Triển lãm "36-59-74" ấn tượng của 3 cha con họa sĩ

ANTD.VN - Ngày 17-10-2017, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội khai mạc Triển lãm mỹ thuật mang một tên lạ  lẫm “36-59-74”. 

“Hoa loa ken” - màu nước trên giấy dó của họa sĩ Đào Thành Dzuy

Đây là cuộc triển lãm tranh của một gia đình giàu truyền thống hội họa. Các tác giả tham gia cuộc trưng bày lần này cùng với họa sĩ Nguyễn Văn Chung là các con của ông, gồm con rể là họa sĩ Đào Thành Dzuy và con trai họa sĩ Nguyễn Trung Hiếu.

Họa sĩ Nguyễn Văn Chung

Cha: Sinh năm 1936

Họa sĩ Nguyễn Văn Chung, sinh năm 1936 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1969. Được biết đến như là một họa sĩ có nghệ thuật vẽ lụa truyền thống điêu luyện và đầy sang trọng, họa sĩ Nguyễn Văn Chung có nhiều tác phẩm nằm trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và các nhà sưu tập trong, ngoài nước, như: Trăng trên cồn cát, Trong lán dân quân, Khâu nón, Trăng về sáng... 

Qua khối lượng các tác phẩm còn lưu giữ của ông, công chúng, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ sẽ phải ngạc nhiên vì cảm xúc mãnh liệt và khâm phục sức lao động bền bỉ của ông. Nhìn các tác phẩm trưng bày lần này, khán giả có thể nhận thấy những  họa tiết, đồ vật trưng bày được thể hiện tinh tế trên tranh của ông, đó cũng chính là tình cảm và trách nhiệm của ông dành cho công tác bảo tàng, tại nơi ông làm việc và sáng tác hơn hai mươi năm là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

“Nude 2” của  họa sĩ Nguyễn Trung Hiếu

Con rể: Sinh năm 1959

Con rể của ông, Đào Thành Dzuy là một họa sĩ thành danh từ những năm đầu tiên của giai đoạn mở cửa. Sinh năm 1959 và tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Slovakia, họa sĩ Đào Thành Dzuy đã tham gia nhiều triển lãm trong và ngoài nước liên tục từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Là một người được đào tạo bài bản về hội họa sơn dầu, Đào Thành Dzuy đã  rất thành công trong việc thể hiện các chủ đề tinh tế mang mỹ cảm phương Đông thuần túy với một bút pháp hàn lâm qua các kỹ thuật màu nước phương Tây trên giấy dó truyền thống. Là một họa sĩ có sức lao động đáng nể, Đào Thành Dzuy liên tục làm mới mình về chủ đề và phương thức biểu hiện. Trong triển lãm gia đình lần này, Đào Thành Dzuy giới thiệu một loạt tác phẩm màu nước đen trắng trên giấy dó, đây là các tác phẩm mà họa sĩ ấp ủ gần một năm nay cho riêng sự kiện đáng ghi nhớ này.

“Trăng trên cồn cát ” - tranh Lụa của họa sĩ  Nguyễn Văn Chung

Con trai: Sinh năm 1974

Họa sĩ Nguyễn Trung Hiếu, sinh năm 1974, là con trai của họa sĩ Nguyễn Văn Chung. Công tác tại Báo Tiền Phong, Nguyễn Trung Hiếu không dành nhiều thời gian sáng tác, nhưng là người phụ trách công việc của một họa sĩ trình bày  báo, Nguyễn Trung Hiếu thể hiện mình là một nghệ sĩ sáng tác có cảm xúc tốt và được thừa hưởng truyền thống thẩm mỹ từ gia đình, qua các tác phẩm mà anh trưng bày lần này. Đây là một số trong loạt tác phẩm dành riêng cho cuộc triển lãm gia đình mà anh tập trung sáng tác hơn một năm qua. 

Cũng nhân dịp triển lãm này, gia đình hoạ sĩ Nguyễn Văn Chung cũng giới thiệu cuốn sách giới thiệu nhiều hình ảnh và hơn 200 bức tranh ký hoạ trong suốt cuộc đời công tác và làm nghệ thuật của ông. Hoạ sĩ Nguyễn Trung Hiếu, tác giả cuốn sách, cho biết: “Với anh chị em tôi, bố tôi  luôn là một con người bình thường. Nhưng bố tôi sinh ra và trưởng thành trong giai đoạn lịch sử quá nhiều biến cố. Tuy trải qua nhiều biến cố, nhiều cương vị công tác, bản chất bố tôi luôn là một nghệ sĩ; những tác phẩm, những ký hoạ của ông phản ánh những trăn trở, cảm xúc chân thật của ông với những thay đổi đó”.

Gia đình giàu truyền thống hội họa

“36-59-74” là tên của cuộc triển lãm, được lấy từ năm sinh của ba bố con, ba họa sĩ, ba tác giả. Không chỉ như vậy, triển lãm này còn có sự tham gia của mọi thành viên trong gia đình họa sĩ Nguyễn Văn Chung: cháu của ông tham gia thiết kế và trình bày các ấn phẩm của triển lãm, con gái ông chuẩn bị phần hậu cần. 

Và đặc biệt, triển lãm này còn có sự đóng góp vô cùng nhiệt tình của các nhân viên, đồng nghiệp cũ của ông tại Bảo tàng Mỹ thuật. Đây là một hành động đầy cảm xúc nhằm tri ân công sinh thành và dưỡng dục của con cháu  đối với ông. Nhưng trên hết, đây là một sự kiện đáng trân trọng, ghi nhận những đóng góp của họa sĩ Nguyễn Văn Chung và các con đối với nền mỹ thuật nước nhà.

Với nghệ sỹ - những ham muốn nội sinh đều biểu lộ qua sáng tác 

Triển lãm "36-59-74" ấn tượng  của 3 cha con họa sĩ ảnh 5

Người trẻ nhất tham gia Triển lãm “36-59-74” trong gia đình là họa sĩ Nguyễn Trung Hiếu. Anh đã nói về cha mình - họa sĩ Nguyễn Văn Chung - với sự thẳng thắn, khiêm nhường mà kiêu hãnh - đúng như những nghĩ suy của những thế hệ người Hà Nội nối tiếp nhau trên vùng đất Thủ đô nghìn năm văn hiến…

- PV: Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, làm thế nào để anh có thể thoát ra khỏi “cái bóng” của bố - một tên tuổi nghệ sĩ lão làng của Hà Nội?

- Họa sĩ Nguyễn Trung Hiếu: Tôi không cảm nhận “cái bóng” của cha mình trong nghệ thuật, bởi cha tôi và tôi là hai sự khác biệt rất lớn về cách tiếp cận hội họa. Nếu có một “cái bóng” của cha tôi tồn tại trong tôi thì phải là những bài học về lẽ sống của ông mà tôi còn đang phải tiếp tục suy ngẫm. 

- Họa sĩ Nguyễn Văn Chung - cha anh - trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến, trải qua nhiều biến cố lịch sử của đất nước. Ngày ấy, người nghệ sĩ trong ông có sự chân thật, và giữa những người nghệ sĩ với nhau có sự chân thành, dường như là phản xạ, là bản ngã?

- Những biến cố của đất nước tạo ra một thế hệ đẹp mà tôi ngưỡng mộ dù tôi không được chứng kiến nhiều và khi đó cũng còn quá nhỏ để biết, để hiểu. Nhưng tôi biết, cha tôi chỉ là một người đàn ông bình thường trong thế hệ đó. Thế hệ sống và sáng tác trong gian khó. Nhưng sự gian khó lại rất ít tác động đến sáng tác của họ, sự chân thành hiện diện hầu khắp trong cuộc sống cũng như trong sáng tác.

Triển lãm "36-59-74" ấn tượng  của 3 cha con họa sĩ ảnh 6

“Đêm xanh 2” của họa sĩ Nguyễn Trung Hiếu

- Vậy phải chăng, ngày ấy khác với bây giờ? Dường như trong không gian bình yên, lặng gió của thời bình, tạo ra những mạch sáng tạo riêng của người nghệ sĩ? 

- Mỗi hoàn cảnh, mỗi không gian sống tạo ra cách tiếp cận khác nhau trong sáng tác nghệ thuật. Nếu có thể nói điều gì đó về “thời gian” mình đang sống, có lẽ cần có đủ độ lùi để nhìn lại. Nhưng tôi tin với nghệ sỹ, trong khoảng “thời gian” nào của thế hệ mình đều có những ham muốn nội sinh cần biểu lộ qua sáng tác nghệ thuật.

Phạm Minh Tài