Triển lãm mỹ thuật khu vực: Lạc hậu và thiếu hấp dẫn

ANTĐ - Giải thưởng có lịch sử 18 năm của Hội Mỹ thuật Việt Nam-Triển lãm mỹ thuật khu vực đang dần mất đi tính hấp dẫn và sự quan tâm của dư luận. Lặng lẽ làm và lặng lẽ gói ghém tác phẩm sau khi kết thúc, “cuộc chơi” này đang cho thấy sự tụt hậu một phần do khâu tổ chức. 

Triển lãm mỹ thuật khu vực: Lạc hậu và thiếu hấp dẫn ảnh 1
Bức tranh phong cảnh của tác giả Đinh Thành Nghĩa (Hưng Yên)
tại triển lãm mỹ thuật đồng bằng sông Hồng năm 2013


Không còn là nơi hội tụ

Mỗi mùa giải đến, những ai quan tâm đến giải thưởng này đều dễ dàng nhận thấy cuộc chơi của giới làm nghề đang ngày càng thu hẹp tầm ảnh hưởng và vị thế. Công chúng chỉ thực sự nhắc tới triển lãm mỹ thuật khu vực mỗi khi “có biến”, hay những kiện tụng bản quyền ầm ĩ hoặc là  những bất thường về cơ cấu giải. Vậy là, một giải thưởng với lịch sử lâu đời giờ không còn tự tin tỏa sáng về chất lượng tác phẩm, mà lại là những lùm xùm rắc rối. 

Cũng đã từ lâu, trong giới làm nghề thừa biết một hiện trạng đáng buồn của triển lãm mỹ thuật khu vực, đó là triển lãm này không còn là nơi hội tụ những tác phẩm tốt nhất- họa sỹ Lê Huy Tiếp, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật-Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết. Và ngay như họa sỹ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam thẳng thắn thừa nhận: “Triển lãm mỹ thuật khu vực năm 2013 có 4 khu vực chọn hình thức chấm tác phẩm qua ảnh. Lợi ích thì rất nhiều nhưng có khi tác phẩm được chấm để trưng bày có nội dung tư tưởng và hình thức phù hợp lại vừa bị họa sỹ bán mất nên đành chấp nhận thay thế tác phẩm của một họa sỹ khác”. 

“Trẻ” và “già”... đều cầm chừng

Đầu tiên phải kể đến là lớp họa sỹ trẻ. Nhu cầu được “ra mắt” trước công chúng là rất lớn đối với những người mới bước chân vào nghề. Tuy vậy, sau 18 năm, khâu tổ chức triển lãm vẫn không khác gì so với ngày sơ khởi, hay nói chính xác hơn là đã lạc hậu với thời cuộc.  Hết năm này đến năm khác, triển lãm mỹ thuật khu vực diễn ra trong “lặng lẽ”. Trong khi đó, tình hình mỹ thuật Việt Nam hiện nay khá ảm đạm, việc quảng bá,      marketting tác phẩm-tác giả đóng vai trò quan trọng. Họa sỹ có bán được “hàng”, có sống được với nghề một phần phụ thuộc vào khâu này. Đó cũng là lý do, một bộ phận họa sỹ trẻ ngày nay đã không còn mặn mà và tham gia vào triển lãm mỹ thuật khu vực. 

Kế đến là lớp họa sỹ “già”, những người ít nhiều đã khẳng định được tên tuổi và chỗ đứng của mình trong giới. Mỗi năm vẫn đều đặn gửi tác phẩm tham dự nhưng đó đã là tác phẩm tốt nhất của họ hay chưa thì không ai dám chắc. Tâm lý góp vui, tham gia hòa đồng cùng anh em họa sỹ trẻ xuất hiện phần lớn ở lớp họa sỹ đàn anh. Hơn nữa, với những tác phẩm có chất lượng đáng giá vài nghìn USD, trong điều kiện bảo quản tác phẩm tại các nhà triển lãm như hiện nay không đủ để họ yên tâm giao cho BTC trưng bày. Vậy nên, những họa sỹ này thường lựa chọn những tác phẩm tầm trung để gửi tham dự triển lãm mỹ thuật khu vực cho… yên tâm. 

Triển lãm mỹ thuật khu vực: Lạc hậu và thiếu hấp dẫn ảnh 2
Tranh biếm họa của họa sỹ Lý Trực Dũng tại triển lãm mỹ thuật khu vực Hà Nội năm 2013

Nặng cơ chế xin-cho

Một điều nữa cũng cần nói là Triển lãm mỹ thuật khu vực còn nặng nề cơ chế xin-cho. BTC chỉ ngồi một chỗ nhận tác phẩm dự thi rồi chấm và công bố tác phẩm. Giới truyền thông chỉ góp sức bằng một vài tin nhỏ và không có nhà phê bình nghệ thuật nào tham gia vào quá trình phản hồi ngược nên không khó hiểu khi Triển lãm mỹ thuật khu vực ít nhận được sự quan tâm của công chúng và không khuyến khích được người giỏi tham gia. Vậy nên, để thay đổi hình ảnh của một triển lãm có lịch sử lâu đời cần nhất là sự thay đổi trong tư duy tổ chức của các nhà quản lý. Thay vì ngồi một chỗ, BTC sẽ nhờ đến các curator (người tuyển chọn tác phẩm) để tập hợp nguồn tác phẩm có chất lượng. Và để thu hút sự chú ý của dư luận, BTC sẽ cần tới sự giúp sức của giới truyền thông. Đồng thời, phòng triển lãm cũng cần thay đổi để đảm bảo chất lượng bảo quản cho những tác phẩm có giá trị.