Tri ân những chiến công

ANTD.VN - Sáng 4-3-2011 Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) CATP Hà Nội đón 2 tin dữ: đó là vào nửa đêm hôm trước, 2 chiến sỹ của đơn vị trên đường làm nhiệm vụ đã gặp tai nạn rất nghiêm trọng. Mặc dù ngay sau đó họ đã được đồng đội và các bác sỹ tích cực cứu chữa, nhưng đến sáng, mọi nỗ lực đã thành tuyệt vọng...

Bảy năm đã trôi qua kể từ ngày 2 chiến sỹ ấy nằm xuống, nhưng nỗi đau của những người vợ lính thì vẫn nguyên vẹn như ngày nào. Trên mặt trận chống tội phạm giữa thời bình, bên cạnh sự hy sinh của những người chồng, người cha thì khoảng trống gian truân, nhọc nhằn mà họ để lại phía sau chỉ có những người vợ, người mẹ mới thấu hiểu.

Cú sốc toàn đơn vị

Đến tận bây giờ nhiều người dân ở phố Thụy Khuê (Ba Đình, Hà Nội) vẫn nhớ như in vụ tai nạn xảy ra vào rạng sáng 4-3-2011, khiến 2 chiến sỹ CSCĐ hy sinh. Như thường lệ, đêm ấy khi mọi người còn đang chìm trong giấc ngủ thì những người lính của Đại đội 2 - Trung đoàn CSCĐ lại lên đường. 

Khi tới giữa phố Thụy Khuê, tổ công tác của Thượng úy Lê Văn Sinh (gồm 4 đồng chí: Lê Văn Sinh (tổ trưởng), Phạm Xuân Dương, Trần Văn Khoa và Phương Văn Sơn), phát hiện 2 nam thanh niên dáng vẻ khả nghi điều khiển xe mô tô không đeo BKS.

Khi thấy cảnh sát, chiếc xe này bỗng tăng tốc độ bỏ chạy rất nhanh, đồng thời lạng lách đánh võng với ý đồ không cho xe cảnh sát vượt lên kiểm tra hành chính. Ngay lập tức, Thượng úy Lê Văn Sinh ra hiệu lệnh cho cả tổ công tác bám theo để sẵn sàng ngăn chặn tình huống xấu.

Đại diện Trung đoàn CSCĐ đến thăm gia đình Liệt sỹ Lê Văn Sinh nhân dịp 27-7 

Trong suốt chặng đường truy đuổi, bất ngờ chiếc xe chở Thượng úy Lê Văn Sinh và Hạ sỹ Phương Văn Sơn đã bị một chiếc ôtô nhãn hiệu Toyota Yaris mang BKS 29A-095... do Nguyễn Huy Tùng điều khiển húc mạnh vào từ phía sau. Cú va chạm ở tốc độ cao khiến chiếc xe máy chở 2 chiến sỹ kéo lê một đoạn khá dài rồi bị ép chặt vào một bức tường nằm dọc vỉa hè. Còn chiếc ô tô gây tai nạn sau đó cũng mất lái lao lên húc thẳng vào chiếc cột điện mới chịu dừng lại.

Sau cú đâm khủng khiếp ấy, hạ sỹ Phương Văn Sơn (người cầm lái) hy sinh tại chỗ và Thượng úy Lê Văn Sinh bị thương nặng bất tỉnh nhân sự. Ngay lập tức các đồng đội cùng tổ công tác đã đưa Thượng úy Lê Văn Sinh vào Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu rồi chuyển tiếp Bệnh viện Việt Đức để tiến hành mổ gấp trong đêm. Tuy nhiên do thương tích quá nặng nên anh cũng đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 9h cùng ngày. Điều đau xót nhất là Hạ sỹ Phương Văn Sơn ra đi khi chỉ mới ngoài 20 tuổi, còn Thượng úy Lê Văn Sinh thì để lại người vợ trẻ cùng 2 đứa con vẫn còn trong độ tuổi trứng gà trứng vịt.

Nỗi đau người ở lại

Cứ nghĩ 7 năm cũng đủ để chị Đoàn Thị Thanh Trà (vợ liệt sĩ Lê Văn Sinh) đã nguôi ngoai đi nỗi đau mất chồng. Thế nhưng sự thực là giông bão, gian truân vẫn đè nặng vai người vợ lính. Chị bảo, ngay từ đầu khi lấy chồng công an chị cũng xác định là sẽ vất vả rồi. Nhưng ai ngờ nỗi vất vả ấy lại nhân đôi khi mà trụ cột gia đình đã vĩnh viễn không còn.

Liệt sĩ Lê Văn Sinh và gia đình (ảnh gia đình cung cấp)

Chị lấy anh năm 2002 và ngay sau đám cưới thì chồng một nơi, vợ một nẻo bởi anh phải vào tận Cần Thơ công tác. Đến năm 2003 khi thằng cu lớn ra đời, anh Sinh mới được chuyển về Hà Nội. Tuy vậy, hai người vẫn sống xa nhau bởi lúc đó chị vẫn phải ở dưới tận Hải Dương.

Sau này đến năm 2005, để có thời gian chăm sóc con cái và chăm lo cho anh, chị Trà quyết định chuyển lên Hà Nội. Cực một nỗi, hai vợ chồng ngày ấy nghèo quá nên vẫn phải đi thuê nhà. Nhưng dù sao có vợ có chồng thì gian khổ mấy cũng chịu được. Chị Trà nhớ lại: “Cuộc sống khó khăn, thương vợ chạy chợ thu nhập bấp bênh nên mỗi kỳ lương, anh ấy lĩnh được đồng nào đều đưa hết cho em để lo cho con mà chẳng dám giữ lại chút nào để chi tiêu cho bản thân mình.

Đến năm 2008, em sinh cháu thứ 2 thì khó khăn thực sự. Anh ấy cứ đi biền biệt vì nhiệm vụ nên chúng em đành phải gửi cháu về quê nhờ ông bà nuôi hộ khi mới 10 tháng tuổi. Đứa nhỏ đã vậy, đứa lớn nghĩ cũng khổ vì mỗi lần chuyển nhà thì con lại phải chuyển trường. Nhà đi thuê nên họ đòi lúc nào thì phải ra đi lúc ấy. Mỗi lúc nghe em than thở vì nhớ con thì anh Sinh chỉ cười động viên: Vợ lính thì phải thế chứ, thôi khó khăn khắc phục em ạ”.

Ngày anh vĩnh viễn ra đi, chị Trà lập bàn thờ anh trong căn nhà trọ. Nhiều đêm thức trắng ngồi nhìn con ngủ mà nước mắt chị trào ra: “Anh mất rồi, mai này ai sẽ dạy dỗ chúng hàng ngày? Một thân một mình, biết lấy gì để nuôi con giữa thời buổi gạo châu củi quế”. Rồi chị bùi ngùi: “Cũng may là sau khi anh Sinh mất, những đồng đội cùng đơn vị thương chị vất vả nên đã nhận đỡ đầu 2 cháu mỗi tháng 500 nghìn đồng. Rồi Báo An ninh Thủ đô cũng nhận hỗ trợ thêm chừng ấy tiền nữa để các 2 cháu ăn học đến năm 18 tuổi. Chính nhờ sự giúp đỡ quý báu ấy mà mẹ con em cũng sống tạm ổn”. Chị Trà được biết, ngoài việc hỗ trợ 2 con chị, Báo An ninh Thủ đô còn giúp đỡ hỗ trợ số tiền 500 nghìn đồng/tháng cho các cháu là con các liệt sỹ Phạm Văn Sơn, Kiều Trần Trung, Phan Đức Sơn và Trần Khắc Tiệp đều thuộc Trung đoàn CSCĐ đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Rót chén nước mời khách, chị Trà chia sẻ tiếp, may sao cu Lê Nhật Anh (con trai lớn của anh chị) cũng biết phận mồ côi nên rất ngoan. Hàng ngày đến lớp, tối về giúp mẹ chăm em, làm việc nhà rồi học bài. Mặc dù mới học lớp 10, nhưng cu cậu cũng khá già dặn. Chúng tôi hỏi Nhật Anh: Lớn lên cháu muốn làm gì? Cu cậu trả lời: “Cháu sẽ làm công an. Cháu cũng sẽ làm công việc chống tội phạm như bố cháu”.