“Trên vĩ tuyến 17”: Giai thoại 40 năm

ANTĐ - Tiếp bước “Chung một dòng sông”, năm 1965 Hãng phim truyện Việt Nam bắt tay vào sản xuất bộ phim truyện nhựa “Trên vĩ tuyến 17” nói về cuộc chiến đấu anh dũng của lực lượng CAND vũ trang. Những thước phim do đạo diễn Lý Thái Bảo và Nhất Hiên thực hiện đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng câu chuyện về việc làm phim ngay trước mũi quân thù vẫn còn là giai thoại lưu truyền tới các thế hệ sau này…

Cố NSND Lâm Tới chấp nhận mạo hiểm tính mạng để đổi lấy vai diễn

chân thực trong “Trên vĩ tuyến 17”

Không thể dựng cảnh giả

Trên vĩ tuyến 17  lấy bối cảnh sông Bến Hải - nơi chia cắt đất nước theo hiệp định Geneva, là sự đấu trí giữa công an vũ trang của ta với cảnh sát bên phía bờ Nam. Nhiệm vụ của nhân vật Thượng sĩ Dương (NSND Trần Phương) và binh nhất Xuân (NSƯT Mai Ngọc Căn) là hàng ngày đi dọc bờ sông kiểm tra bảo vệ ranh giới và chuyển thương binh, thông tin thông suốt hai miền Bắc - Nam. Hàng tuần, hai bên sẽ trao đổi người để kiểm tra xem có bên nào vi phạm Hiệp định hay không. Qua những lần gặp gỡ trao đổi, Dương và Xuân đã cảm hoá được tên đồn trưởng địch (NSND Lâm Tới)…

Câu chuyện tưởng chừng như đơn giản nhưng đặt vào bối cảnh lúc đó thì không hề dễ thực hiện. Khi ấy tại bờ Bến Hải, quân ta đang tranh chấp với địch đến từng vết sơn trên cầu và giữ để lá cờ Tổ quốc không bao giờ vắng bóng. Những người dân miền Nam ngày ngày tìm cách ra bờ sông giặt giũ cốt chỉ để nhìn thấy lá cờ bay phấp phới trong gió. Đó cũng là niềm tự hào của lực lượng Công an vũ trang. Cũng chính bởi muôn vàn khó khăn trở ngại nên cả đoàn làm phim đều xác định nếu làm được phim ngay trong bối cảnh đó, sẽ là một thắng lợi rất lớn cho tinh thần của ta cũng như làm cho địch phải nể sợ. Nhưng làm thế nào mới là điều khó, mà quan trọng nhất là chiếc cầu và địa điểm - đó là hai thứ không thể dựng cảnh để làm giả được, đặc biệt là trong tình hình chiến tranh. Thứ nữa, vốn kiến thức về hoạt động của quân địch ở bên kia chiến tuyến thì  diễn viên ta lại không có, nếu diễn gượng gạo sẽ làm giảm đi tính chân thực của bộ phim.

Sau nhiều lần suy đi tính lại, đoàn làm phim bàn bạc phối hợp với lực lượng Công an vũ trang bờ Bến Hải cho diễn viên Lâm Tới (người đóng vai đồn trưởng địch) đóng giả làm một trong hai người luân chuyển hàng tuần để trao đổi thông tin giữa hai bên. Phương án này cực kỳ nguy hiểm bởi chỉ cần sơ sảy là có thể nguy hiểm tới tính mạng của nam diễn viên này. Đấy là chưa kể trong quá trình luân chuyển diễn viên còn phải học tháo từng bộ phận súng AK cho vào chăn mang sang, tối mới lắp vào để phòng thân. Cuối cùng, diễn viên Lâm Tới chấp nhận mạo hiểm, còn các diễn viên khác thì ở lại bên này chiến tuyến để tiếp xúc với người của quân địch đổi sang.

Mạo hiểm để quay chân thực

Sau một tuần thực tế, đoàn làm phim bắt đầu khởi quay. Bối cảnh đồn địch được dựng trên bờ biển phía Bắc (cửa Hội) trong tình trạng nguy hiểm luôn rình rập. Đạo diễn Lý Thái Bảo, quay phim Khương Mễ - Quang Tuấn đi đâu cũng có một cán bộ chính trị đi cùng để bảo vệ cho từng thước phim được thực hiện suôn sẻ. Trong suốt những ngày quay, cả đoàn vừa làm vừa phải dè chừng địch, nhiều lần phải phá bỏ bối cảnh đang quay để đảm bảo an toàn. Trong đó cao điểm là ngày mùng 5-8-1965, khi đang quay ở Cửa Hội thì máy bay địch đánh bom ở kho xăng Bến Thuỷ cách đoàn làm phim 10km. Không thể đang quay lại phải bỏ dở, cả đoàn quyết tâm làm, cứ diễn, cứ quay, thấy máy bay địch đến gần là dập phản quang xuống tìm chỗ trú, khi nào chúng bay qua lại tiếp tục quay.

Nguy hiểm nhất là cảnh quay trên sông hướng sang bờ Nam. Ranh giới khi ấy lấy giữa sông làm cột mốc phân chia, bất cứ bên nào vi phạm đều bắn. Nhưng muốn phim có độ chân thực cao thì không thể thiếu cảnh đó trên phim. Cả đoàn hạ quyết tâm quay bằng được cảnh này, coi đó như một mặt trận, một cuộc chiến thực sự. Tất cả đều xác định, nếu hy sinh thì đó là một sự cống hiến cao cả vì nghệ thuật. Sau khi êkip quay và máy quay được đưa lên thuyền, toàn bộ được phủ một lớp vải dầy chỉ đủ ló ống kính máy quay ra ngoài. Đạo diễn ra dấu hiệu quay. Diễn viên vào cuộc. Cả đoàn hồi hộp căng thẳng chứng kiến từng cảnh quay. Thật may mắn, khi cả đoàn vừa quay xong và bắt đầu rút thì địch phát hiện. Chúng hung hăng phóng xe Jeep sát mép sông chỉ trỏ với vẻ tức giận. Nhưng cũng may điều rủi ro nhất đã không xảy ra với bất cứ ai trong đoàn làm phim. Sau này, địch có phản đối với ta trong cuộc họp giữa 2 bên nhưng không dám làm to chuyện bởi không muốn sự việc bị đoàn làm phim “xỏ mũi” lan truyền. Cuối cùng sau gần 7 tháng quay, bộ phim đã hoàn thành và tất cả đều thở phào vì vượt qua lằn ranh sống còn vào phút chót!