Triển vọng nào cho thỏa thuận hòa bình giữa Nga - Ukraine?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cho dù Tổng thống Donald Trump bày tỏ hy vọng Nga và Ukraine có thể đạt được thỏa thuận hòa bình trong tuần này để bắt đầu "làm ăn lớn" với Mỹ, song con đường đi tới hòa bình tại Ukraine còn rất khó khăn với những thách thức to lớn cần vượt qua.

Tìm kiếm những điểm đồng nhất

Như được khích lệ bởi lệnh ngừng tạm thời vào dịp lễ Phục sinh giữa Nga và Ukraine-một lệnh ngừng bắn bắn hiếm hoi giữa hai bên trong hơn 3 năm xung đột quân sự quy mô lớn, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20-4 bày tỏ hy vọng, Nga và Ukraine có thể đạt được thỏa thuận hòa bình trong tuần này. Nhấn mạnh đến lợi ích kinh tế tiềm năng với Mỹ nếu Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận hòa bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump bình luận trên mạng xã hội Truth Social: “Tôi hy vọng Nga và Ukraine sẽ đạt được thỏa thuận trong tuần này. Khi đó, cả hai bên sẽ bắt đầu làm ăn lớn với Mỹ - một quốc gia thịnh vượng, và sẽ kiếm được rất nhiều tiền”.

Binh sĩ Ukraine được phía Nga trao trả trong cuộc trao đổi hơn 500 tù binh giữa hai bên - một thỏa thuận tích cực trong cuộc xung đột

Binh sĩ Ukraine được phía Nga trao trả trong cuộc trao đổi hơn 500 tù binh giữa hai bên - một thỏa thuận tích cực trong cuộc xung đột

Tuy nhiên, cả Nga và Ukraine đều chưa bình luận về phát biểu lạc quan về triển vọng đạt được thỏa thuận hòa bình của ông Donald Trump. Sự lạc quan về một thỏa thuận hòa bình sắp đạt được nhằm chấm dứt hơn 3 năm xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine một lần nữa được Tổng thống Donald Trump bày tỏ cho thấy vị chủ nhân Nhà Trắng đang rất nóng lòng thực hiện một trong những cam kết đáng chú ý nhất của ông trong quá trình tranh cử. Suốt quá trình chạy đua tranh cử trước đây, ông Donald Trump luôn nhấn mạnh đến mục tiêu nhanh chóng chấm dứt xung đột Ukraine, đồng thời tự coi mình là "nhà đàm phán giỏi nhất" có khả năng giải quyết cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm qua và khiến hàng trăm nghìn người thương vong.

Với quan điểm và cách tiếp cận hoàn toàn khác với chính quyền tiền nhiệm, Tổng thống Donald Trump ngay sau khi nắm quyền ngày 20-1-2025 đã xúc tiến một trong những chương trình nghị sự ưu tiên hàng đầu là sớm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine. Quan điểm và cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Donald Trump dù có thể gây sốc cho Ukraine cũng như các quốc gia châu Âu ủng hộ Ukraine khi đàm phán trực tiếp với Nga mà “bỏ qua” Kiev cùng châu Âu, song rõ ràng đã mở ra cơ hội để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột vốn không nhìn thấy bất cứ “ánh sáng cuối đường hầm” nào trước đó.

Đàm phán riêng rẽ giữa Mỹ với Nga và Ukraine cũng như giữa hai bên tham gia trực tiếp trong cuộc xung đột quân sự là Nga và Ukraine đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu. Cho dù chưa đạt được một lệnh ngừng bắn hoàn toàn như thỏa thuận trước đó giữa các nhà đàm phán Mỹ và Ukraine, song lần đầu tiên kể từ khi tiếng súng xung đột vang lên, Nga và Ukraine với sự trung gian bảo trợ của Mỹ đã đạt được một lệnh ngừng bắn cho dù đó mới chỉ là ngừng bắn 30 ngày vào hạ tầng năng lượng của nhau. Hai bên tiếp tục đồng ý ngừng bắn toàn diện trong 30 giờ nhân dịp lễ Phục sinh năm nay (ngày 20-4). Cũng trong một động thái thể hiện thiện chí hướng tới hòa bình, Nga và Ukraine cũng tiến hành một cuộc trao đổi tù binh lớn vào ngày 19-3 và mới đây là cuộc trao đổi hơn 500 tù bình của cả hai bên vào ngày 19-4 vừa qua.

Hiện hai bên Nga và Ukraine cũng đang đàm phán về sáng kiến liên quan đến an toàn vận chuyển ở Biển Đen - tuyến đường xuất khẩu quan trọng đặc biệt không chỉ đối với Nga mà còn cho nông sản Ukraine. Hai bên cũng trao đổi về việc chấm dứt xung đột trên diện rộng hơn tại Ukraine.

Điều quan trọng nhất cho tới lúc này là ba bên Mỹ, Nga và Ukraine cùng thống nhất, đi tiếp trên con đường đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột quân sự quy mô lớn kéo dài suốt hơn 3 năm qua tại Ukraine. Do lập trường còn khác biệt quá lớn giữa Nga và Ukraine, Mỹ tiếp tục sắm vai bên đàm phán trung gian nhằm có thể tìm kiếm những điểm đồng trong những vấn đề khó khăn nhất.

Cần sự nhượng bộ của các bên

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực tế là các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan cuộc xung đột quân sự tại Ukraine, dù là giữa hai bên Nga và Ukraine hay giữa Mỹ với từng bên, đều đang gặp phải rất nhiều khó khăn, trở ngại. Tiến độ đàm phán thời gian qua không đáp ứng trông đợi của Tổng thống Donald Trump về một thỏa thuận hòa bình nhanh chóng, thậm chí đích thân ông vào ngày 18-4 vừa qua còn lên tiếng cảnh báo có thể từ bỏ hoàn toàn vai trò trung gian nếu tiến trình đàm phán nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine không đạt được bước tiến rõ rệt trong những ngày tới.

Ngay trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio trong phát biểu sau cuộc gặp các lãnh đạo châu Âu và Ukraine tại Paris (Pháp) cũng tuyên bố, Washington có thể chấm dứt vai trò trung gian nếu Nga và Ukraine không thể hiện dấu hiệu rõ ràng về thỏa thuận hòa bình. Quan chức cấp cao nhất trong chính quyền Tổng thống Donald Trump được giao giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine này cho biết, Mỹ “cần biết chấm dứt xung đột tại Ukraine có phải là điều khả thi hay không” và sẽ trao đổi với các bên để làm rõ điều này.

Ngoại trưởng Marco Rubio cũng nhấn mạnh thêm rằng, Tổng thống Donald Trump vẫn mong muốn Ukraine và Nga đạt được thỏa thuận hòa bình, nhưng Washington vẫn còn nhiều ưu tiên khác khắp thế giới và sẵn sàng gác lại vấn đề này nếu không nhận thấy những dấu hiệu rõ ràng rằng đàm phán có thể tiến xa hơn hướng tới thỏa thuận hòa bình. “Nếu cả hai phía nghiêm túc muốn có hòa bình, chúng tôi sẽ giúp họ. Còn không thì chúng tôi sẽ bước tiếp. Nếu hòa bình không khả thi, Tổng thống Donald Trump có thể tuyên bố: Phần việc của chúng ta đã kết thúc” - Ngoại trưởng Mỹ tỏ ra cứng rắn thúc giục các bên.

Sự đồng điệu giữa Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Rubio cho thấy, đây không phải là phản ứng nhất thời mà là chiến lược có chủ đích của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai này. Theo phân tích của các chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), chiến lược này có thể được hiểu theo hai cách: Hoặc là một đòn bẩy đàm phán nhằm tạo áp lực buộc các bên nhượng bộ; Hoặc là dấu hiệu của việc Mỹ thực sự đang chuẩn bị điều chỉnh mức độ can dự của mình.

Giới chuyên gia quốc tế sau khi dựa trên cơ sở phân tích các diễn biến hiện tại trong đàm phán cũng như trên chiến trường và lập trường của các bên liên quan đã đưa ra dự báo các kịch bản cho tiến trình đi tới hòa bình Ukraine trong ngắn hạn và trung hạn. Theo đó, kịch bản lạc quan nhất là các bên đạt được đột phá về ngoại giao. Trong trường hợp này, Mỹ thành công trong việc thuyết phục cả Ukraine và Nga chấp nhận một thỏa thuận khung với các nhượng bộ từ cả hai phía. Khả năng xảy ra kịch bản lạc quan này, theo giới quan sát, là khoảng 25%.

Kịch bản thứ hai dù kém lạc quan hơn song tương đối tích cực là các bên đạt được thỏa thuận tạm thời để dừng xung đột quân sự. Theo đó, các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn kéo dài nhưng chưa giải quyết được các vấn đề cốt lõi về lãnh thổ và an ninh.

Kịch bản xấu hơn là đàm phán giữa Nga và Ukraine đi vào bế tắc và Mỹ giảm can dự vào cuộc xung đột quân sự này. Theo kịch bản này, chính quyền Tổng thống Donald Trump giảm mức độ can dự trực tiếp, nhường không gian cho châu Âu đảm nhận vai trò chủ đạo trong tiến trình tìm kiếm giải pháp hòa bình.

Hiện chưa ai có thể dám chắc cuộc xung đột tại Ukraine và đàm phán để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này sẽ diễn ra theo kịch bản nào. Song có điều được đa số nhìn nhận là con đường đi tới hòa bình tại Ukraine còn rất khó khăn với những thách thức to lớn cần vượt qua với sự nhượng bộ từ các bên liên quan.