Triển lãm 12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam

ANTD.VN -Chiều ngày 18-8, Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội tổ chức trưng bày chuyên đề “12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam”. Triển lãm nhằm giới thiệu với đông đảo nhân dân Thủ đô Hà Nội và khách quốc tế nét độc đáo của tranh dân gian Việt Nam, góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát huy truyền thống của dân tộc.

Với tâm thức trân trọng lưu giữ các di sản văn hóa xưa của người Việt Nam, bảo tàng Hà nội, cùng nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng Gốm Sứ Hà Nội tổ chức trưng bày chuyên đề “12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam” với mong muốn giới thiệu sưu tập tranh dân gian Việt Nam của mình với khách tham quan trong nước và nước ngoài đến Hà Nội đồng thời góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát huy truyền thống của dân tộc.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.

Triển lãm giới thiệu 12 dòng tranh dân gian của nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa gồm: Tranh Đông Hồ, Tranh Kim Hoàng, Tranh  Hàng Trống, Tranh Thập  vật, Tranh làng Sình, Tranh Đồ thế Nam Bộ, Tranh Kính Nam Bộ, Tranh Thờ miền núi, Tranh Gói vải, Tranh Thờ đồng bằng, Tranh Vải. Bên cạnh đó triển lãm kết hợp giới thiệu bộ sưu tập tranh dân gian của Bảo tàng Hà Nội như: tranh và ván in tranh Hàng Trống; tranh thờ người Dao; tượng phật cổ… kết hợp với hoạt động trình diễn vẽ tranh dân gian dành cho khách tham quan tại khu trưng bày.

Toàn cảnh buổi triển lãm.

Hướng dẫn viên giới thiệu cho mọi người những dòng tranh tại buổi triển lãm.

Ông Nguyễn Tiến Đà – Giám đốc Bảo tàng Hà Nội: “Điểm nhấn trong triển lãm lần này là bộ sưu tập mộc bản kinh phật, mộc bản tranh thập vật, tranh làng Sình của bảo tàng. Có thể nói, khởi nguồn của tranh dân gian chính là từ bản khắc kinh phật, hình vẽ của các vị phật trên kinh phật. Đây chính là mộc bản của tranh làng Sình và tranh thập vật được coi là một trong những hiện vật vô cùng quý giá cũng như là điểm nhấn của trưng bày lần này bởi việc sưu tập tranh thì ai cũng có thể làm được nhưng sưu tập mộc bản là điều vô cùng khó khăn”.

Triển lãm 12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam ảnh 5Bác Hoàng Thịnh - “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng ( Hoài Đức – Hà Nội ) được hình thành vào nửa sau thế kỉ 18. Tranh Kim Hoàng có đủ loại tranh thờ cúng, tranh chúc tụng. Nhưng tranh Kim Hoàng lại biết kết hợp nhiều ưu điểm của hai dòng tranh đó.Tranh Kim Hoàng có nét khắc thanh mảnh, tỉ mỉ hơn tranh Đông Hồ; màu sắc lại tươi như tranh Hàng Trống. Chính vì thế dòng tranh này mang những giá trị riêng. Cả thơ và hình vẽ tạo nên một chỉnh thể hài hoà, chặt chẽ cho tranh. Tranh Kim Hoàng không sử dụng giấy điệp như tranh Đông Hồ hay giấy dó như tranh Hàng Trống mà in trên nền giấy đỏ, giấy hồng điều, hoặc giấy vàng tàu nên còn được gọi là tranh Đỏ.”

Không được may mắn như Đông Hồ và Hàng Trống, dòng tranh Kim Hoàng hiện nay không còn một nghệ nhân nào theo nghề, những bức tranh và bản khắc còn lại là báu vật của các bảo tàng, sưu tập tư nhân trong nước và nước ngoài. Điều này cho thấy việc nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi dòng tranh dân gian Kim Hoàng đặc sắc này là vô cùng khó khăn nhưng rất cần thiết để giữ gìn các giá trị văn hóa của Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Một số hoạt động giới thiệu và bàn luận về các dòng tranh trong buổi triển lãm.

Triển lãm sẽ giúp công chúng yêu nghệ thuật dân tộc chiêm ngưỡng những dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam, trong đó có những dòng tranh ít được biết tới hoặc đã thất truyền như: Tranh thập vật, Tranh làng Sình, Tranh kính Nam Bộ…Triển lãm cũng là một hoạt động nhằm đánh thức và lan tỏa tình yêu với nghệ thuật truyền thống nói chung, tranh dân gian Việt Nam nói riêng. Triển lãm trưng bày 200 hiện vật, trong đó có 50 hiện vật của Bảo tàng Hà Nội..