Trẻ suy dinh dưỡng vì cha mẹ thiếu hiểu biết

ANTĐ - Đời sống kinh tế, vật chất ngày càng khá giả nên các bậc phụ huynh cũng có nhiều điều kiện hơn để đầu tư, nuôi nấng con cái khỏe mạnh. Tuy nhiên do thiếu kiến thức, hiểu biết không đầy đủ nên vẫn còn đến hơn 50% trẻ em Việt Nam bị thiếu các vi chất cần thiết…

Cần có chế độ ăn phù hợp để cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ,
không nên quá chú trọng vào sữa ngoại

1/4 trẻ dưới 5 tuổi bị thấp còi

Viện Dinh dưỡng Quốc gia mới đây công bố một kết quả khảo sát về tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của trẻ lứa tuổi mầm non và tiểu học tại Hà Nội, Hà Nam, Huế, Quảng Bình, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre. Kết quả cho thấy, hơn 50% trẻ em thiếu các dưỡng chất thiết yếu như vitamin A, B1, C, D và sắt trong chế độ ăn hàng ngày. Khảo sát trên toàn quốc cũng cho thấy tình trạng thiếu kết hợp nhiều vi chất ở trẻ trước tuổi đi học diễn ra khá phổ biến. Có đến gần 87% thiếu kẽm và gần 52% trẻ thiếu mangan.

TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, nhiều trẻ nhỏ người, trán dô, xương sườn nhô ra, nhưng vẫn nhanh nhẹn, cha mẹ nghĩ con hoàn toàn bình thường mà không biết những trẻ đó bị thiếu vitamin D. Điều này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển hệ xương, khiến trẻ dễ bị suy dinh dưỡng thấp còi. 

PGS.TS Lê Danh Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết thêm, mặc dù hiện nay tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi tại Việt Nam đã giảm, song vẫn còn chiếm tỷ lệ đến 26,7%. Có nghĩa, cứ 4 trẻ em thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi, tỷ lệ này trước đây là 1/3. Việc thiếu các vi chất dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ mà còn dẫn đến suy giảm trí tuệ, thậm chí tử vong. Theo TS. Lê Danh Tuyên, vấn đề thiếu hụt về vi chất dinh dưỡng ở trẻ em nghiêm trọng nhất là tình trạng thiếu vitamin A, sắt, iốt. 

Chẳng hạn, hiện có 14,2% trẻ em dưới 5 tuổi thiếu Vitamin A trong huyết thanh, đe dọa đến sự phát triển và có thể gây mù mắt. Theo tính toán, thiếu vitamin A có thể làm tăng tỷ lệ tử vong trẻ nhỏ lên 23%, tương đương mỗi năm cả nước vẫn có khoảng 1.500 trẻ tử vong do nguyên nhân có liên quan đến thiếu vi chất này. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị thiếu máu do thiếu sắt ở nước ta khá cao, khoảng 34%. Thiếu máu làm tăng tỷ lệ chết sơ sinh lên 20%, làm giảm chỉ số thông minh ở trẻ nhỏ và làm giảm 2,5% năng suất lao động khi trẻ đến tuổi trưởng thành.

Gần 50% chưa biết cách cho con ăn dặm

Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo đề xuất chính sách hỗ trợ các bà mẹ lựa chọn dinh dưỡng bổ sung tốt và phù hợp nhất cho trẻ nhỏ tại Việt Nam do Viện nghiên cứu gia đình và giới phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức sáng 27-5. ThS. Hà Thị Khương, Viện Nghiên cứu gia đình và giới cho biết, từ tháng thứ 6 trở đi, trẻ cần được cho ăn bổ sung (ăn dặm) vì ở giai đoạn này trẻ phát triển nhanh, nhu cầu dinh dưỡng đòi hỏi cao hơn. Tuy nhiên tại nước ta hiện chỉ có 53% trẻ được nuôi bổ sung đúng, đủ, 47% các bà mẹ còn lại chưa biết cách cho con ăn dặm đúng khuyến cáo. 

Đáng chú ý, nghiên cứu của Viện nghiên cứu Gia đình và giới còn chỉ ra một thực trạng đáng lo ngại là tỷ lệ bà mẹ cho con ăn dặm đúng cách ở khu vực thành thị lại thấp hơn ở khu vực nông thôn. Thời điểm cho trẻ ăn dặm sớm (trước 5 tháng tuổi) của các bà mẹ ở thành thị cao hơn so với ở nông thôn. Ngược lại, vẫn còn 4% đến tháng thứ 10 mới bắt đầu cho con ăn dặm.

Theo lý giải của PGS.TS Nguyễn Hữu Minh, Giám đốc Viện Gia đình và Giới, nguyên nhân của tình trạng này có thể là ở do các bà mẹ ở thành phố thường chú trọng nhiều vào lựa chọn sữa công thức cho trẻ ăn dặm. Tuy nhiên, điều này không đảm bảo được sự đa dạng và tính cân đối trong khẩu phần ăn bổ sung cho trẻ, bởi chế độ ăn dặm phù hợp nhất cho sự phát triển toàn diện của bé cần đủ 4 nhóm chất là: bột đường, đạm, chất xơ, vitamin và khoáng chất.