Trêu người đi đường dẫn đến tử vong, truy cứu tội gì?

ANTĐ - Chị Trần Thị H., ở xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội đang đi trên đường từ Khu công nghiệp Phú Nghĩa về nhà. 

Ảnh minh họa

Nội dung vụ án

Khi đi đến đoạn chợ Gốt, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội thì bị 2 thanh niên điều khiển xe máy đánh võng bên cạnh và buông lời trêu ghẹo. Sau khi bị 2 thanh niên lấy tay đập vào vai, chị Trần Thị H. đã lúng túng bị chệch tay lái ngã ra đường. Đúng lúc đó, chiếc xe tải mang BKS: 29C-03xxx của lái xe tên H, ở xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đi đến do không làm chủ tốc độ, xử lý không kịp đã chèn ngang qua người chị Trần Thị H. khiến nạn nhân tử vong ngay tại chỗ.

Vấn đề cần tranh luận là trong trường hợp này, 2 thanh niên trêu ghẹo chị Trần Thị H. có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình? Nếu có thì bị truy cứu về tội danh gì?

 Ý kiến bạn đọc 

2 thanh niên không phạm tội

Tôi cho rằng 2 thanh niên này không phạm tội bởi ngay từ đầu, họ không hề có ý định gây ra cái chết cho nạn nhân. Mục đích của 2 thanh niên chỉ là trêu ghẹo chị H. Trong vụ việc này, lý do chị H. bị ngã xe vì chị H. là phụ nữ, tay lái yếu, khó xử lý những tình huống xảy ra trên đường. Việc 2 thanh niên này đập vào vai chị H. chỉ làm cho chị H. bị bất ngờ và ngã ra đường.

Tuy nhiên việc chị H. bị ngã xe máy không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của chị H. Chị H. chết là do bị chiếc xe tải phía sau của lái xe tên H. do không làm chủ tốc độ, xử lý không kịp đã chèn qua. Theo tôi cần phải xử lý trách nhiệm của lái xe H. đã không làm chủ tốc độ, dẫn đến gây chết người. 

                                                           Vũ Tiến Lộc (Ba Đình - Hà Nội)

Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ

Trong vụ việc này, hành vi của 2 thanh niên này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến những người đang tham gia giao thông vào cùng thời điểm đó. Cụ thể, 2 thanh niên này đã điều khiển xe máy đánh võng bên cạnh, đồng thời lấy tay đập vào vai người khác đang điều khiển giao thông.

Chắc chắn trong quá trình điều tra cơ quan công an sẽ xác định một cách cụ thể hành vi trêu ghẹo của hai đối tượng  đã gián tiếp gây nên cái chết của chị H. do nạn nhân không thể làm chủ được tay lái bởi sự tác động một cách thô bạo.

Trên cơ sở đó, 2 thanh niên này phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3, Điều 202, Bộ luật Hình sự về tội  vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Theo đó, thì khung hình phạt sẽ từ 7 đến 15 năm tù do gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 

                                                    Trần Thị Hà (Yên Mô - Ninh Bình)

Phạm tội vô ý giết người

Nguyên nhân chị H. tử vong là do bị 2 thanh niên này điều khiển xe máy đánh võng bên cạnh và buông lời trêu ghẹo, sau đó lấy tay đập vào vai. Nếu 2 thanh niên này không đột ngột đập vào vai của chị H. thì sẽ không có chuyện chị H. bị chệch tay lái và ngã ra đường. Vì vậy, sự tác động của 2 thanh niên này chính là nguyên nhân làm cho chị H. bị chết. Do đó, có thể coi hành vi của 2 thanh niên là nguyên nhân gián tiếp gây ra cái chết cho chị H.

Có thể khi đập vào vai chị H. 2 thanh niên này chỉ muốn trêu ghẹo nhưng chính hành động này đã khiến cho chị H. bị mất thăng bằng, không làm chủ được tay lái ngã xuống đường và bị xe tải chèn qua gây tử vong. Theo tôi hành vi của 2 thanh niên này có thể bị truy tố vì tội vô ý làm chết người quy định tại Điều 98, Bộ luật Hình sự. 

                                                Nguyễn Tiến Hải (Cửa Lò - Nghệ An)

 Bình luận của luật sư 

Với quan điểm cho rằng 2 thanh niên này không phạm tội bởi ngay từ đầu họ không hề có ý định gây ra cái chết cho nạn nhân. Việc chị H. mất lái rồi ngã xuống đường sau hành động của 2 thanh niên là một tai nạn đáng tiếc. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, không thể nói không có ý định gây ra cái chết cho nạn nhân thì không phải chịu trách nhiệm.

Đối với những vụ tai nạn giao thông dẫn đến chết người thường thì người gây ra tai nạn không hề có ý định gây ra cái chết cho nạn nhân nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong vụ việc này, vấn đề cần trao đổi là 2 thanh niên sẽ bị truy cứu về tội danh gì? 

Trước hết, để xác định hành vi trêu ghẹo của 2 thanh niên có phạm tội không thì không thể không bắt đầu từ cái chết của chị H. Hầu hết các vụ án hình sự đều phải bắt đầu từ hậu quả. Từ hậu quả rồi tìm ra nguyên nhân dẫn đến hậu quả và cuối cùng hành vi nào là nguyên nhân dẫn đến hậu quả đó. Chị H. bị chết do hành vi tác động ngoại lực của 2 thanh niên làm chị ngã xuống đường và bị xe tải chèn qua.

Nếu tự nhiên chị H. bị mất lái thì lúc này tai nạn là do chị tự gây ra. Nhưng trường hợp này không phải như vậy mà do có sự tác động của 2 thanh niên. Nếu 2 thanh niên không đột ngột vỗ vào vai của chị H. thì chị không giật mình mà mất lái. Chính sự tác động này của 2 thanh niên là nguyên nhân làm cho chị H. bị chết. 

Không cần phải phân tích nhiều thì ai cũng có thể hiểu chị H. bị chết do hành động trêu ghẹo của 2 thanh niên gây nên. Về lý luận, hành động của 2 thanh niên là nguyên nhân gián tiếp gây ra cái chết cho chị H. Có thể coi hành vi của 2 thanh niên trong vụ việc này là hành vi vô ý phạm tội.

Vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây: Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được; người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Khi vỗ vào sau lưng của chị H., 2 thanh niên chỉ muốn trêu ghẹo nhưng ai cũng biết hành vi đó rất nguy hiểm đến tính mạng của chị H. Bởi lẽ trong lúc đang điều khiển xe máy trên đường, chỉ cần một tác động nhỏ cũng có thể làm cho người lái xe mất thăng bằng, không làm chủ được tay lái.

Đối với cái chết của chị H., đúng là 2 thanh niên không mong muốn, cũng không bỏ mặc cho hậu quả xảy ra nên không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 9, Bộ luật Hình sự (lỗi cố ý) mà thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 10, Bộ luật Hình sự (lỗi vô ý vì quá tự tin). 

Căn cứ các thông tin trong vụ việc thấy rằng: 2 thanh niên đang điều khiển xe máy lưu thông trên đường đã có hành vi đánh võng, trêu ghẹo, đập tay vào người chị H. trong khi chị H. cũng đang điều khiển xe máy.

Trong trường hợp sau khi điều tra, xác minh, cơ quan pháp luật đủ căn cứ kết luận là nguyên nhân dẫn đến việc chị H. bị ngã ra đường, ngay sau đó bị xe ôtô chèn ngang qua người dẫn đến tử vong là do việc đánh võng, trêu ghẹo, đập vào người của 2 thanh niên gây ra thì 2 thanh niên đã có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại Điều 202, Bộ luật Hình sự.

Trong trường hợp này, hành vi đánh võng, trêu ghẹo, đập tay vào người khác cũng đang tham gia giao thông là hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ. Hành vi này đã dẫn đến hậu quả là chị H. bị ngã ra đường và bị xe ô tô chèn lên dẫn đến tử vong.

Điều 202, Bộ luật Hình sự quy định: 

1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; 

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Đối với hành vi của lái xe tải. Nếu người lái xe tải không sử dụng chất kích thích thì việc gây ra vụ tai nạn trên là hoàn toàn bị động, lái xe không kịp phản ứng với sự kiện bất ngờ này. Do vậy, cần thiết phải xem xét trách nhiệm của lái xe trong một hoàn cảnh hết sức khách quan phù hợp vào diễn biến của sự việc.

Còn trong trường hợp này lái xe không có bằng lái, do say rượu.... dẫn đến mất kiểm soát và gây ra tai nạn thì có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, theo quy định tại Điều 202, Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Trong trường hợp sau khi gây tai nạn, lái xe tải đã bỏ đi khỏi hiện trường có khả năng bị xem xét thêm tình tiết tăng nặng định khung. Cụ thể, theo Điểm c, khoản 2, Điều 202 quy định về gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn.

Luật sư Chu Mạnh Cường, (Trưởng Văn phòng Luật sư Danh Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)