Triển vọng kinh tế Việt Nam 2021: Sự hội tụ của những âm hưởng tích cực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đầu năm là thời điểm các cơ quan và tổ chức quốc tế thường hay đưa ra các dự báo về triển vọng kinh tế của các nước, trong đó có Việt Nam. Dù mức độ đánh giá có khác nhau nhưng điểm nổi lên là sự hội tụ âm hưởng tích cực trong các dự báo.
Dòng vốn FDI chảy mạnh tạo cơ hội cho Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao

Dòng vốn FDI chảy mạnh tạo cơ hội cho Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao

Triển vọng tích cực trong trung và dài hạn

Là tổ chức tài chính uy tín hàng đầu thế giới, Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng nhờ công tác quản lý, kiểm soát tốt dịch bệnh, kinh tế Việt Nam có được cơ hội phục hồi cao hơn so với nhiều nước khác. Đánh giá Việt Nam đã đạt được thành tích gần như độc nhất vô nhị trong khủng hoảng Covid-19, ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Theo vị chuyên gia này, dù kinh tế thế giới còn diễn biến khó lường, nhưng kinh tế Việt Nam sẽ “tăng tốc mạnh mẽ”.

Cùng chung nhận định như WB, tổ chức tài chính hàng đầu khu vực là Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho rằng triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn rất tích cực. Theo ADB, GDP Việt Nam dự kiến sẽ tăng ở mức 6,1% trong năm 2021, trong khi lạm phát được kiểm soát ở mức 3,5%. Mức tăng trưởng này có thấp hơn một chút so với dự báo trước đây của ADB là 6,3% nhưng vẫn là mức cao trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa biết khi nào có thể kiểm soát được.

So với các tổ chức tài chính, dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam 2021 từ phía các ngân hàng xem ra còn tích cực hơn. Báo cáo “Kinh tế của các nước châu Á: Tất cả là khả năng chịu đựng của mỗi quốc gia” mà Ngân hàng HSBC công bố mới đây dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ kỳ vọng ở mức 8,1% trong năm 2021. Ngân hàng UOB thì cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ tăng mạnh lên mức 7,1% trong năm 2021. Còn theo nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI, tăng trưởng GDP năm 2021 của kinh tế Việt Nam sẽ ở mức 6,5% so với năm trước. Tăng trưởng sẽ bắt đầu tăng tốc từ quý II-2021 và đà tăng trưởng đó sẽ được duy trì đến năm 2022 (tăng đến khoảng hơn 7%).

Lạc quan nhất là đánh giá của Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings. Dự báo Việt Nam sẽ đứng thứ hai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương về tốc độ phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng do tác động của Covid-19, S&P Global Ratings cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể lên tới 11,2% trong năm 2021.

Một trong những yếu tố quan trọng mà các cơ quan và tổ chức quốc tế dựa vào khi đưa ra đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang chảy mạnh vào Việt Nam. Số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho thấy, tính hết tháng 11-2020, FDI vào Việt Nam bao gồm đăng ký cấp mới, điều chỉnh tăng và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 26,43 tỉ USD. Báo cáo của WB ngày 21-12-2020 nhận định, dòng vốn FDI mới và xu hướng chuyển dịch đầu tư vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam do đã kiểm soát tốt dịch Covid-19. Tờ The New York Times thì nhận xét sản xuất công nghệ, thiết bị điện tử tại Việt Nam đã vượt mặt ngành hàng sản xuất quần áo và dệt may để trở thành ngành xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam vào năm 2015 đến nay và chiếm phần lớn thặng dư thương mại kỷ lục trong năm nay.

Đáng chú ý là trong đại dịch Covid-19, thông tin các nhà đầu tư nước ngoài mở rộng, đầu tư mới vào Việt Nam vẫn liên tục được cập nhật. Đặc biệt các “đại bàng” đã tìm đến Việt Nam làm “tổ”, mở rộng “tổ”. Các nhà sản xuất gia công lớn cho hãng điện tử Apple như Foxconn, Luxshare, Pegatron... đều có động thái mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Rồi không chỉ có “đại bàng”, nhiều nhà đầu tư vừa và nhỏ đến từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... cũng đang tích cực tìm cơ hội ở Việt Nam.

Nhiều cơ hội để bứt phá trong năm 2021

Tuy nhiên, dự báo vẫn chỉ là dự báo. Điều quan trọng là Việt Nam phải thực hiện những giải pháp gì để đạt được mục tiêu đề ra? Trong năm 2021, Chính phủ vẫn quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế. Phương châm hành động của Chính phủ trong năm tới, bên cạnh các yếu tố nền tảng là khát vọng, kỷ cương, đoàn kết và quyết liệt hành động, còn có thêm “đổi mới sáng tạo”. Đây chính là chìa khóa để tận dụng các cơ hội trong tương lai.

Nhìn xa hơn, kế hoạch 5 năm tới (2021-2025) sẽ có hai giai đoạn, giai đoạn phục hồi 2021-2022 và giai đoạn tăng tốc 2023-2025. Do vậy, nhiệm vụ của năm 2021 rất nặng nề. Dự thảo Nghị quyết số 01 của Chính phủ dự kiến nêu 11 nhóm giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2021. Cùng với đó là các phụ lục nêu rõ các chỉ tiêu chủ yếu, 87 chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực và kịch bản tăng trưởng GDP năm 2021. Đặc biệt, phụ lục số 4 trong Dự thảo nêu rõ 206 nhiệm vụ cụ thể, với cơ quan chủ trì theo dõi, đánh giá và mốc thời gian hoàn thành.

Thách thức rất nặng nề. Tuy nhiên, Việt Nam có không ít cơ hội và tiềm năng để đạt được các mục tiêu đề ra, nhất là duy trì tăng trưởng cao liên tục. Chưa khi nào trong vòng 1 năm, Việt Nam đã tham gia 3 hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có, gồm FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP và FTA Việt Nam - Anh (UKVFTA), nâng tổng số FTA mà Việt Nam đã ký và đưa vào thực thi lên con số 15.

Việt Nam cũng có không ít cơ hội thu hút FDI từ việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế, chuyển đổi số, thương mại điện tử, sự hình thành các ngành nghề, mô hình kinh doanh mới sáng tạo, từ nguồn nhân lực dồi dào, năng động. Việt Nam còn có nhiều khả năng được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn nhằm tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.

Bên cạnh đó, với quy mô dân số 100 triệu người, thu nhập đang tăng dần, doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn được coi là nền kinh tế hướng ra xuất khẩu, rất dễ tổn thương trong xu hướng thắt chặt thương mại đang diễn ra ở nhiều nơi và chiến tranh thương mại, tận dụng được thị trường nội địa sẽ giúp Việt Nam giảm bớt các tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Và điều quan trọng nhất là Việt Nam có một nền tảng chính trị bền vững. Chính nền tảng đó đã giúp Việt Nam chống dịch rất thành công và trở thành một trong những điểm sáng của kinh tế thế giới. Trên nền tảng chính trị vững chắc đó, nếu tận dụng triệt để các cơ hội mở ra, Việt Nam sẽ có nhiều khả năng bứt phá trong năm 2021, đạt được mức tăng trưởng cao vào năm 2021 cũng như giai đoạn 2021 – 2025.