Triệt tiêu hết “9 không”

ANTĐ - Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay, Quốc hội đã hoàn thành một khối lượng công việc đồ sộ: thông qua 46 luật và pháp lệnh. Đến ngày 15-10-2013, đã có 37 luật và pháp lệnh đã có hiệu lực, nhưng tới nay vẫn còn tới 51% trong số đó thiếu văn bản hướng dẫn. Theo Bộ Tư pháp, cần tới 200 văn bản hướng dẫn chi tiết thì 37 luật và pháp lệnh mới có hiệu lực. Trong khi đó, Chính phủ, Thủ tướng và các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã ban hành 98 văn bản quy định hướng dẫn chi tiết, chiếm 49%. Số văn bản còn “nợ” là 102, chiếm 51%.

Đánh giá về công tác xây dựng luật nhằm giảm tình trạng luật có hiệu lực nhưng chưa thể đi vào cuộc sống do vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, hàng năm Chính phủ đều tổ chức hai phiên họp chuyên đề tập trung thảo luận về trách nhiệm, các biện pháp đẩy mạnh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật nhằm khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản.

Theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, lần đầu tiên Quốc hội tiến hành kiểm tra việc Chính phủ đưa luật vào cuộc sống như thế nào. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định, tình trạng nợ đọng ban hành văn bản dưới luật quá lớn làm cho nhiều quy định của luật, pháp lệnh, nghị quyết chưa được thực thi, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động, quản lý nhà nước, làm mất ý nghĩa thực tiễn của các văn bản pháp luật. Ủy ban Pháp luật đã đề nghị Chính phủ làm rõ, trong thời gian chưa ban hành văn bản quy định chi tiết thì Chính phủ và các cơ quan đã áp dụng các giải pháp tạm thời nào trong điều hành, quản lý? Đã có giải pháp thiết thực nào để khắc phục “khoảng trống” pháp luật do chậm ban hành các văn bản đó và hậu quả tác động của các giải pháp tạm thời? Khi chất vấn Thủ tướng về “món nợ” này, một đại biểu Quốc hội thẳng thắn đề nghị Thủ tướng cần nghiêm khắc xử lý trách nhiệm cụ thể bộ, ngành, cá nhân chậm trễ đưa luật vào cuộc sống. Trong buổi thảo luận sôi nổi trên nghị trường, có đại biểu đã chỉ ra tình trạng “9 không” trong ban hành văn bản pháp luật, chính sách: không đầy đủ, không rõ ràng, không cụ thể, không tương thích, không minh bạch, không tiên lượng trước, không phù hợp, không hiệu quả và không hiệu lực. Vì vậy, theo ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, phải thay đổi tư duy và cách thức xây dựng pháp luật để khắc phục tình trạng luật chậm đi vào cuộc sống cũng như nợ đọng văn bản hướng dẫn.

Không ít đại biểu, Phó Chủ nhiệm một số ủy ban của Quốc hội đặt vấn đề về sự phối hợp thiếu đồng bộ, ăn ý giữa các bộ, ngành, thậm chí đại biểu còn chỉ ra hiện tượng cá biệt văn bản luật có biểu hiện của lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của bộ, ngành, mở đường cho sự lạm quyền. Luật chậm đi vào cuộc sống là hiện trạng cần khắc phục và đã rõ trách nhiệm. Yêu cầu khắc phục, chấn chỉnh ở đây là cấp thiết để triệt tiêu hết “9 không” như cách diễn đạt của một đại biểu Quốc hội và nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.