Triển khai Chính phủ điện tử chậm, trách nhiệm Bộ trưởng ở đâu?

ANTD.VN - Tại phiên chất vấn sáng 17-11, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trong việc triển khai chậm và thiếu hiệu quả mô hình Chính phủ điện tử.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho biết sau 2 năm triển khai Nghị quyết 36a về xây dựng Chính phủ điện tử nhưng kết quả đạt được chưa như mong đợi, người dân và doanh nghiệp hài lòng, phàn nàn nhiều vì chưa được hưởng dịch vụ công tiện lợi như Chính phủ cam kết và dường như ở đây có sự lãng phí trong đầu tư công.

“Để diễn ra tình trạng chậm trễ, thiếu hiệu quả đó, trách nhiệm cả Bộ và Bộ trưởng ở đâu? Giải pháp nào đủ mạnh trong việc nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của Bộ với tư cách cơ quan quản lý trong lĩnh vực này”, đại biểu Mai Hoa chất vấn. 

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa chất vấn

Trả lời chất vấn đại biểu nêu, Bộ trưởng Thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết thời gian qua hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan đã được đẩy mạnh, các lĩnh vực như thuế, hải quan và một số lĩnh vực của bộ, ngành khác cũng mang lại hiệu quả cao. Các bộ ngành đã cung cấp hơn 900 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hơn 14.000 dịch vụ công trực tuyến được nhiều tỉnh, thành cung cấp, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp…

Tuy nhiên Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thừa nhận, việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến của một số bộ ngành còn hạn chế, tồn tại, điển hình hình hàng nghìn dịch vụ công trực tuyến chưa phát sinh hồ sơ thực hiện; xử lý văn bản nhiều nơi chưa hiệu quả; một số hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu nền tảng chậm triển khai…

Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn sáng 17-11

“Nguyên nhân là người đứng đầu một số cơ quan Nhà nước chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; kinh phí đầu tư cho xây dựng, vận hành chính quyền điện tử, Chính phủ điện tử không đáp ứng nhu cầu dẫn đến việc triển khai không theo kế hoạch, thiếu đồng bộ, thậm chí chồng chéo. Ngoài ra, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, nhất là đội ngũ chuyên trách về công nghệ thông tin cũng rất hạn chế”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ ra. 

Về giải pháp khắc phục, người đầu ngành Thông tin truyền thông cho biết thời gian tới Chính phủ đã chỉ ra một số nhiệm vụ trọng tâm, đột phá như đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc; đẩy mạnh các cơ sở dữ liệu cơ sở; Bộ Thông tin truyền thông phối hợp các bộ, ngành, địa phương hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường thông tin tuyên truyền; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng vận hành Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử…

Chiều nay 17-11, Quốc hội dành trọn phiên làm việc để tiếp tục chất Bộ trưởng Thông tin truyền thông. Nội dung chất vấn tập trung 3 nhóm vấn đề: Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử; Công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; về hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình; Giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội.

Trong quá trình chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ. Ngoài ra, một số Bộ trưởng, trưởng ngành có thể tham gia giải trình các vấn đề liên quan đại biểu nêu.