Triển khai khẩn cấp các biện pháp ứng phó với bão

ANTĐ - “Thời gian ứng phó không còn nhiều, chỉ còn đến chiều 26-9. Công tác dự báo phải khẩn trương và chính xác vì sự tương tác sẽ khiến đường đi của bão trở nên phức tạp. Nhiệm vụ số một lúc này là phải lo cho tàu thuyền trên biển, ngoài 36 tàu ở Hoàng Sa, 92 tàu ở Trường Sa và hơn 26.000 tàu thuyền ven bờ” - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo.

Ngư dân neo đậu tàu thuyền tránh bão

Chiều 25-9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương. Báo cáo Phó Thủ tướng, ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, cơn bão số 4 (tên quốc tế là Haitang) đang di chuyển theo hướng tây tây bắc và tiếp tục mạnh lên. Hiện tại có 92 tàu cá đang hoạt động trên quần đảo Trường Sa, hơn 26.000 tàu thuyền gần bờ.

Đến chiều tối 25-9, vị trí tâm bão ở trên khu vực quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 440km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Dự báo, sáng nay, 26-9, vị trí tâm bão sẽ ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Bình - Quảng Nam khoảng 250km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11.

Dự báo đến 27-9, bão số 4 sẽ di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km, vị trí tâm bão sẽ cách bờ biển các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế khoảng 170km về phía đông. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa, khu vực Nam Vịnh Bắc bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh.

Do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam nên khu vực quần đảo Trường Sa, vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9 và có mưa giông mạnh. Biển động. Trong cơn giông cần đề phòng có lốc xoáy. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam và Bắc Tây Nguyên từ trưa và chiều nay (26-9) sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông. Đáng chú ý, ngoài Biển Đông đang có một cơn bão khác (tên quốc tế là Resat) đang hoạt động. Khi bão số 4 đổ bộ thì cơn bão Resat sẽ vào Biển Đông, mưa mây bị cuốn vào cơn bão bên ngoài. Diễn biến bão này đang rất phức tạp, chưa rõ có ảnh hưởng đến Việt Nam hay không.

Cũng trong chiều 25-9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã có công điện khẩn gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk cùng các bộ, ngành liên quan, yêu cầu phải khẩn trương bằng mọi biện pháp trong ngày 25 và 26-9 liên lạc, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão biết thông tin, nhằm chủ động đối phó; yêu cầu chủ các phương tiện nhanh chóng thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; chủ động tìm nơi tránh trú an toàn.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, khu vực Hoàng Sa hiện đang rất nguy hiểm với 36 tàu và hơn 300 lao động còn trên biển nên lưu ý các tàu đang hoạt động ở khu vực này, cũng như ở ven bờ. Ông Cao Đức Phát đề nghị Bộ Ngoại giao Việt Nam liên hệ với Trung Quốc để đưa ngư dân lên đảo.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương, sự cố đập hồ Vưng, xã Đông Lai, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình cũng đang được nhanh chóng khắc phục, xử lý.