Triển lãm gốm Óc Eo Nam Bộ lần thứ nhất

ANTD.VN -Từ ngày 29-9 đến 30-10-2017, tại nhà trưng bày Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) sẽ diễn ra Triển lãm chuyên đề gốm Óc Eo Nam Bộ lần thứ nhất nhằm tôn vinh, giới thiệu, quảng bá những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Óc Eo đến công chúng trong nước và quốc tế.

Triển lãm gốm Óc Eo Nam Bộ lần thứ nhất ảnh 1Nhiều du khách trong nước và quốc tế mong muốn đến vùng Nam Bộ Việt Nam để tìm hiểu về gốm Óc Eo

Óc Eo là một nền văn hoá khảo cổ lâu đời ở Nam Bộ, khi xưa Óc Eo là vương quốc Phù Nam - một trong ba nền văn hóa bản địa lớn của Việt Nam. Nền văn hoá Óc Eo có không gian phân bố vô cùng rộng, bao gồm phần lớn vùng châu thổ sông Mê Kông.

Những phát hiện khảo cổ học cho thấy, văn hoá Óc Eo không chỉ giới hạn trong vùng thấp, trũng phía Tây sông Hậu, nền văn hoá này bao trùm rộng khắp đồng bằng Nam bộ, từ Tứ giác Long Xuyên đến U Minh thượng, Đồng Tháp Mười, đồng bằng Tây sông Hậu, vùng Giồng Cát và ven biển Tây Nam bộ, thềm phù sa cổ Đông Nam bộ đến tận Nam Tây Nguyên (vùng Cát Tiên - Lâm Đồng).

Đến với triển lãm, du khách được chiêm ngưỡng gần 1.000 hiện vật gốc. gồm tượng, phù điêu, bình gốm, ly gốm, diềm ngói, gạch trang trí, vòi ấm,… thuộc nền Văn hoá Óc Eo.

Triển lãm tập hợp các cổ vật gốc bằng chất liệu gốm Óc Eo của 17 tỉnh, thành phố trong khu vực Nam bộ gồm An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Lâm Đồng, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Bảo tang lịch sử TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh và chia thành 4 chuyên đề: gốm Óc Eo dung trong sinh hoạt; gốm công cụ sản xuất; gốm trang trí - kiến trúc, đồ trang sức; gốm dùng trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng.

Thông qua triển lãm, khán giả có cơ hội tìm hiểu về các loại hình gốm Óc Eo Nam Bộ, từ đó nâng cao nhận thức, lòng tự hào và trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc của Óc Eo.