Trên hành trình đến với những mảnh đất anh hùng

ANTD.VN - Từ Vũng Chùa - Đảo Yến linh thiêng, nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dọc con đường Trường Sơn huyền thoại với những địa danh như Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Quốc gia đường 9, Thành cổ Quảng Trị, Ngã Ba Đồng Lộc... đều ghi dấu bước chân của các cán bộ chiến sỹ Công an huyện Thạch Thất (Hà Nội) trên hành trình về nguồn tri ân các anh hùng liệt sĩ. Khắc ghi công ơn và tự hào truyền thống của cha, anh, cán bộ chiến sỹ Công an huyện Thạch Thất, nguyện tiếp bước tiếp cha, anh góp phần dựng xây quê hương, đất nước ngày càng phát triển.

Trời vừa rạng sáng, chiếc xe ô tô chở các chỉ huy và cán bộ, chiến sỹ CAH Thạch Thất đã lên đường hành trình về nguồn. Trên khuôn mặt của mỗi cán bộ, chiến sĩ dường như ai cũng mong muốn nhanh chóng được tận mắt thấy những mảnh đất một thời mưa bom, bão đạn và đâu đó có cả đôi mắt mong ngóng được gặp phần mộ người thân.

Tâm trạng, cảm xúc cứ đan xen và lòng tự hào về dân tộc khiến cả đoàn cứ ngân vang mãi những khúc ca Trường Sơn. Tiếng hát trên chiếc xe ô tô đưa đoàn về với “miền đất lửa”. 

Trên hành trình đến với những mảnh đất anh hùng ảnh 1Thượng tá Trần Khải Hoàn, Trưởng CAH Thạch Thất tặng quà lưu niệm Ban quản lý di tích Thành cổ Quảng Trị

Về “miền đất lửa”

Những ngày tháng 7 này, 71 cán bộ, chiến sỹ (CBCS) CAH Thạch Thất chia làm 2 đoàn về nguồn để tri ân các Anh hùng liệt sĩ. “Đây là những CBCS đã được chọn lọc, có thành tích xuất sắc trong những năm qua, đều là chiến sỹ thi đua trở lên. Bên cạnh đó, còn có những đồng chí đã đóng góp những sáng kiến hay, mô hình mới trong công tác giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương. 

Đây là hành trình vô cùng ý nghĩa, giúp cho mỗi cán bộ, chiến sỹ tham gia hoạt động này hiểu hơn về truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc ta trong công cuộc giải phóng dân tộc, cũng như sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự của lực lượng Công an nhân dân”, Thượng tá Trần Duy Ba, Phó trưởng CAH Thạch Thất cho biết.

Sau khi viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ở Vũng Chùa - Đảo Yến (Quảng Bình) đoàn công tác đã đến miền đất Quảng Trị với những câu chuyện trở thành huyền thoại trong chiến tranh chống Mỹ. 

Quảng Trị là dải đất miền Trung với cát trắng trải dài, mùa nắng có cơn gió Lào hanh hao, cháy da rát thịt. Da chưa hết đỏ đã tới mùa mưa, chưa kịp làm gì thì lại gồng mình đón lũ. Đây còn là địa danh lịch sử với cây cầu dài chưa tới 200 mét mà cả dân tộc phải đi ròng rã trong suốt 21 năm dài, bằng máu, bằng nước mắt, bằng cả tuổi thanh xuân. Quảng Trị cũng là quê hương vĩnh viễn của hàng nghìn người con khắp mọi miền Tổ quốc đã anh dũng hi sinh vì đất nước.

Hôm nay, những cán bộ chiến sỹ đại diện cho lực lượng Công an Thạch Thất đã tự hào trở về đây để thắp những nén hương tưởng nhớ công lao to lớn của Bác Hồ cũng như các anh hùng liệt sỹ. Đó là những người con đến thăm ông, thăm cha, thăm chú, thăm bác...

Trên hành trình đến với những mảnh đất anh hùng ảnh 2Các chiến sỹ CAH Thạch Thất viếng mộ các Anh hùng liệt sỹ ở Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn

Cuộc gặp gỡ sau 47 năm

Tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, dâng nén hương thơm lên bác mình là liệt sỹ Nguyễn Bá Trì, hy sinh 4-2-1972, nguyên quán xã Võng Xuyên, Phúc Thọ, Hà Nội, Thiếu tá Nguyễn Thị Phương, cán bộ Đội CSGT Trật tự, CAH Thạch Thất không giấu được cảm xúc. Tiếng khóc của chị nấc nghẹn từng cơn, bởi chị là người đầu tiên trong gia đình tìm được đến và viếng mộ. 

 “Trong nhà, tôi là người đầu tiên về đến đây và tìm thấy. 47 năm qua từ ngày bác tôi hy sinh, gia đình tôi cũng đã đi tìm nhiều lần nhưng không thấy”, Thiếu tá Nguyễn Thị Phương nghẹn ngào nói. 

Liệt sỹ Nguyễn Bá Trì hy sinh khi mới vừa tròn 19 tuổi. Cái tuổi đang đẹp nhất, thanh xuân nhất, khi mà liệt sỹ vẫn chưa có người yêu, chưa lập gia đình. 

“Đến năm 2018 thì gia đình mới biết có danh sách ở Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn qua các kênh thông tin báo chí. Đồng đội đi cùng kể chỗ bác hy sinh là một hầm ở trong rừng, lúc đó, cũng có nhiều bội đội ta ở đấy, tất cả đều hy sinh tại hầm. Gia đình định đi vào nhưng nghĩ là hầm mộ tập thể thì nghĩ thì chưa xác định được thông tin, nên gia đình khó có thể tìm được. May đợt này, Ban chỉ huy đơn vị tổ chức hành trình về nguồn đã tạo điều kiện cho tôi đến tận Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn để tìm mộ liệt sỹ”, Thiếu tá Nguyễn Thị Phương xúc động kể lại. 

Đồng chí Phương chỉ là một trường hợp trong đoàn. Trong số các chiến sỹ về nguồn lần này có nhiều chiến sỹ có người thân là liệt sỹ, cũng có người đã tìm được hài cốt, có người vẫn chưa tìm được. Đặc biệt trong số đó là đồng chí Thượng tá Trần Khải Hoàn có mẹ là liệt sỹ Lê Thị Chín, sinh năm 1935. Liệt sỹ Lê Thị Chín hy sinh 16-9-1976, nhưng phải mất một thời gian rất dài nỗ lực, đến năm 2008, gia đình Thượng tá Trần Khải Hoàn mới có thể thực hiện được tâm nguyện đón di hài của liệt sỹ Lê Thị Chín về quê chôn cất.

Đứng trước những nấm mộ của các Anh hùng liệt sỹ, Thượng tá Trần Khải Hoàn như trầm xuống, bởi lẽ người chỉ huy này thấu hiểu được nỗi đau thương, mất mát của những người có thân nhân là liệt sỹ. “Từng nỗi đau cào xé của những người mẹ Việt Nam Anh hùng mất con, hay những ngày dài như vô tận của thân nhân các Anh hùng liệt sỹ đi khắp nơi tìm mộ người thân...tôi hiểu được những nỗi đau đó và mong rằng chuyến đi này sẽ giúp một số cán bộ của đơn vị sẽ tìm được mộ người thân, đồng thời giúp rèn luyện cho CBCS sẽ tiếp bước thêm những thế hệ những cha anh đi trước đã dày công vun đắp và tô thắm cho những thành tích vẻ vang của dân tộc, từ đó  có thêm tinh thần, tích cực hơn trong công tác chuyên môn, góp phần bảo vệ Tổ quốc, dựng xây quê hương”, Trưởng CAH Thạch Thất chia sẻ ý nghĩa thiêng liêng của chuyến đi này.

Trên hành trình đến với những mảnh đất anh hùng ảnh 3Đoàn cán bộ chiến sỹ CAH Thạch Thất tại Nghĩa trang Quốc gia đường 9

Mong ước không có người lính hy sinh giữa thời bình

Nằm giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ là Nghĩa trang Quốc gia đường 9, cũng là nơi an nghỉ của hàng nghìn liệt sĩ trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Các anh, các chị là những người con ưu tú nhất, đã hiến dâng trọn vẹn tuổi thanh xuân, xương máu của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Sau 9 hồi chuông thỉnh nguyện, đoàn đại biểu Công an huyện Thạch Thất, Hà Nội đã thành kính dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ ở đây. Đàn bồ câu trắng tung bay bên tượng đài Tổ quốc ghi công mang theo ước vọng hòa bình. 

Thắp nén tâm hương đến từng ngôi mộ, Trung tá Phạm Hồng Quân, Đội trưởng, Đội CSHS CAH Thạch Thất, Hà Nội chia sẻ cảm xúc của mình: “Tôi thấy mình thật nhỏ bé. Ở đây có bao nhiêu ngôi mộ, bao nhiêu nấm mồ chưa xác định được thông tin chưa được trở về với mảnh đất quê hương. Nhiều anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống mảnh đất này mà ngày nay chúng ta chưa tìm hết được họ, tên. Cảm xúc thật khó tả, chỉ biết thật tự hào”.

Là lực lượng chiến đấu đặc thù, đối diện một cuộc chiến giữa thời bình với mọi loại tội phạm, nhưng Đội trưởng Đội CSHS CAH Thạch Thất vẫn cảm thấy mình nhỏ nhoi trước sự hy sinh của các Anh hùng liệt sỹ. “Trong lực lượng cảnh sát chúng tôi cũng có không ít các đồng chí, đồng đội tôi hy sinh trong khi đấu tranh với tội phạm. Đó là những liệt sỹ giữa thời bình. Biết rằng sự so sánh là khập khiễng nhưng với tôi, những liệt sỹ thời chiến và thời bình chính là niềm vinh quang, niềm tự hào để chúng tôi, những người lính hình sự cần phải noi theo tinh thần chiến đấu của những liệt sỹ ấy, nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa để làm sao không còn máu đổ giữa thời bình, người dân được sống trong yên bình”, Trung tá Phạm Hồng Quân chia sẻ.

Trên hành trình đến với những mảnh đất anh hùng ảnh 4Đoàn đến viếng khu mộ Liệt sỹ Thành phố Hà Nội tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn

Nghẹn lời trước mảnh đất đau thương

Bước chân đến khu Thành cổ Quảng Trị là một màu xanh mướt. Một màu xanh trải rộng đến nao lòng khiến đoàn công tác Công an huyện Thạch Thất như nghẹn lời trước mảnh đất đau thương mà cũng rất đỗi kiêu hùng này.

Ngắm khung cảnh đất trời bao la, giữa cái gió vờn nắng tỏa, thật khó có thể hình dung nơi đây đã từng diễn ra trận chiến đấu quyết liệt kéo dài suốt 81 ngày đêm, hứng chịu hơn 300 nghìn tấn bom do giặc Mỹ ném dội. Hàng vạn người lính đã anh dũng hy sinh, nằm lại mãi mãi nơi này.

Dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ, cán bộ, chiến sỹ CAH Thạch Thất bước nhẹ trên từng vạt cỏ, bởi nơi ấy có xương máu thân thể của những người lính đã ngã xuống. Thật xúc động, khi cả đoàn vào thăm khu di tích thành cổ Quảng Trị được đọc một bức thư. Bức thư đã khiến nhiều người rơi lệ. Bức thư đó là của một người lính đã hy sinh được anh viết trước khi mất 3 tháng giữa những ngày bom đạn khốc liệt nhất ở Quảng Trị. Anh là liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, ở xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

“Những liệt sĩ đã quên mình vì Tổ quốc, thân xác các anh, các chị có thể mất đi nhưng linh hồn và khát vọng thì không bao giờ mất; không chỉ ở trong những nghĩa trang này mà ở bất cứ đâu, trong những cánh rừng đại ngàn, dưới những dòng sông hoặc trên những cánh đồng, các anh vẫn tồn tại, được lưu nhớ và biết ơn trong vùng ký ức những người còn sống.”, Thượng tá Trần Khải Hoàn xúc động nói.

Trên hành trình đến với những mảnh đất anh hùng ảnh 5Thành cổ Quảng Trị - nơi lưu dấu sự tri ân, lòng tự hào 

Hy sinh tuổi xuân đổi lấy bình yên

Đúng ngày 27-7, Đoàn đã đến viếng những Anh hùng liệt sỹ tại Ngã ba Đồng Lộc. Tại đây, những thành viên trong đoàn đã không kiềm chế được cảm xúc sau khi được nghe kể lại về sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong. Và hơn hết, đằng sau đó là ý nghĩa thiết thực mà chuyến đi mang lại cho những thành viên trong đoàn.

Trước anh linh của 10 nữ Anh hùng thanh niên xung phong và  4000 Anh hùng Liệt sĩ đã nằm lại trên mảnh đất Hà Tĩnh, Đoàn công tác tri ân dâng hoa, thắp nén hương thơm, kính cẩn nghiêng mình bày tỏ lòng biết sơn sâu thẳm đối với những Anh hùng đã không tiếc máu xương vì nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. 

Trong những năm chống Mỹ cứu nước, đây là một trọng điểm hết sức ác liệt, hố bom chồng lên hố bom, không còn một cành cây, ngọn cỏ. Trọng điểm này nằm trên tuyến đường vận tải Trường Sơn, theo quốc lộ 15B trục Bắc- Nam. Và để bảo đảm giao thông được thông suốt,  hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân đội và thanh niên xung phong đã làm nhiệm vụ san lấp hố bom, thông đường cho những chuyến xe quân sự lăn bánh vào Nam. Chiều ngày 24-7-1968, 10 cô gái Tiểu đội thanh niên xung phong đã hy sinh tại chính nơi này.

Nghẹn ngào trong tiếng nấc cùng những giọt nước mắt lăn dài từ lúc nào không hay của những người sống trong thời bình hòa lẫn niềm tiếc thương cho những anh hùng đã hy sinh tuổi xuân xanh vì sự bình yên của quê hương, đất nước.

Trên hành trình đến với những mảnh đất anh hùng ảnh 6Thượng tá Trần Khải Hoàn, Trưởng CAH Thạch Thất, thỉnh 9 hồi chuông tri ân đến các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Quốc gia Đường 9

“Các chị còn quá trẻ và tuổi xuân phơi phới, sống trong thời bình được thừa hưởng thành quả mà các anh, các chị đã cống hiến hy sinh, chúng tôi càng phải biết trân trọng hơn và càng phải có trách nhiệm hơn nữa để xứng đáng với sự hy sinh của các anh hùng”, Đại uý Nguyễn Anh Tú, Đội phó Đội CSGT CAH Thạch Thất chia sẻ.

Ánh nắng chiều buông xuống trên những ngôi mộ đầy hoa cúc trắng. Ai đó tặng các chị những quả bồ kết thơm. Đoàn tiếp tục cuộc hành trình tri ân, mang theo nhiều cảm xúc và những lời hứa, lời hứa của những người trẻ khi được sống trong màu xanh hòa bình, viết tiếp bản trường ca của những Anh hùng Liệt sĩ đã viết năm xưa, để thấy: "Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt/  Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/ Ôi Tổ quốc nếu ta cần chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi con sông".

Kết thúc hành trình trong xúc động, nhưng đối với Đoàn công tác, mỗi địa danh đi qua dù có khác nhau về vị trí, khoảng cách địa lý, song tất cả đều có một điểm chung, đó là những câu chuyện về thiên anh hùng ca về tình yêu Tổ quốc cháy bỏng.

Máu đào của các anh, các chị đã đổ xuống cho lá cờ đỏ sao vàng của dân tộc thêm chói lọi ngàn đời, để hôm nay, những người con được sinh ra trong thời bình sẽ tiếp bước cha, anh trên trận tuyến bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn cuộc sống bình yên của nhân dân.