Trí thức trẻ tình nguyện về làm Phó chủ tịch xã: Nơi khó nhất, có thanh niên

ANTĐ - Là những thanh niên thế hệ 8X, với sự xông pha, năng nổ, 44 bạn trẻ đầu tiên đã tình nguyện về các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Cao Bằng để làm phó chủ tịch xã. Các bạn trẻ về với núi rừng, về với đồng bào nơi vùng cao để cùng chia ngọt, sẻ bùi, cùng chung sức xây dựng vùng cao lớn, mạnh.

Gieo con chữ ở những bản làng khó khăn nhất

Về với vùng sâu

Sinh ra và lớn lên ở Ứng Hòa, Hà Nội, Vũ Đức Nhâm (SN 1985) đã xung phong lên Cao Bằng, về làm Phó Chủ tịch xã Kim Loan, huyện Hạ Lang, một trong những xã được liệt vào diện khó khăn nhất nhì cả nước. Trên cương vị công tác mới đến nay vừa tròn 1 tháng, Nhâm chia sẻ, đã thấy lựa chọn của mình là đúng. 

Lên với bà con vùng cao, Nhâm mới hiểu hết được những khó khăn, thiệt thòi, đây cũng là động lực giúp Nhâm đi tiếp quãng đường còn dài phía trước. Nhâm tâm sự: “Trước khi tham gia Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, tôi chưa biết và nắm được tình hình thực tế ở các tỉnh miền núi đặc biệt là các xã vùng III, vùng đặc biệt khó khăn, cuộc sống của họ như thế nào? Phong tục tập quán ra sao? Khi đó trong đầu tôi chỉ toàn những câu hỏi”.

Tốt nghiệp trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, Nhâm đã xin vào làm việc tại Tổng Công ty sông Đà. Tuy nhiên, khi biết đề án đưa trí thức trẻ về các huyện khó khăn, Nhâm đã viết đơn đăng kí tham gia. Phó Chủ tịch trẻ tâm sự: “Với cương vị là Phó Chủ tịch UBND xã, tôi thấy trách nhiệm trên đôi vai thực sự lớn. Tôi được phụ trách lĩnh vực kinh tế - địa chính và xây dựng của xã, đây là 3 lĩnh vực trọng tâm để thúc đẩy kinh tế của xã nhà và đó cũng là một thử thách lớn đối với tôi”. Với sự nhiệt tình, tâm huyết, vừa về nhận nhiệm vụ mới, Nhâm đã xông xáo tìm hiểu đời sống, phong tục tập quán của bà con nơi đây để có những hướng phát triển phù hợp. Khác với Thủ đô, mỗi lần Nhâm đi công tác về cơ sở phải đi mất cả ngày, thậm chí, có những nơi phải đi bộ. 

Phó Chủ tịch xã Vũ Đức Nhâm vừa xây dựng đề án “Một số giải pháp  giảm nghèo tại xã Kim Loan”. Đề án đã nhận được sự đồng thuận cao. Nhâm  “bật mí”, đề án chủ yếu đề cập đến việc xây dựng các hệ thống thuỷ lợi, điện lưới, giao thông nông thôn, bể nước sạch và nhà vệ sinh. Song, để những ý tưởng trên thành hiện thực, theo Nhâm cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ đồng tâm hiệp lực, chung tay chung sức của tất cả cấp uỷ chính quyền cấp trên; cán bộ và nhân dân trong xã. “Tôi nguyện mang tinh thần sức trẻ cùng lòng nhiệt huyết và năng lực của mình để giúp bà con xã. Đảng và Nhà nước cần có những chính sách ưu tiên hơn nữa để nhân dân các xã nghèo, trong đó có xã tôi được tiếp cận các giá trị văn hóa, khoa học”, Nhâm đề nghị.

Ý nghĩa của cuộc sống

Trí thức trẻ Ngô Bá Doanh (SN 1986) đã có thời gian học tập tại trường ĐH Công đoàn và 3 năm làm việc tại Thủ đô. Song cũng vì tiếng gọi nơi vùng cao, mà Doanh đã viết đơn tình nguyện về công tác tại các xã khó khăn. Với nhiệt huyết tuổi trẻ, Doanh đã đăng ký đi đợt tình nguyện đầu tiên. Ngày 28-2 vừa qua, Doanh được phân công về xã An Lạc, mà theo Doanh đánh giá, là một xã khó khăn nhất của tỉnh Cao Bằng.

Doanh tâm sự: “Sau một tháng trải nghiệm trên cương vị phó chủ tịch xã đã cho tôi những kinh nghiệm quý báu. Một công việc mới, những kỹ năng mới, khác với kiến thức kinh tế đã được học và làm việc tại Thủ đô”. Sinh ra và lớn lên tại huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh, đã học tập, làm việc tại Thủ đô gần 8 năm nhưng khi biết đến dự án thí điểm 600 trí thức trẻ tăng cường về các xã nghèo, Doanh nhận thấy đây là một chủ trương rất thiết thực và có ý nghĩa. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Doanh đã quyết định làm hồ sơ đăng ký. “Chỉ đến khi có quyết định trúng tuyển gọi đi đào tạo tập huấn tôi mới kể cho bạn bè, đồng nghiệp và gia đình biết. Gia đình ban đầu cũng không đồng ý nhưng tôi đã thuyết phục được với suy nghĩ, tuổi trẻ phải làm một việc gì đó có ý nghĩa giúp ích cho xã hội. Đây là cơ hội phù hợp để thực hiện điều đó nên tôi đã quyết định từ bỏ công việc đang làm trong một công ty xây dựng, rời bỏ Thủ đô để lên vùng cao, vùng đất nghèo khó nhận trách nhiệm mới”.

Trên cương vị phó chủ tịch xã phụ trách kinh tế tổng hợp, Doanh trăn trở, không biết phải bắt đầu từ đâu, làm gì để có thể phát triển được kinh tế, có thể giúp bà con thoát nghèo, khi mà tỉ lệ hộ nghèo chiếm 72%, xã còn 3 xóm chưa có điện và đường. Trong khi điều kiện đất canh tác trồng lúa chưa chiếm đến 5% diện tích của xã, các sản phẩm nông nghiệp mà bà con làm ra, nuôi được lại không có thị trường tiêu thụ. Doanh nhận định: “Các trí thức trẻ như chúng tôi ngoài kiến thức đào tạo còn có tinh thần không ngại khó, khổ, song như vậy thì chưa đủ để xóa đói giảm nghèo mà cần có sự giúp đỡ của các tổ chức, doanh nghiệp và chính sách phù hợp của Đảng và Nhà nước”.