Triệu chứng thiếu vitamin K và cách khắc phục

ANTD.VN - Vitamin K là một loại vitamin tan trong dầu cần thiết, đóng một vai trò quan trọng trong quá trình đông máu, với sức khỏe xương và sức khỏe tim mạch của con người. 

Vai trò của vitamin K với quá trình đông máu được biết đến từ lâu, tuy nhiên một số chức năng quan trọng khác gần đây mới được phát hiện, trong đó có vai trò khoáng hóa xương và bảo vệ hệ tim mạch, chống oxy hóa…

Dựa trên các nghiên cứu khoa học, các chuyên gia đã chỉ ra một trong những chức năng quan trọng của vitamin K2 là giúp xây dựng xương và tham gia quá trình đông máu và đây cũng là chức năng nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhất của vitamin K2. Vitamin K1 đóng vai trò là “chất” kích hoạt một loại protein chịu trách nhiệm hình thành các cục máu đông trong dòng máu. Do đó, nếu không có vitamin K1, máu sẽ không thể đông lại được.

Lượng vitamin K mà cơ thể chúng ta nhận được hàng ngày, một phần là do vi khuẩn trong đường tiêu hóa tổng hợp, phần khác được cung cấp từ thức ăn. Do vậy, hàm lượng vitamin K trong cơ thể phụ thuộc rất nhiều vào sự hoạt động bình thường hay không của hệ tiêu hóa của mỗi người. Vitamin K2 cũng là một trong số những loại vitamin quan trọng giúp dự phòng các bệnh tim mạch. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng những người tăng cường bổ sung vitamin K2 qua chế độ ăn sẽ có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch thấp hơn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng thiếu vitamin K có thể trở nên nguy hiểm.

Triệu chứng thiếu vitamin K và cách khắc phục ảnh 1Dễ bầm tím là một trong các triệu chứng thiếu vitamin K trong cơ thể 

Nguyên nhân 

Dinh dưỡng kém là một trong số những yếu tố góp phần gây ra tình trạng thiếu vitamin K. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng góp phần gây ra tình trạng thiếu vitamin K như sử dụng kháng sinh dài ngày, các vấn đề về ruột ví dụ như mắc hội chứng viêm ruột mãn tính, đang dùng các thuốc hạ cholesterol.

Do vitamin K được sản xuất phần lớn bởi các lợi khuẩn đường ruột (Bacteroides & Firmicutes) nên bất cứ sự cản trở nào tại đường ruột cũng có thể dẫn đến giảm khả năng hấp thu hoặc sản xuất vitamin K của cơ thể, ví dụ như hội chứng rối loạn tiêu hóa, hội chứng ruột kích thích, bệnh về gan mật, lạm dụng dùng kháng sinh, hoặc do ăn các loại dầu thực vật đã hydro hóa, chất béo dạng trans, gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thu vitamin K và ảnh hưởng đến khả năng sử dụng vitamin K của cơ thể.

Đánh giá 

Đến nay chưa có loại xét nghiệm hay phương pháp nào có đáng giá trực tiếp tình trạng thiếu vitamin K; có một số biện pháp áp dụng phương pháp đánh giá gián tiếp thông qua các chỉ số MGP hoặc osteocalcin chưa được carboxyl hóa, nếu chỉ số này càng cao chứng tỏ càng thiếu hụt vitamin K.

Ngoài ra, việc đánh giá các yếu tố nguy cơ, các bệnh tật liên quan cũng được áp dụng: ví dụ những người bị bệnh còi xương, mềm xương, loãng, xơ vữa động mạch, tắc mạch, bệnh tim, tiểu đường thì được xếp vào nhóm bị thiếu vitamin K2. Vitamin K ít được dự trữ trong cơ thể, vì vậy cần được cung cấp và bổ sung đều đặn hàng ngày, đặc biệt các thực phẩm giàu vitamin K.

Triệu chứng

Khi thiếu vitamin K, cơ thể sẽ lâm vào tình trạng khẩn cấp và chỉ có thể tiếp tục duy trì các chức năng quan trọng cần cho sự sống. Hậu quả là các chức năng khác, ít quan trọng hơn của cơ thể sẽ bị chậm lại, khiến cơ thể dễ xuất hiện tình trạng yếu xương, phát triển ung thư và các vấn đề về tim mạch hơn.

Các triệu chứng thiếu vitamin K có thể bao gồm như dễ bầm tím, xuất huyết đường tiêu hóa, chảy máu mũi, ra máu nặng trong chu kỳ kinh nguyệt, có máu trong nước tiểu… Người mắc một số bệnh sau sẽ dễ có nguy cơ thiếu vitamin K hơn những đối tượng khác: mắc bệnh celiac, viêm ruột mạn tính, xơ nang và ứ mật, bệnh còi xương, loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh, bệnh về gan mật.

Tác dụng phụ 

Nếu bạn đang mang thai hoặc đang cho con bú, bạn nên tránh bổ sung vitamin K qua thực phẩm chức năng có liều cao hơn nhu cầu khuyến nghị hàng ngày. Nếu bạn đã từng bị đột quỵ, ngừng tim hoặc dễ bị đông máu, thì bạn không nên uống bổ sung vitamin K mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Nếu bạn đang sử dụng kháng sinh trên 10 ngày, bạn cần phải tăng hàm lượng vitamin K nạp vào qua chế độ ăn vì kháng sinh có thể tiêu diệt các loại vi khuẩn đường ruột và từ đó, gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thu vitamin K của cơ thể.

Ngoài ra, nếu đang sử dụng các loại thuốc làm giảm lượng chất béo hoặc cholesterol trong cơ thể thì cũng có thể sẽ làm giảm hàm lượng các vitamin tan trong dầu mà cơ thể hấp thu, trong đó có vitamin K. Nếu đang sử dụng các loại thực phẩm bổ sung có chứa vitamin E, cũng nên thận trọng bởi vitamin E có thể gây cản trở đến hiệu quả của vitamin K trong cơ thể.

Vitamin K và các vi chất dinh dưỡng khác

Vitamin K hoạt động phối hợp với các chất dinh dưỡng khác, giúp duy trì sức khỏe xương như canxi, vitamin D và magie. Tất cả những vitamin và khoáng chất này sẽ đảm bảo cho bạn có một bộ xương chắc khỏe. Nếu bạn tiêu thụ quá nhiều vitamin K, thì vitamin A và vitamin E sẽ phải cạnh tranh hấp thu với vitamin K. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng nếu bạn bổ sung vitamin K liều cao, chứ sẽ không xảy ra nếu bạn bổ sung vitamin K thông qua thực phẩm hoặc vitamin K tự nhiên sinh ra tại ruột. 

Triệu chứng thiếu vitamin K và cách khắc phục ảnh 2

“Nhu cầu khuyến nghị vitamin K sẽ phụ thuộc vào tuổi, giới và một số yếu tố khác như tình trạng mang thai, cho con bú, hoặc mắc bệnh”.

Viện Dinh dưỡng Quốc gia