Triển vọng khi giá dầu ấm lên

ANTD.VN - Có lẽ chưa bao giờ giá dầu thô thế giới lại trở nên khó đoán định như năm 2016, khi chập chờn tăng, lúc ngập ngừng giảm. Bởi cũng có lẽ chưa bao giờ, giá dầu lại chịu cộng hưởng tác động trái chiều nhau của nhiều nhân tố chính trị, kinh tế và kỹ thuật như vậy… 

Về triển vọng, nhiều ý kiến cho rằng giá dầu thô năm 2016 có thể nằm ở ngưỡng 50-60 USD/thùng trong nửa cuối năm 2016. Sau đó, giá dầu có thể tăng lên mức 60-70 USD/thùng vào năm 2017. Giá dầu thô Brent sẽ giao dịch ở mức trung bình 70 USD/thùng và giá dầu WTI của Mỹ bình quân sẽ là 65 USD/thùng trong hai năm 2016 và 2017. 

Diễn biến giá dầu thô thế giới gần đây không chỉ phản ánh và chịu ảnh hưởng của quy luật cung-cầu thông thường, mà đã và đang tiếp tục trở thành chiến trường cho các cuộc chiến công khai hoặc ngấm ngầm, nhưng đều hết sức mạnh mẽ, gây sức ép lên các đối thủ chính trị, vốn phụ thuộc nặng vào sản xuất và xuất khẩu năng lượng.

Đây cũng là cuộc cạnh tranh thị trường và “nắn gân” sức chịu đựng về kinh tế giữa các nước sản xuất và xuất khẩu dầu được sản xuất theo công nghệ kiểu truyền thống, với các công ty - đối thủ mới sử dụng công nghệ khai thác dầu khí đá phiến.

Ngoài ra, giá thị trường dầu còn chịu sự cạnh tranh thị phần của một số nguồn cung giá rẻ khác, như sự quay trở lại chính thức đầy háo hức của nguồn cung lớn là Iran và cả do buôn lậu dầu mỏ từ IS...

Cuộc chiến giá dầu thế giới thử thách sức chịu đựng của các đối thủ. Trên thực tế, giá dầu giảm khiến các nước sản xuất dầu mỏ và xuất khẩu dầu thô đều phải chịu thiệt hại lớn vì nguồn thu và lợi nhuận đều giảm mạnh, trong đó có Việt Nam. Đáng chú ý, 12 nước thành viên OPEC sau cùng bị thiệt hại khoảng 257 tỷ USD thu ngân sách trong năm 2015 vì giá dầu giảm. Trong quý I-2016, khối OPEC lại lao đao vì giá dầu từng tụt hẫng dưới mức 30 USD/thùng.

Trong khi đó, cả những công ty sở hữu công nghệ khai thác dầu đá phiến cũng là đối tượng dễ tổn thương nhất. Đến cuối năm 2015, hơn nửa trong số 1.500 giếng dầu của các công ty Mỹ dùng công nghệ khai thác dầu khí đá phiến đã đóng cửa và làn sóng phá sản các công ty dầu lửa trong năm 2016 dưới sức ép nợ nần vẫn tiếp tục gia tăng.

Số lượng giàn khoan ở Mỹ xuống mức thấp nhất trong 6 năm gần đây. Làn sóng mua bán và sáp nhập (M&A) mới trong ngành dầu khí thế giới cũng đang đậm dần lên, với lợi thế rơi vào một số đối thủ ngày càng nặng ký, nổi bật là các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc…

 Cuộc chiến giá dầu sắp kết thúc, cơ hội và lợi ích cho các nước nhập khẩu dầu sẽ giảm dần. Tuy nhiên, hiện tượng Brexit Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và khủng bố rồi đảo chính hụt ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua  đã làm đảo lộn các dự báo tỉnh táo nhất. Giá dầu biến động do hình thành cả  hai xu hướng tác động giảm và tác động tăng ngược chiều nhau, mà không dễ khẳng định dứt khoát bên nào mạnh hơn bên nào. 

Tuy vậy, có nhiều cơ sở để tin rằng trong thời gian tới lợi ích kinh tế sẽ có tiếng nói riêng và quyết định hồi kết của cuộc chiến giá dầu thế giới, như kinh nghiệm và thực tiễn thế giới lâu nay đã chứng tỏ. Ngành công nghiệp dầu khí đá phiến ở Mỹ đã và đang thay đổi thị trường dầu mỏ, cũng như dầu khí đá phiến chắc chắn sẽ tiếp tục tồn tại. Song song với nó, những nước nhập khẩu nhiều dầu thô vẫn đang tiếp tục thu lợi. 

Trước những biến động thị trường dầu mỏ và địa chính trị thế giới như vậy, một thực tế rõ ràng là, sự suy giảm giá dầu kéo dài đã gây thiệt hại nặng cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu thô của Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Việt Nam chỉ đạt 1,4 tỷ USD, giảm 44,5%, còn về sản lượng dầu thô xuất khẩu giảm 21,8%.

Vừa là nước xuất khẩu dầu thô, lại vừa là nước nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, lần đầu tiên Việt Nam đã chủ động thu hẹp quy mô hoạt động khai thác dầu thô khi giá dầu thế giới giảm. Đây là sự lựa chọn đúng để không lãng phí nguồn tài nguyên không tái tạo này. Trước triển vọng giá dầu ấm lên, nguồn thu từ dầu mỏ tăng lên cũng có những tác động tích cực cho kinh tế Việt Nam.