Triển lãm những báu vật mang về từ đại dương

ANTD.VN -Sáng nay 18-1, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đã khai mạc trưng bày “Bí mật đại dương từ những con tàu cổ”. Trưng bày giới thiệu hơn 500 hiện vật có niên đại từ thế kỷ 15-18 được tuyển chọn trong bộ sưu tập di sản gốm sứ từ các con tàu đắm mà Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang lưu giữ và bảo quản.

Tập trung vào 4 nội dung chính: Biển Việt Nam và thương mại đường biển, Đồ gốm thương mại Việt Nam, Con đường tơ lụa trên biển và cuối cùng là Những con tàu được khai quật từ đáy biển Việt Nam… Với đường bờ biển dài 3.260 km từ Bắc xuống Nam, dọc theo bờ biển phía Đông - Đông Nam và Tây Nam, đây là vùng biển rộng lớn nằm ở vị trí chiến lược trong giao thương quốc tế vào thời kỳ hoàng kim của “con đường tơ lụa” trên biển.

Bình hoa lam vẽ thiên nga (Bảo vật quốc gia); Tượng nữ quý tộc; Đĩa men trắng, vẽ lam (Gốm, thế kỷ XV), khai quật Tàu đắm cổ Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam 1997- 2000

Bằng chứng là gần 30 năm qua, hàng chục con tàu cổ đã được phát hiện dưới lòng biển Đông thuộc vùng biển Việt Nam, trong đó có 6 con tàu Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã trực tiếp tham gia và chủ trì nghiên cứu, khai quật, bổ sung nguồn tài liệu, hiện vật vô cùng quý giá.

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng LSQG Việt Nam cho biết, gần 30 năm qua, kể từ khi con tàu đầu tiên- Tàu cổ Hòn Cau (Bà Rịa- Vũng Tàu) được phát hiện và khai quật vào năm 1990, đến nay đã có hàng chục con tàu cổ được phát hiện ở Biển Đông thuộc vùng biển Việt Nam. Có những vùng biển như Phú Quốc- Kiên Giang hay Bình Châu- Quảng Ngãi tồn tại của một “nghĩa địa” tàu cổ đắm. Tuy nhiên, cho đến nay vì nhiều lý do, mới chỉ có 5 con tàu được trục vớt, khai quật.

Chính tại trưng bày này, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng một khối lượng lợn những hiện vật được trục vớt ở tàu cổ Bình Thuận, Hòn Dầm, Cù Lao Chàm ,Hòn Cau, Cà Mau.

Đặc biệt nhất, quá trình trục vớt tàu cổ Cù Lao Chàm năm 1997-2000 đã tìm được 240.000 hiện vật, cùng 11 bộ hài cốt của các thương nhân và thuyền viên. Các loại hình gốm sứ trong con tàu cũng rất đa dạng về loại hình, chủng loại men và hoa văn trang trí.

Tàu cổ Bình Thuận khai quật năm 2001-2002 thu được hơn 60.000 hiện vật, đa số là gốm sứ hoa lam. Di tích tàu cổ Hòn Dầm, có khoảng 16.000 hiện vật gốm Thái Lan, nằm sâu dưới mực nước biển 40m.

Tàu cổ Cà Mau nằm ở độ sâu 35m. Tàu có chiều dài 24m rộng gần 8m. Hiện vật gồm nhiều đồ gốm sứ men trắng vẽ lam, sản xuất tại Trung Quốc đời Ung Chính.

Tại tàu cổ Hòn Cau cũng phát hiện hơn 60.000 hiện vật, chủ yếu là gốm sứ Trung Quốc sản xuất theo đặt hàng của phương Tây nên khác lạ so với truyền thống.

Nhận định về trưng bày, Tiến sĩ Phạm Quốc Quân- Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho biết, đây là cuộc trưng bày chuyên sâu đầu tiên có khối lượng hiện vật gốm sứ đồ sộ được khai quật từ những con tàu cổ trên vùng biển Việt Nam. “Chúng ta đang bảo quản, lưu giữ những kho tàng báu vật được đưa về từ đáy đại dương; những trưng bày công phu như thế này sẽ là cơ hội vô cùng hiếm hoi để du khách vừa chiêm ngưỡng, vừa khám phá những bí ẩn vốn bị chìm sâu dưới đáy biển từ nhiều thế kỷ trước”.

Triển lãm Bí mật đại dương từ những con tàu cổ sẽ diễn ra từ nay đến hết ngày 18-5-2019.