Trên 96% doanh nghiệp Việt Nam đăng ký nộp thuế điện tử

ANTD.VN - Ngày 24-11-2016, tại Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Báo điện tử VnExpress và Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF) 2016.

Tham dự Diễn đàn VEPF 2016 có các đại diện Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải và đại diện các Vụ, Cục chức năng của các bộ, ngành; các diễn giả trong nước và quốc tế; các hiệp hội và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng tài chính, giao thông, bán lẻ, thương mại điện tử, công nghệ thông tin và các cơ quan thông tấn báo chí.

Phát biểu chỉ đạo tại VEPF 2016, đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh sự cần thiết phải phối hợp và kết nối tất cả các bộ, ngành, đơn vị liên quan liên quan để đưa ra những chính sách cụ thể nhằm giảm thanh toán tiền mặt, tạo sức ép cũng như cơ chế khuyến khích thúc đẩy thanh toán điện tử, trực tiếp đóng góp vào tăng trưởng GDP của quốc gia.

“Thời gian qua những cam kết liên Bộ tại diễn đàn cũng đã được thực hiện nghiêm túc. Đến nay đã có trên 96% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử. Về phía Nhà nước đã có nhiều chương trình, dự án được phê duyệt để thúc đẩy dịch vụ thanh toán điện tử. Gần đây, Thủ tướng chính phủ đã ký phê duyệt Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho nền kinh tế (Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 5-9-2016). Rất nhiều ứng dụng qua mạng đã được triển khai, đưa đến người dân” - Phó Thủ tướng cho biết.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại  VEPF 2016

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết bên cạnh đó vẫn còn nhiều vướng mắc cần khắc phục và cải thiện. “Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử từ nay đến 2020. Mặc dù kết quả thực hiện vẫn còn khiêm tốn nhưng được cộng đồng quốc tế đánh giá có bước tiến. Nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế là việc triển khai hiện vẫn còn nhiều hạn chế khi tiếp cận với người dân, do chưa có giải pháp thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dân. Hiện nay có khoảng 125.000 dịch vụ công mà Chính phủ và các cơ quan công quyền phải cung cấp cho người dân nhưng đến lúc này mới có chưa đầy 1.200 dịch vụ được cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 (có sử dụng thanh toán điện tử), tức là chưa tới 1%. Đây là một con số rất đáng suy ngẫm” - Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó thủ tướng, năm nay diễn đàn lựa chọn lĩnh vực giao thông và tiếp tục thúc đẩy các dịch vụ thuế được xem là những lĩnh vực trọng điểm và được kỳ vọng sẽ có những giải pháp cụ thể, khả thi để phát triển thanh toán điện tử nói chung và trong thanh toán ngân hàng nói riêng ngày càng phát triển.

Đánh giá kết quả sau 1 năm triển khai Thoả thuận liên Bộ Tài chính - Công Thương - Ngân hàng Nhà nước tại VEPF 2015, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai và hoàn thiện hạ tầng thanh toán điện tử quốc gia; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan thông qua việc ký kết các thỏa thuận liên bộ để xây dựng các cơ chế, chính sách, chương trình thúc đẩy thanh toán điện tử trong bán lẻ và thương mại điện tử; triển khai hiệu quả dịch vụ thuế điện tử và đưa ra các giải pháp tích hợp thanh toán điện tử trong dịch vụ công trực tuyến; hướng tới mục tiêu mọi đối tượng trong xã hội có thể tiếp cận dễ dàng các dịch vụ ngân hàng một cách an toàn và bền vững.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng, thế giới đang chứng kiến cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư khi công nghệ thông tin và viễn thông đóng vai trò quan trọng. Cùng với sự phát triển thanh toán điện tử những năm gần đây, làn sóng Fintech đã xuất hiện, hình thành nên các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ thông tin.

“Nhìn nhận về các cơ hội và thách thức Fintech mang lại với ngành tài chính ngân hàng nói riêng và đời sống kinh tế xã hội nói chung đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Đi theo trào lưu công nghệ mới cũng xuất hiện những  rủi ro, gian lận tiềm ẩn đối với cả ngân hàng và khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ. Do vậy, chúng ta cũng cần tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán điện tử nói riêng” - ông Nguyễn Kim Anh nói.

Trong khuôn khổ VEPF 2016, đối với lĩnh vực giao thông, đại diện Bộ Giao thông vận tải đã có báo cáo về việc triển khai thu phí tự động không dừng trên các tuyến quốc lộ. Trong bối cảnh công nghệ thông tin và viễn thông ngày càng phát triển, việc triển khai thu phí giao thông không dừng và thẻ thanh toán thông minh, cũng như việc nghiên cứu khả năng liên thông thanh toán trong giao thông với các dịch vụ thanh toán khác sẽ tạo thuận lợi cho người dân. Sự tham gia của ngành ngân hàng trong những giai đoạn triển khai đầu tiên gợi mở chuẩn công nghệ cho giải pháp thanh toán điện tử lĩnh vực công có thể liên thông với các dịch vụ công cộng khác nhằm tránh lãng phí cho xã hội.

Diễn đàn VEPF 2016 cũng tập trung trao đổi, thảo luận thực trạng cũng như gợi mở các giải pháp khuyến khích thử nghiệm các thành tựu ứng dụng Fintech có lợi trên thế giới tại Việt Nam; xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ quan hệ hợp tác, cộng sinh hiệu quả giữa Fintech và ngân hàng, tiếp theo là chứng khoán và bảo hiểm, nhằm thúc đẩy sự năng động của thị trường thanh toán Việt Nam.

Diễn đàn VEPF 2016 đang tiếp tục diễn ra đến 17h chiều nay.