Trẻ sơ sinh chết ở bệnh viện, trách nhiệm của ai và khiếu kiện ở đâu?

ANTĐ - Trẻ sơ sinh chết. Vấn đề hiện nay cần xác định trách nhiệm của Bệnh viện V đến đâu? Trách nhiệm có hai phần, phần chuyên môn và thái độ của bệnh viện với người bệnh, nói theo ngôn ngữ thông thường là y đức. 

Minh họa Internet

Nội dung vụ án

Chị M.C (Q.2 TP Hồ Chí Minh) đăng ký theo dõi toàn bộ thai kỳ tại Bệnh viện V Q.7 TP HCM. Chị M.C có thẻ khám thai thường xuyên và được bác sĩ H. khám từ đầu thai kỳ và luôn tuân thủ hướng dẫn của BS H. Vào khoảng 4h sáng ngày 3-11, chị M.C đau bụng có dấu hiệu sinh, gia đình khẩn cấp đưa chị đến Bệnh viện V. Theo biên bản họp giữa gia đình và Bệnh viện V cùng ghi nhận diễn biến mọi việc như sau: Bệnh nhân nhập viện lúc 4h30 sáng, được nữ hộ sinh đưa lên phòng chờ sinh và Bệnh viện V xác định lúc đó không có bác sĩ trực. Chỉ có nữ hộ sinh khám thai và xác định thai khỏe, tim thai bình thường, chuyển điều trị nội trú theo dõi. Đến 9h45 phút sáng, một bác sĩ mới đến bệnh viện và khám cho sản phụ C. Bác sĩ xác định: tim thai bình thường, cổ tử cung mở 1cm, chưa vỡ ối, các cơn đau nhẹ và thưa. Vị bác sĩ này giải thích với gia đình là chưa sinh ngay, có thể chiều, mai hoặc vài ngày nữa mới sinh. Gia đình có thể ở lại bệnh viện hoặc về nhà thì tùy. Tuy nhiên nếu có dấu hiệu sinh thì phải quay lại viện ngay. Gia đình gọi điện cho bác sĩ H. người theo dõi suốt thai kỳ cho sản phụ C. Bác sĩ H. nói rõ: Bệnh viện không có bác sĩ sản trực hôm đó. Ở lại cũng vô ích. Về đi, khi nào đau bụng hãy vào viện. Đến 11h, gia đình cho sản phụ ra viện. 

Đến 20h cùng ngày, sản phụ C đau bụng dữ dội. Gia đình lại đưa chị C vào bệnh viện. Theo máy ghi hình của bệnh viện xác định: lúc 21h 26 phút sản phụ C được đưa lên phòng sinh. Không có bác sĩ thăm khám cho sản phụ, 22h10 ba bác sĩ mới có mặt tại phòng sinh và xác định thai nhi đã tử vong trong tử cung. Ngay sau đó sản phụ C sinh, cháu gái nặng 3,2 kg nhưng đã chết. Biên bản ghi rõ: Cháu gái tím đen, người tẩm đầy phân su, cuống rốn teo nhỏ, nước ối đặc sệt, nhiều phân su. Bác sĩ hồi sức cháu bé sau khi cắt rốn, không thành công. Các chi tiết nêu trên là chính xác bởi có biên bản xác nhận sự việc của hai bên gia đình và bệnh viện cùng ký hồi 2h55 phút sáng 4-11.

Chiều ngày 14-11 bệnh viện V đã tổ chức họp hội đồng chuyên môn để xem xét hồ sơ bệnh án. Kết luận của cuộc họp này đã được trích gửi cho gia đình sản phụ C trong đó ghi rõ Bệnh viện V đã thực hiện quy trình tiếp đón sản phụ, xử lý chuyên môn “phù hợp”, bác sĩ không có mặt là do bận, thai nhi tử vong có thể do tai biến bong nhau non và có thể đã chết từ 2-6h trước khi sinh. Trong các biên bản sau, Bệnh viện V chia buồn với gia đình và rất lấy làm tiếc là trong quá trình tiếp đón sản phụ và xử lý giai đoạn đầu với sản phụ không có bác sĩ để “an ủi bệnh nhân và gia đình”. Một phần bánh nhau đã được Bệnh viện V gửi sang Thái Lan để xác định nguyên nhân tử vong thai nhi. Đến nay chưa có kết quả chính thức về nguyên nhân tử vong của trẻ sơ sinh.

Gia đình sản phụ C hỏi: Gia đình có thể yêu cầu Bệnh viện V chịu trách nhiệm về cái chết của trẻ sơ sinh không? Nếu kiện thì kiện ở đâu?

Ý kiến bạn đọc 

Bệnh viện phải có trách nhiệm

Tôi chưa biết khẳng định của Bệnh viện V là đã thực hiện quy trình tiếp đón sản phụ, xử lý chuyên môn “phù hợp” với nghĩa là phù hợp với cái gì: quy trình xử lý tai biến sản khoa của Bộ Y tế hay theo quy định riêng của Bệnh viện V? Tuy nhiên việc không có bác sĩ trực với bất kỳ lý do gì trong một ca tai biến sản khoa dẫn đến tử vong trẻ sơ sinh, bệnh viện phải có trách nhiệm. Chưa cần tính đến nguyên nhân tử vong, bởi nguyên nhân này phải được khẳng định bởi Hội đồng kiểm thảo tử vong với những chứng cứ khoa học, nhưng về mặt quy trình tiếp đón và xử lý tai biến, Bệnh viện V đã sai, do vậy phải chịu một phần, hoặc toàn bộ trách nhiệm tùy thuộc kết luận chính thức về nguyên nhân tử vong trẻ sơ sinh. Nếu tai biến xảy ra trong khoảng thời gian từ 21h26 phút đến 22h10 phút lúc không có bác sĩ tại bệnh viện thì bệnh viện phải chịu trách nhiệm, bởi vì bệnh viện đã không thực hiện đúng phác đồ cấp cứu tai biến sản khoa của Bộ Y tế. Nếu xác định trẻ sơ sinh chết lưu từ trước khi vào viện, bệnh viện cũng phải chịu một phần trách nhiệm vì không có bác sĩ trực cấp cứu, khác với quảng cáo là một bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế với mức viện phí trên trời. Gia đình có thể khởi kiện trước tòa án dân sự để yêu cầu Bệnh viện V chịu trách nhiệm dân sự về vụ việc này.

(Chị Nguyễn Thị Hiền, Đường 3-2 Q3 TP. HCM)


Bình luận của luật sư

Qua các tài liệu, đã xác định đây là tai biến sản khoa có hậu quả nghiêm trọng. Trẻ sơ sinh chết. Vấn đề hiện nay cần xác định trách nhiệm của Bệnh viện V đến đâu? Trách nhiệm có hai phần, phần chuyên môn và thái độ của bệnh viện với người bệnh, nói theo ngôn ngữ thông thường là y đức. Về chuyên môn, để xác định trẻ tử vong là do bệnh viện không cấp cứu kịp thời là chưa có cơ sở vì cần phải xác định chính xác nguyên nhân tử vong, dựng lại thời gian và diễn biến của tai biến mới kết luận được. Nếu trẻ tử vong trước khi vào viện, tử vong do bất khả kháng, trách nhiệm chuyên môn của bệnh viện là không đáng kể. Dẫu có sai sót trong quá trình tiếp đón và xử lý tai biến nhưng sai sót này không dẫn đến tử vong cho trẻ và nguy hiểm cho sản phụ. Nhưng nếu tai biến xảy ra và có hậu quả nghiêm trọng do cấp cứu không kịp thời, không có bác sĩ, không áp dụng phác đồ cấp cứu theo quy định thì trách nhiệm của bệnh viện sẽ rất lớn, vi phạm Điều 242 (BLHS). Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác  

Vì vậy cần sớm có kết luận của các cơ quan có trách nhiệm về nguyên nhân tử vong của trẻ sơ sinh. Việc không bố trí bác sĩ trực sản khoa trong đêm 2-11 và rạng sáng ngày 3-11 là sai về y đức và các quy định của Bộ Y tế. Không có bác sĩ tiếp và xử lý tai biến tối ngày 3-11 là sai sót nghiêm trọng về y đức, sai với các quy định về xử lý tai biến sản khoa của Bộ Y tế.

Bệnh viện V là bệnh viện đủ tiêu chuẩn quốc tế, thu viện phí cao nhưng để tình trạng không có bác sĩ trực cấp cứu sản khoa, không cấp cứu tai biến kịp thời là sai sót lớn, chứng tỏ Bệnh viện V quảng cáo quá khả năng của mình, có dấu hiệu của tội quảng cáo gian dối theo điều 168 Bộ luật Hình sự.

Gia đình bệnh nhân cần hợp tác với Bệnh viện V để sớm có kết luận về nguyên nhân tử vong của trẻ sơ sinh. Sau khi có kết luận, gia đình bệnh nhân có thể tố cáo với cơ quan điều tra về hành vi vi phạm các quy định về khám chữa bệnh gây hậu quả nghiêm trọng của Bệnh viện V hoặc khởi kiện tại tòa án dân sự để yêu cầu Bệnh viện V chịu trách nhiệm dân sự về những thiệt hại của gia đình, Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư Hà Nội)