Trẻ lang thang trở thành… tội phạm: Cần giáo dục trẻ trước khi sa ngã

ANTĐ - Nhóm 6 đối tượng, gồm 5 nam - 1 nữ vừa bị CAQ Bắc Từ Liêm (Hà Nội) bắt khẩn cấp về hành vi cướp tài sản, có chung đặc điểm đều từ tỉnh ngoài về Hà Nội sống lang thang. Đối tượng ít tuổi nhất sinh năm 2000…

Những phận đời trôi dạt

Cầm đầu nhóm trẻ lang thang này là Trần Văn Thịnh, quê Tân Yên, Bắc Giang, có 2 tiền án, 2 tiền sự về tội trộm cắp tài sản. Thịnh đặt “đại bản doanh” di động ở gầm cầu Long Biên và khu vực bãi sông Hồng. Hàng ngày, chúng đi xe buýt từ chợ Long Biên đến địa bàn quận Bắc Từ Liêm, dùng dao khống chế, đe dọa cướp tài sản của sinh viên. 

Lang thang nhiều nên nhóm đối tượng này nắm được địa hình đoạn đường tắt từ Đại học Mỏ - Địa chất ra bến xe buýt Nam Thăng Long có đường tàu đi qua nên người dân chỉ có thể đi bộ. Lợi dụng đường vắng, chúng phục kích, dùng dao đe dọa hoặc tấn công những sinh viên đi bộ một mình. Từ ngày 25 đến 29-4, nhóm đối tượng này đã gây ra ít nhất 3 vụ cướp điện thoại di động, máy tính xách tay và tiền mặt của sinh viên.

Trẻ lang thang trở thành… tội phạm: Cần giáo dục trẻ trước khi sa ngã ảnh 1 Trẻ lang thang trở thành… tội phạm: Cần giáo dục trẻ trước khi sa ngã ảnh 2

Tang vật và nhóm cướp 6 đối tượng bị CAQ Bắc Từ Liêm bắt giữ

Chỉ huy Đội CSHS CAQ Bắc Từ Liêm cho biết, cả 6 đối tượng trong nhóm cướp tài sản đều có hoàn cảnh éo le, như bố mẹ bỏ nhau hoặc không có đầy đủ cha mẹ, bỏ nhà đi lang thang từ nhỏ. Như Nguyễn Văn Hùng (SN 1993), từ nhỏ đã theo bố lang thang, đi ăn xin trên địa bàn Hà Nội. Hùng khai mỗi ngày phải “nộp” cho bố 100.000 đồng. Năm 7 tuổi, Hùng không phải nộp tiền cho bố nữa, vì ông ta… bị đi tù do phạm tội cướp tài sản. Thằng bé dạt tới khu vực hồ Hoàn Kiếm, rồi gia nhập nhóm trẻ đường phố chuyên ăn xin, trộm cắp của khách du lịch. Năm 8 tuổi, Hùng bị cơ quan chức năng thu gom, chuyển Trung tâm bảo trợ xã hội. Năm 2014, Hùng trốn trung tâm, tới khu chợ Long Biên. 

Một đứa trẻ khác trong nhóm là Vương Văn Sơn, SN 1997, quê Hưng Yên. Sơn không biết chữ. Nhà có 4 anh em, cơm không đủ ăn, thường xuyên phải lĩnh những trận đòn của bố. Chán gia đình, năm 15 tuổi, Sơn cùng anh trai bỏ nhà về Hà Nội. Ban đầu Sơn lang thang ăn xin tại các bến xe rồi dạt đến chợ Long Biên. Nhỏ tuổi hơn Sơn là Đặng Thúy Quỳnh (SN 2000), cũng quê Hưng Yên. Quỳnh sinh ra đã không biết cha là ai. Mẹ bỏ đi làm ăn xa, con bé được bà ngoại chăm sóc. Học hết lớp 6, Quỳnh bỏ lên Hà Nội rồi nhập bọn với các đối tượng cùng hoàn cảnh. 

CQĐT đang xác minh sự liên quan của đối tượng thứ bảy trong nhóm cướp này, là Nguyễn Văn Linh, biệt danh “Tam Mao”. Linh từng có một chốn đi về ở huyện Lương Sơn, Hòa Bình. Nhưng nơi ấy lâu và xa lắm rồi. Nó đi bụi từ năm lên 7 tuổi, sau khi mẹ bỏ nhà sang Trung Quốc còn bố thụ án tù. Năm 2005, Linh bị đi trường giáo dưỡng vì trộm cắp sắt. Năm 2007, trở về nhà một người họ hàng, nó xách vữa thuê kiếm sống. Nhưng công việc không giữ chân được lâu, Linh về Hà Nội lang thang. Trong hồ sơ của đối tượng này, cơ quan công an xác định có tiền án 5 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Cuối năm 2014, ra tù, nó quay về khu chợ Long Biên mưu sinh. 


Cứu con trẻ thoát khỏi bi kịch

Tình trạng trẻ em từ tỉnh ngoài về Hà Nội sống lang thang, tụ với nhau sống “bầy đàn”, không nghề nghiệp, không người quản lý, con đường trở thành phạm tội rất khó tránh khỏi. 

Bọn chúng thường tụ tập, ăn ngủ ở các địa bàn công cộng như gầm cầu, công viên, vườn hoa, rồi tỏa đi để kiếm ăn, kiếm tiền bằng mọi cách. Và khi có tiền, chúng nướng vào các quán Internet, hoặc vào nhà nghỉ.

Trẻ lang thang trở thành… tội phạm: Cần giáo dục trẻ trước khi sa ngã ảnh 3

Hình xăm để luôn nhớ đến mẹ trên người một đối tượng vừa bị bắt 

Trung tá Kim Minh Đức - Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về ma túy CAQ Ba Đình, nguyên trưởng CAP Phúc Xá nhớ lại, một dạo, gầm cầu Long Biên hầu như ngày nào cũng có trẻ lang thang tá túc. Có đứa vào chợ Long Biên tìm việc làm thuê; cũng có đứa ngày ngủ, đêm lang thang phạm tội. CAP đã lên kế hoạch kiểm tra thường xuyên khu vực gầm cầu, lập hồ sơ xác minh hai chiều đối với các trường hợp không có giấy tờ tùy thân, và đưa vào diện quản lý những trường hợp trong diện nghi vấn hoạt động phạm tội. “Làm gắt gao, nhất là kéo sự vào cuộc của chính quyền cơ sở, hiện tượng trẻ lang thang tụ tập ở gầm cầu mới giảm. Và mừng nhất, thông tin về hoạt động phạm tội liên quan đến trẻ lang thang “xuất xứ” từ gầm cầu Long Biên cũng giảm đi”, Trung tá Đức chia sẻ.

Thế nhưng gầm cầu Long Biên và bãi giữa sông Hồng vẫn là điểm đến của trẻ em và người lớn lang thang. Đại úy Nguyễn Thanh Minh - Phó trưởng CAP Phúc Tân, Hoàn Kiếm cho biết, chưa có quy định nào xử lý… hành vi lang thang. Tiếp xúc thường xuyên với thành phần này, chỉ có lực lượng công an. Ngoài động viên đối tượng lang thang trở về quê quán, cơ quan chức năng rất khó xử lý nếu không phát hiện dấu hiệu phạm tội. Trong khi thực tế, địa bàn mà đối tượng lang thang tá túc lại không phải là nơi chúng gây án.

Những điểm đến khác của đối tượng lang thang là quán “nét”, nhà nghỉ. Thực tế cho thấy, công tác kiểm soát các cơ sở này ở nhiều nơi còn chưa chặt chẽ. Nhiều địa bàn, các quán “nét” hoạt động xuyên đêm là chuyện bình thường. Và đã rất nhiều ổ nhóm tội phạm đi gây án, tiêu tiền ở những quán “nét” này. Theo như Trung tá Nguyễn Thị Kim Thúy, Đội phó Đội CS QLHC về TTXH CAQ Bắc Từ Liêm nhìn nhận, bên cạnh một số nhà nghỉ cảnh giác trước nhóm khách là đối tượng trẻ, vẫn có nhà nghỉ vì lợi nhuận đã sẵn sàng tiếp nhận cho thuê phòng. Bất kể trường hợp bị phát hiện vi phạm về lưu trú, chủ nhà nghỉ, khách sạn sẽ đứng trước mức phạt lên đến gần 20 triệu đồng. 

Giúp trẻ em thoát khỏi bi kịch, tránh trở thành kẻ phạm tội là câu hỏi đã được đặt ra từ lâu. Nhưng trả lời câu hỏi ấy, không đơn giản là biện pháp tuần tra, kiểm soát hành chính của lực lượng công an, không đơn giản chỉ là bắt giữ xử lý khi có hành vi phạm tội. Thực tế chỉ ra rằng đang rất thiếu những biện pháp cụ thể của chính quyền địa phương trước hiện tượng trẻ lang thang, sống “bầy đàn”, ở ngay Hà Nội. Cũng đang thiếu cả sự phối hợp của chính quyền cơ sở, nơi những đứa trẻ sinh ra và ra đi. Và rất cần sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể xã hội để giáo dục, làm lành các vết thương tâm lý đối với những đứa trẻ có hoàn cảnh éo le, bất hạnh. Hãy giáo dục trẻ trước khi để chúng sa ngã.