Trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS sẽ được miễn học phí theo lộ trình

ANTD.VN - Theo quy định mới trong Luật Giáo dục (sửa đổi), ngoài các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì trẻ em mầm non 5 tuổi thuộc các địa bàn còn lại và học sinh THCS sẽ được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định.

Luật giáo dục (sửa đổi) được Quốc hội biểu quyết thông qua sáng 14-6

Sáng nay, 14-6, với 85,54% ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua.

Một trong những nội dung được quan tâm tại Luật này là chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm và quy định về miễn học phí theo lộ trình đối với trẻ dưới 5 tuổi, học sinh THCS.

Theo đó, Luật giáo dục (sửa đổi) giao Chính phủ quy định cụ thể chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm. Có nghĩa, việc hoàn trả tiền hỗ trợ học phí cho sinh viên sư phạm sẽ được quy định ở văn bản dưới luật chứ không đưa vào trong Luật này.

Với quy định về lộ trình miễn học phí cho trẻ 5 tuổi, ở các phiên thảo luận trước đó về dự thảo Luật Giáo dục (Sửa đổi), nhiều ĐBQH yêu cầu làm rõ việc miễn học phí theo lộ trình đối với trẻ em 5 tuổi, học sinh THCS, trong đó có bao gồm học sinh trong trường tư thục, dân lập hay không?

Giải trình về vấn đề này trước khi các ĐBQH bấm nút thông qua luật, ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã quy định trẻ em mầm non 5 tuổi ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí.

Đối với trẻ em mầm non 5 tuổi thuộc các địa bàn còn lại và học sinh THCS, dự thảo Luật quy định “được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định”, tạo hành lang pháp lý để Chính phủ chủ động về lộ trình, đối tượng áp dụng bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế đất nước.

Ngoài ra, Luật giáo dục (sửa đổi) cũng không quy định thời gian cụ thể thực hiện nâng trình độ chuẩn đào tạo, tuyển mới giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật này, ông Phan Thanh Bình cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc kéo dài thời gian thực hiện lộ trình nâng chuẩn giáo viên đến năm 2030, làm rõ yêu cầu trình độ của giáo viên mầm non được tuyển mới trong quá trình thực hiện lộ trình nâng chuẩn.

“Để bảo đảm tính khả thi, linh hoạt, không làm xáo trộn, không gây áp lực và ảnh hưởng đến giáo viên, công tác tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục,dự thảo Luật không quy định thời gian cụ thể, giao Chính phủ thực hiện việc nâng trình độ chuẩn được đào tạo, tuyển mới giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông theo điều kiện kinh tế - xã hội phù hợp (Điều 72) và bảo đảm chính sách đối với đội ngũ giáo viên mầm non” - ông Phan Thanh Bình nói.