Trị bệnh thông thường bằng... nước

ANTĐ - Sau khi tiếp xúc với nước, nhiều người cảm thấy cơ thể nhẹ nhõm, da căng hơn, tràn đầy sinh lực và tỉnh táo. Đúng vậy, từ lâu con người đã ghi nhận khả năng chữa bệnh bằng nước, hay còn gọi là thủy trị liệu. Vậy phương pháp này có thể áp dụng để chữa được một số bệnh thông thường?

Nhiệt độ đóng một vai trò quan trọng trong thủy trị liệu: Nóng làm giãn nở mạch máu, tăng cường lưu thông máu giàu chất dinh dưỡng và oxy, còn lạnh gây co thắt mạch máu và ngừng viêm. Do nước tỏa nhiệt nhanh hơn không khí 25 lần nên đạt tác dụng nhanh chóng và hiệu quả. Ngoài ra, nước còn có một số đặc trưng như tính nổi, lực đẩy, áp suất nên khá thuận lợi cho điều trị chấn thương và một số bệnh ảnh hưởng đến cơ bắp, xương và khớp. Tuy nhiên, điều trị bằng nước không phải dành cho tất cả mọi người. Những người huyết áp cao, bệnh thận, bệnh gan hay có vết thương hở cần tư vấn kỹ về thủy liệu pháp vì những thay đổi về nhiệt độ và áp lực có thể làm bệnh thêm trầm trọng. Và dưới đây là một số phương pháp dùng nước có thể tự làm tại nhà để điều trị các bệnh thông thường.

Đau đầu 

Nhức đầu là do các mạch máu giãn ra trong não, vì thế nước lạnh có thể giúp các mạch co lại và giảm thiểu sự đau đớn. Một số cơn đau đầu có thể thuyên giảm nếu chúng ta nhúng tay hoặc chân vào một chậu đầy nước đá trong 30 giây đến 10 phút, việc làm này chính là nhằm thay đổi áp lực tuần hoàn trong não. Bên cạnh đó, có thể đặt băng hoặc gạc lạnh trực tiếp lên đầu. Còn nếu bị đau đầu kéo tới phần cổ và vai, hãy dùng khăn nóng ấp vào phần cổ và vai để làm giảm cơn đau.

Nghẹt mũi

Chuyển hướng lưu lượng máu khỏi khu vực tắc nghẽn (ví dụ như các xoang) để làm giảm cảm giác khó chịu thường gặp này. Giải pháp thủy trị liệu ở đây cần kết hợp cả lạnh và nóng. Phủ kín người trong chăn. Đặt bàn chân của bạn vào nước nóng 40 độ C, dùng khăn lạnh áp lên đầu và phía sau cổ. Sau 10 đến 30 phút, rửa lại chân bằng nước lạnh. Phần nhiệt dẫn máu từ đầu và xoang xuống tới chân, giảm bớt tình trạng nghẹt mũi.

Viêm khớp 

Nhiệt độ lạnh có thể làm giảm đau và viêm khớp. Trong khi một số bệnh nhân khớp được khuyên muốn giảm triệu chứng có thể bơi để phần khớp bị viêm đau nổi trên nước thì cũng có biện pháp nhẹ nhàng hơn là ngâm trong nước đá hoặc chườm một chiếc khăn có đá.

Khó ngủ 

Tắm nước ấm nhẹ nhàng là chiến thuật giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ của người già và đưa những người bị mất ngủ vào giấc nhanh hơn, một số nghiên cứu đã chứng minh điều đó. Chú ý, có thể ngâm người trong nước ấm 36-38,5 độ C nhưng hãy đặt một miếng gạc mát lên trán hoặc sau gáy để nhắc nhở rằng cơ thể đang nóng lên nhưng cái đầu cần tỉnh táo, bạn muốn được thư giãn nhưng không để kiệt sức vì tắm lâu.

Đau cơ 

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ năm 2007 cho biết, dùng những dòng nước tương phản xen kẽ nóng và lạnh có thể phục hồi chứng đau nhức cơ bắp, triệu chứng thường xảy ra ở những người vận động mạnh đột ngột. Hãy thử điều này, trong khi tắm, bật vòi nóng 37,5 – 41 độ C trong 3 phút; chuyển sang lạnh 10-15 độ C trong khoảng 30 giây, sau đó lặp lại 2 lần, kết thúc bằng nước lạnh.

Thầy thuốc Hippocrates, người được coi là sáng lập ra nền y học hiện đại đã ghi lại tài liệu về khả năng chữa bệnh của nước từ thế kỷ V trước Công nguyên. Đến thế kỷ 19, các bác sỹ thường gửi bệnh nhân đến các khu spa để “trị liệu bằng nước”. Tới nay, việc sử dụng thủy trị liệu để điều trị triệu chứng đau và bệnh mãn tính trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia, châu lục.