hỗ trợ, đặc biệt là năng lượng.