Triệu chứng của bệnh thận tiểu đường

ANTĐ - Bệnh đái tháo đường ở giai đoạn đầu hầu như không hề có triệu chứng. Dấu hiệu duy nhất của tổn thương về thận là một lượng nhỏ protein bị rò rỉ vào nước tiểu (microalbuminuria).

Ở người bình thường, trường hợp có protein trong nước tiểu chỉ xuất hiện khi bị sốt cao, tập luyện căng thẳng, mang thai, hoặc nhiễm trùng. Trong khi đó, ở những người bị bệnh đái tháo đường type 1, bệnh thận tiểu đường thường phát triển sau 5-10 năm bị tiểu đường.

Khi mắc thận tiểu đường, thận không thể đảm nhiệm tốt chức năng của mình. Nó không thể loại bỏ chất độc hay thuốc trong cơ thể cũng như cân bằng hóa chất trong máu. Do đó, người bệnh có thể mất nhiều protein trong nước tiểu, bị huyết áp cao, Cholesterol và Triglyceride trong máu cao. Nghiêm trọng hơn, khi đã suy thận, bệnh nhân có thể gặp phải triệu chứng: Phù - đầu tiên ở tay chân sau đó là khắp cơ thể, chán ăn, sụt cân, yếu, mệt hay kiệt sức, buồn nôn, khó ngủ. Mức xấu nhất là thận hư hỏng nặng, mất hẳn chức năng nên phải lọc máu.

Suy thận chỉ là một trong những biến chứng thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường - căn bệnh ngày càng phổ biến hiện nay. Bệnh nhân tiểu đường xác định chung sống với nó suốt đời, vì thế quan trọng nhất là kiểm soát mức đường huyết bằng chế độ thuốc men, ăn uống, thể dục, thăm khám định kỳ… Cho đến nay chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh tiểu đường, chủ yếu ghi nhận là yếu tố di truyền hoặc gia đình (tức là khi gia đình có người bị tiểu đường thì những người còn lại có nguy cơ dễ bị bệnh tiểu đường hơn) và yếu tố xã hội là béo phì, ăn uống, lối sống ít hoạt động thể lực…