Trị bệnh vô cảm

ANTĐ - Lúc nào chị Vũ Huyền Trinh (24 tuổi, 142 Âu Cơ, Hà Nội) cũng mang theo cuốn sổ nhỏ, trong đó ghi chép rất nhiều số điện thoại khẩn cấp, cứu hộ.

- Cẩn thận thế, đã lúc nào chị gọi thử các số này chưa?

- “Cẩn tắc vô áy náy”. Có lúc cần, gọi cũng có số không ai nghe máy, hoặc đã đổi số khác. Khi người dân gặp sự cố gì ai cũng cần sự có mặt kịp thời của các lực lượng chức năng. 

- Muốn thế thì phải biết để  gọi cho ai chứ? Ai cũng biết gọi 113, 114, 115 nhưng còn bao sự cố khác thì sao?

- Như có chị mang thai đúng lúc đang đi taxi thì chuyển dạ, đố anh biết phải gọi cho ai để được hướng dẫn? Số điện thoại quảng cáo rao vặt trái phép thì đâu cũng thấy, mà những số điện thoại cần thiết thì chẳng thấy đâu. Gặp việc quan trọng gọi điện người ta hướng dẫn gọi đến số khác rồi lại số khác… chán không muốn gọi.

- Đây là nhu cầu rất cần thiết của người dân. Vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức?

- Chưa kể thái độ của một số cán bộ khi nhận được yêu cầu giúp đỡ của người dân thì lảng tránh, cáu gắt, chậm trễ, từ đó đã làm tình huống xấu hơn, người dân càng bức xúc. Nếu các lực lượng làm tốt chức năng thì có lẽ nhiều tiêu cực đã được ngăn chặn từ đầu.

- Khả năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là việc cần phải nâng cao hơn nữa?

- Trước hết phải trị ngay căn bệnh vô cảm của một số cán bộ trước bức xúc của người dân. Khi người dân mất niềm tin thì rất nguy hiểm cho xã hội. Cũng cần mở rộng thêm các lực lượng “phản ứng nhanh” để giảm bớt gánh nặng cho các cơ quan chức năng. Cần thì ưu đãi, đào tạo chuyên gia, giao cho các công ty tư nhân, hoặc xã hội hoá làm. Quyền lợi của người dân không thể coi là chuyện nhỏ được, ra đường gặp chuyện gì chẳng biết gọi cho ai thì sao gọi là xã hội văn minh được.