Triển khai chương trình phòng, chống tội phạm ma túy và mua bán người

ANTĐ - Sáng nay (25-1), UBQG phòng, chống AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm- Ban chỉ đạo 138/CP đã tổ chức Hội nghị triển khai chương trình phòng, chống tội phạm ma túy và mua bán người giai đoạn 2011-2015.

Triển khai chương trình phòng, chống tội phạm ma túy và mua bán người ảnh 1
Đầu cầu trực tuyến tại UBND TP.Hà Nội, tham dự hội nghị


Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ Trung tâm Hội nghị quốc tế (số 11, Lê Hồng Phong, Hà Nội) tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Trưởng ban chỉ đạo 138/CP và đồng chí Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đồng chủ trì.

Tại đầu cầu Hà Nội, có đồng chí Vũ Hồng Khanh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm mua bán người thành phố; đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm thành phố cùng các đồng chí thành viên của hai ban chỉ đạo nêu trên.

Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ

Sau khi Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu khai mạc, Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ đã công bố Quyết định 187/QĐ-TTg ngày 18-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc sáp nhập Ban chỉ đạo Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em và Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống tội phạm thành Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (gọi tắt là Ban chỉ đạo 138/CP).

Theo đó, thành phần gồm: đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban; Bộ trưởng Bộ Công an làm Phó Trưởng ban thường trực; 1 Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQVN làm Phó Trưởng ban; Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách công tác Cảnh sát phòng, chống tội phạm làm Phó Trưởng ban. Các ủy viên là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng; Thứ trưởng các bộ; Phó Thống đốc NHNNVN; Phó TGĐ Đài THVN; Phó TGĐ Đài TNVN....

Ban Chỉ đạo 138/CP có nhiệm vụ và quyền hạn giúp Thủ tướng Chính phủ: Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị; nghị quyết sô 09/1998/NQ-CP của Chính phủ; quyết định số 282/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Xây dựng chiến lược, kế hoạch phòng, chống tội phạm trong từng thời kỳ. Chỉ đạo phối hợp các cơ quan chức năng, các lực lượng đấu tranh với các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, hoạt động trên nhiều địa bàn, các vụ án nghiêm trọng, phức tạp về an ninh, kinh tế, trật tự xã hội nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, chống tiêu cực, tham nhũng đảm bảo cho pháp luật được thi hành nghiêm minh và thống nhất. Đề xuất với Chính phủ, Quốc hội xây dựng và hoàn thiện pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người.

Đối tượng Nguyễn Thị Lệ- Thủ phạm gây ra vụ bắt cóc trẻ sơ sinh xảy ra vào ngày 3-11-2011
tại khoa Sản 2, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, gây chấn động dư luận (Ảnh minh họa)

Nam giới cũng bị mua bán

Về tình hình tội phạm nói chung, Trung tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an tóm tắt: 5 năm qua, Chính phủ tập trung chỉ đạo cùng với nỗ lực của các bô, ngành, địa phương, công tác phòng, chống tội phạm đã đạt kết quả quan trọng: tình hình tội phạm đã cơ bản được kiềm chế, một số loại tội phạm nghiêm trọng đã giảm. Tuy nhiên tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp, nổi lên là hoạt động của tội phạm hình sự, tội phạm có tổ chức tại các đô thị lớn, có sự đan xen, gắn kết với các hoạt động kinh tế. Tính chất ngày càng quyết liệt, manh động hơn. Nhiều vụ giết người đặc biệt nghiêm trọng, tính chất man rợ, tàn bạo. Nguyên nhân phần lớn do mâu thuẫn bột phát, nhất thời, nhiều đối tượng phạm tội chưa có tiền án, tiền sự.... phản ảnh những vấn đề đáng báo động về sự suy thoái, xuống cấp đạo đức.

Một số tội phạm diễn biến theo chiều hướng xấu như: tội phạm sử dụng vũ khí, hung khí tấn công các lực lượng chức năng trong khi thi hành công vụ; tội phạm cướp, cướp giật tài sản, nhất là tài sản của người nước ngoài tại các thành phố lớn, có lúc lộng hành gây hoang mang trong xã hội. Tình trạng bạo lực học đường và vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh sinh viên rất đáng báo động.

Tội phạm mua bán người tăng trên 2 lần so với giai đoạn trước, với thủ đoạn hoạt động xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ, xuyên quốc gia. Bọn tội phạm thường lợi dụng phụ nữ, trẻ em ở các vùng nông thôn, vùng đồng  bào dân tộc thiểu số và miền núi có trình độ văn hóa thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, dụ dỗ, hứa hẹn việc làm có thu nhập cao, rồi tìm cách lừa bán ra nước ngoài; hoặc lợi dụng địa bàn miền núi vắng vẻ, đột nhập, giết người, chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em, mua bán trẻ sơ sinh và trẻ trong bào thai, gần đây nổi lên tình trạng mua bán nam giới, nội tạng người...

Tội phạm về ma túy vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên nhiều tuyến, địa bàn và diện đối tượng. Đặc biệt là các tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia tại các khu vực biên giới, cửa khẩu gia tăng. Nhiều đối tượng sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng chống trả quyết liệt lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Xu hướng mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy tổng hợp dạng đá ngày càng gia tăng, kéo theo số thanh thiếu niên sử dụng tăng nhanh. Đã phát hiện việc sản xuất, điều chế ma túy tổng hợp ở một số địa phương; số xã phường, thị trấn không có ma túy bị thu hẹp chỉ còn 34%.

Tội phạm kinh tế, tham nhũng diễn ra phức tạp trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gây thất thoát tài sản lớn. Nhiều vụ có quy mô lớn, giá trị tài sản bị chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỉ đồng đã tác động xấu đến an ninh tài chính, tiền tệ và bức xúc dư luận xã hội.

Đã triệt phá hàng chục ngàn băng nhóm tội phạm các loại

Kết quả đấu tranh chống tội phạm giai đoạn vừa qua đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Đã triệt phá hàng chục ngàn băng nhóm tội phạm các loại; triệt xóa, vô hiệu hóa hàng ngàn tụ điểm hình sự, ma túy phức tạp. Đã phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả nguồn cung cấp ma túy trong nước; bóc gỡ nhiều tổ chức, đường dây tội phạm, tụ điểm ma túy lớn, phức tạp, xuyên quốc gia, liên quan đến người nước ngoài. Số người nghiện ma túy mới hàng năm đã bước đầu được kiềm chế (năm 2007, cả nước có 178.305 người nghiện, đến năm 2012 giảm xuống còn 171.000 người).

Giai đoạn 1996-2010, đã phát hiện xử lý trên 1.800 vụ, trên 3.000 đối tượng mua bán người. Thông qua điều tra các vụ án mua bán người đã giải cứu gần 2.000 nạn nhân trong các vụ án và tiếp nhận gần 5.000 nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng. Đã điều tra làm rõ, ngăn chặn nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, lừa đảo tín dụng đen, quản lý đất đai, xây dựng cơ bản...

Qua 12 năm thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm (1998-2010), VKSND các cấp, TAND các cấp đã truy tố, xét xử sơ thẩm 607.684 vụ án hình sự với 963.016 bị cáo (trong đó, xét xử lưu động trên 50.000 vụ án, 4.248 vụ tham nhũng, tham ô với 8.738 bị cáo), đảm bảo yêu cầu chính trị, pháp luật, tạo niềm tin cho nhân dân trong phòng, chống tội phạm.

Xác định rõ trách nhiệm của từng thành viên Ban chỉ đạo

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, địa phương làm tốt công tác phòng, chống tội phạm là địa phương có cả hệ thống chính trị vào cuộc, từ cấp ủy, chính quyền... đều chung tay quyết liệt. Đã xuất hiện nhiều địa phương làm rất tốt với cách làm hay như Hà Nội, Hải Phòng và gần đây là TP.Hồ Chí Minh.

Toàn quốc bước đầu đã đạt kết quả tốt, nhiều băng nhóm tội phạm hình sự bị triệt xóa, bóc gỡ nhiều đường dây ma túy, buôn người xuyên quốc gia. Nhiều nội dung văn bản quy phạm pháp luật mới được bổ sung, tạo hành lang pháp lý. Thay mặt Chính phủ, đồng chí Phó thủ tướng đã biểu dương các lực lượng: Công an, biên phòng, hải quan, UBND các tỉnh thành trực thuộc Trung ương.... trong việc phòng, ngừa kiềm chế tội phạm, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Phó Thủ tướng lưu ý: Diễn biến tình hình tội phạm vẫn còn rất phức tạp: tội phạm có tổ chức, tội phạm băng nhóm, tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người, tội phạm hung hãn sử dụng vũ khí nóng, tội phạm cướp của giết người, cướp giật, đâm thuê chém mướn; tội phạm lừa đảo, tham nhũng ... gây ra tâm lý lo ngại trọng dân.

Thời gian tới, cần tiếp tục có sự tập trung cả hệ thống chính trị, phối hợp nhiều lực lượng chức năng để đấu tranh có hiệu quả hơn: công an, biên phòng, hải quan, cảnh sát biển... Phó Thủ tướng đồng thời yêu cầu xác định trách nhiệm rõ của từng thành viên trong Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ. Từng thành viên không được để cho tội phạm hoành hành trong lĩnh vực được phân công, cần phải đánh liên tục, đánh mạnh, đánh trúng vào các loại tội phạm.

Xây dựng lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm thực sự trong sạch, vững mạnh. Cần trang bị đầy đủ phương tiện nghiệp vụ trong thi hành công vụ. Lãnh đạo các địa phương kiên định giải pháp, không để hoạt động tội phạm xảy ra trên địa phương mình, đẩy lùi các loại tội phạm.

Triển khai chương trình phòng, chống tội phạm ma túy và mua bán người ảnh 3
Đ/c Vũ Hồng Khanh, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội phát biểu tại hội nghị


Đồng chí Vũ Hồng Khanh, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết: Những năm gần đây, Hà Nội xuất hiện một số hiện tượng xã hội cần có giải pháp đặc thù, như số người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm tăng, thanh thiếu niên đèo 2-3, đi xe máy qua ngã tư có hành động quá khích; có trường hợp thách thức lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ.... gây bất bình trong dư luận xã hội.

Vì thế, CATP.Hà Nội đã triển khai kế hoạch 141, nhằm tập trung xử lý các đối tượng vi phạm khi tham gia giao thông, có biểu hiện nghi vấn. Sau 1 năm đi vào hoạt động, các tổ công tác 141 đã phát hiện, xử lý trên 35.000 trường hợp vi phạm, trong đó nhiều vụ có dấu hiệu hình sự, thu giữ nhiều hung khí, vũ khí nóng. Nhiều đối tượng hình sự đã bị bắt giữ, có cả các đối tượng bị truy nã. Kết quả này góp phần làm giảm các vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn thành phố; hoạt động côn đồ ban đêm đã giảm nhiều, nhân dân yên tâm hơn khi đi ra ngoài đường, mang lại niềm tin cho người dân Thủ đô.

Phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh đưa ra giải pháp của Hà Nội trong phòng ngừa, kiềm chế các loại tội phạm: Trên cơ sở các chỉ thị, nghị quyết từ trung ương, Hà Nội đã tập trung quán triệt trong toàn hệ thống chính trị, đưa vào sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt trong khu dân cư, cấp thôn, tổ. Xây dựng các kế hoạch chuyên đề về phòng, chống tội phạm mua bán người, ma túy. Có kế hoạch cụ thể trong từng giai đoạn, có sự tập trung quyết liệt của các cấp chính quyền. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm, với nội dung chọn lựa, phổ biến tới từng hộ gia đình. Tập trung việc xây dựng các mô hình, để tổng kết đánh giá và nhân rộng. Cuối cùng là công tác rà soát các văn bản liên quan đến quản lý nhà nước, để bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao và biểu dương mô hình các tổ công tác 141 của CATP.Hà Nội: Mô hình 141 rất có hiệu quả, được nhiều địa phương học hỏi, áp dụng. Tôi đề nghị các địa phương tiếp tục nghiên cứu mô hình 141 của Hà Nội để vận dụng, trấn áp mạnh các loại tội phạm. Các biện pháp Hà Nội đưa ra là khá quyết liệt, các vụ án trọng điểm đều được điều tra, làm rõ. Rất đáng biểu dương.