![]() |
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội rượu bia và nước giải khát thông tin về triển lãm Drinktec 2025 |
Triển lãm hàng đầu thế giới dành cho ngành Công nghiệp Đồ uống và Thực phẩm dạng lỏng drinktec 2025 sẽ diễn ra từ 15/9-19/9/2025 tại thành phố Munich, Cộng hòa Liên bang Đức với sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp từ khoảng 60 quốc gia.
Thông tin tại buổi họp báo sự kiện Drinktec 2025 do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yontex phối hợp với Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức sáng 18-2, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho biết Drinktec được tổ chức 4 năm/ lần và là sự kiện uy tín, giới thiệu các công nghệ mới nhất, phát triển ở thời kỳ 4.0 và 5.0 trong lĩnh vực đồ uống. Vì vậy đây là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các công nghệ hàng đầu trên thế giới.
![]() |
Ông Richard Clemens chia sẻ thông tin tại hội thảo |
Sự kiện thu hút đông đảo các doanh nghiệp Việt Nam tham dự. Thông qua Drinktec, ngành đồ uống Việt Nam có thể cập nhật các công nghệ số, kỹ thuật số cũng như những chuyển đổi công nghệ xanh, công nghệ tuần hoàn, đồng thời đẩy mạnh kết nối với các đối tác, mở rộng thị trường.
“Hội thảo trong khuôn khổ triển lãm đưa tới các công nghệ mới nhất, những kỹ thuật cao nhất và phát triển hiện nay, đây là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các công nghệ hàng đầu của Đức, châu Âu và các nước khác trên thế giới, qua hội thảo này cũng là cơ hội giúp ngành đồ uống Việt Nam phát triển để đáp ứng được công nghệ số, kỹ thuật số cũng như những chuyển đổi công nghệ xanh, công nghệ tuần hoàn và đáp ứng được giai đoạn phát triển hiện nay” - ông Nguyễn Văn Việt cho hay.
Sự cạnh tranh sôi động từ phía cung ứng, cùng với thu nhập ngày càng tăng và dân số trẻ từ phía cầu, đang thúc đẩy doanh số bán hàng trong thị trường đồ uống không cồn tại Việt Nam. Năm 2024, tổng sản lượng tiêu thụ nước giải khát tại Việt Nam đạt gần 6 tỷ lít, với dự báo sẽ tăng 28% vào năm 2028.
Ông Richard Clemens, Giám đốc Điều hành của hai Hiệp hội thuộc VDMA (Hiệp hội Máy chế biến thực phẩm & Đóng gói và Hiệp hội Thiết bị & Nhà máy chế biến) dự báo lượng tiêu thụ đồ uống có cồn tại Việt Nam sẽ tăng gần 50%, từ 4,3 tỷ lít lên 6,5 tỷ lít vào năm 2028, mức tăng trưởng cao nhất trong top 10 thị trường lớn nhất châu Á.
“Xu hướng sức khỏe, công thức mới, thành phần chức năng và tầm quan trọng ngày càng tăng của protein trong đồ uống đang mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới, Drinktec 2025 sẽ cung cấp những giải pháp cho các vấn đề này, tập trung vào các chủ đề chính bao gồm: Quản lý tài nguyên và dòng tuần hoàn; giá trị từ dữ liệu, sức khỏe..,” ông Richard Clemens cho hay.
Theo số liệu của VDMA, thương mại toàn cầu về máy móc chế biến thực phẩm và đóng gói đã liên tục tăng trưởng, đạt kỷ lục 52,6 tỷ Euro vào năm 2023. Trong giai đoạn 2014 - 2023, tổng giá trị thương mại quốc tế của ngành đạt 428 tỷ Euro, tăng 46%.
Trong đó, châu Âu hiện là thị trường tiêu thụ máy móc chế biến thực phẩm và đóng gói lớn nhất thế giới, chiếm 41% thị phần. Châu Á đứng thứ hai với 19%, tiếp theo là Bắc Mỹ (18%), Trung Đông - châu Phi (10%), Mỹ Latinh (9%)... Ý, Đức và Trung Quốc là 3 quốc gia cung cấp máy móc lớn nhất thế giới.
Việt Nam là thị trường nhập khẩu đáng chú ý. Riêng năm 2023, tổng giá trị máy móc ngành đồ uống nhập khẩu vào Việt Nam đạt 517 triệu Euro, trong đó hơn một nửa đến từ Trung Quốc. Ý đứng thứ hai với 50 triệu Euro, tiếp theo là Nhật Bản (44 triệu Euro), Hàn Quốc (43 triệu Euro) và Đức (32 triệu Euro).
Đối với nhu cầu tiêu thụ đồ uống, dẫn nguồn dữ liệu từ Euromonitor International - một tổ chức nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Anh, ông Markus Kosak - Giám đốc Điều hành chuỗi Triển lãm Drinktec tại Yontex cho biết, tổng sản lượng tiêu thụ nước giải khát toàn cầu dự kiến sẽ tăng 16%, đạt 972 tỷ lít vào năm 2028. Đáng chú ý, châu Á chiếm gần 1/3 tổng lượng tiêu thụ nước giải khát toàn cầu và được dự báo sẽ có mức tăng trưởng mạnh nhất trong giai đoạn 2024-2028.