Triển khai nhiều biện pháp chống ùn tắc giao thông cuối năm

ANTĐ - Mặc dù các điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội đã giảm từ 124 điểm (năm 2011) xuống còn 46 điểm (năm 2014), tuy nhiên hiện nhiều tuyến phố  đang triển khai xây dựng công trình, cùng với  đó, thời điểm cuối năm, lưu lượng phương tiện đi lại gia tăng khiến nguy cơ ùn tắc  là rất lớn.

Triển khai nhiều biện pháp chống ùn tắc giao thông cuối năm ảnh 1Tình hình giao thông sẽ phức tạp hơn về cuối năm

Xuất hiện nhiều điểm có nguy cơ ùn tắc

Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có 46 điểm có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông, 31 điểm đen về TNGT. Điều đáng nói là trong năm 2014, CATP và Sở GTVT đã phối hợp giảm được 15 điểm có nguy cơ ùn tắc. Tuy nhiên, hiện TP có nhiều dự án cải tạo, xây dựng hạ tầng giao thông đô thị được triển khai nên đã xuất hiện thêm 12 điểm có nguy cơ ùn tắc cao. Trong khi đó, số lượng phương tiện giao thông tăng theo cấp số nhân với gần 6 triệu phương tiện gồm 500.000 ô tô, gần 5 triệu xe máy.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc thi công các dự án hạ tầng giao thông, đô thị để phát triển kinh tế, xã hội, giao thông Thủ đô là việc làm cấp thiết. Trong điều kiện hạ tầng thiếu, yếu, phương tiện giao thông tăng cao nhưng công tác đảm bảo ATGT trên địa bàn TP đã được duy trì tốt là nỗ lực rất lớn của CATP, Sở GTVT. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, tình hình trật tự ATGT đã có chiều hướng xấu đi, nếu không có giải pháp kịp thời thì ùn tắc kéo dài sẽ xảy ra thường xuyên.

Từ nay đến cuối năm, để đảm bảo tốt ATGT ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, sẽ lắp đặt bổ sung đèn tín hiệu ở một số nút giao như Tây Sơn - Thái Thịnh; Xã Đàn - Nam Đồng, ngã tư cầu Tó - đường 70, ngã  tư Đại La - Trần Đại Nghĩa…; tổ chức giao thông 1 chiều trên 2 đường gom Đại lộ Thăng Long; phối hợp lực lượng liên ngành tổ chức lại giao thông trên một số tuyến như Pháp Vân - Cầu Giẽ, các tuyến nội đôi, đường vành đai, tại các nút giao đang xảy ra ùn ứ…

Lắp mái che, mái vẩy sẽ phải xin phép?

Thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị 2014”, Sở GTVT đang xây dựng dự thảo quy định quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống đường đô thị cùng quy định về quản lý mái che, mái vẩy trong phạm vi hè đường. Tuy nhiên, ông Đào Quang Tâm, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm cho rằng, nên giữ nguyên theo quy định cũ, xe máy để sát mép hè, đầu xe quay vào trong, vì “hầu hết các tuyến phố trên địa bàn quận Hoàn Kiếm vỉa hè đều lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, cột điện, cây xanh, nếu để xe máy sát phía nhà dân thì không còn lối cho người đi bộ.  Để xe như vậy vừa đảm bảo mỹ quan đô thị vừa có không gian cho người đi bộ”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Kim Vinh, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho rằng, nếu sửa đổi quy định, sắp xếp xe máy để sát phía tường nhà dân chỉ đạt mục tiêu hạn chế lấn chiếm vỉa hè nhưng lại không thuận về mặt giao thông, không đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, nếu yêu cầu người dân muốn lắp mái che phải xin phép thì hơi nhiều thủ tục. “Ngay việc xây nhà mà có hộ dân còn làm “chui”, không xin phép, giờ quy định chỉ làm mái che, mái vẩy cũng phải xin phép e rằng rất khó. Tôi tin chắc không mấy ai đi xin”, ông Nguyễn Kim Vinh nêu ý kiến. Lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm cho rằng, mỗi quận, huyện nên xây dựng tiêu chí cụ thể về tuyến đường văn minh đô thị trên địa bàn, ví dụ như tuyến phố này có được lắp mái che không, được lắp thì độ cao bao nhiêu, đua ra mặt phố bao nhiêu?.