Trị “bệnh” tận gốc

ANTĐ - Dự kiến, kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới, Quốc hội sẽ nghe Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về Đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế. Báo cáo thẩm tra đề án do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày. Trong phiên bế mạc kỳ họp, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về Đề án tổng thể sau khi dành một ngày thảo luận. Áp lực tái cơ cấu nền kinh tế rõ ràng ngày càng gia tăng, không thể chậm trễ. Hệ thống ngân hàng đã mở đầu đột phá công cuộc tái cơ cấu này.

Thiếu năng lượng để tăng tốc “cỗ máy” tăng trưởng, nền kinh tế chỉ đạt tốc độ tăng GDP thấp nhất trong 3 năm qua, từ 6,1% quý IV-2011, chỉ còn 4,1% quý I-2012. Với mức tăng trưởng yếu hơn mong đợi và lạm phát đã “lắng dịu” hơn, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong những quý tới để “hạ nhiệt” lãi suất cho vay. Quý I năm nay phản ánh rất rõ tác động của các biện pháp thắt chặt tiền tệ. Tăng trưởng của ngành công nghiệp và dịch vụ chậm lại, thị trường bất động sản và xây dựng trầm lắng, chứng tỏ lãi suất cho vay cao khiến người mua không còn nhu cầu đi vay. Tăng trưởng chậm lại, đặc biệt với sự co hẹp của lĩnh vực bất động sản và xây dựng cho thấy, khả năng tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng lên, vì họ cho vay đầu tư bất động sản nhiều hơn. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ nợ xấu năm 2011 là 3,6-3,8%. Mặc dù tới nay chưa công bố chi tiết danh tính những ngân hàng sẽ “được” sáp nhập, nhưng các chuyên gia cũng như một số nhà phân tích đã đi tìm nguyên nhân yếu kém dẫn đến ngân hàng mất thanh khoản và phải sáp nhập. Một ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, thẳng thắn chỉ rõ, nguyên nhân cốt lõi là quản trị lỏng lẻo, nắm đồng tiền của ngân hàng như tiền túi cho vay nội bộ. Phần lớn là các cổ đông lớn, sau khi nắm giữ ngân hàng tìm mọi cách rút tiền ngân hàng cho vay các tập đoàn đầu tư bất động sản, sân golf. Thậm chí họ còn nhờ họ hàng, người thân đứng tên làm cổ đông “hờ”, nắm giữ 3-5% vốn điều lệ để huy động tín dụng cho các dự án. Bởi thế, phía sau những ngân hàng này là những dự án bất động sản, khu resort, sân golf… rất khó phát hiện. Theo phân tích của một số chuyên gia, từ đợt đổi mới cấu trúc ngân hàng cách đây mười năm, “căn bệnh” cho vay nội bộ đã manh nha và nay mới thực sự bộc lộ rõ. Quản trị lỏng lẻo, cho vay “thoải mái” vào các dự án dài hơn, trong khi nguồn tài chính vừa mỏng vừa ngắn, đến khi thị trường bất động sản “đóng băng”, đương nhiên các ngân hàng “ăn xổi” bị mất thanh khoản. Khi Nghị định bắt buộc các ngân hàng thương mại phải tăng vốn điều lệ, những ngân hàng hối hả tìm các khách hàng dễ cho vay nhất, dễ kiếm lời nhất, đó là bất động sản. Cạnh tranh cho vay, cạnh tranh huy động vốn trở nên gay gắt, vì thế ngân hàng này dùng lãi suất để hút vốn ngân hàng kia. Trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước luôn luôn bị “xé rào”, lách luật.

Hiện tại trần lãi suất tiền gửi thấp là một nỗ lực để cố gắng “hạ nhiệt” lãi suất cho vay. Điều này có tác dụng trấn an tâm lý nhưng tác động tới kinh tế rất hạn chế. Quan trọng hơn cả là tăng trưởng tín dụng, tăng thanh khoản của các ngân hàng, siết chặt quản trị, nếu không tái cấu trúc, trị “bệnh” tận gốc thì chỉ là bệnh ngoài da mà thôi.