Trẻ kém thông minh, thấp lùn vì dịch bệnh

ANTĐ - Trẻ bị các loại dịch bệnh như tiêu chảy, tả, thương hàn… có nguy cơ giảm sút rất lớn về chiều cao và chỉ số thông minh (IQ). Trong khi đó, rất nhiều loại dịch bệnh cha mẹ có thể phòng tránh được bằng các biện pháp như tiêm chủng, vệ sinh sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng…

Rửa tay bằng xà phòng giúp hạn chế dịch bệnh

Đây là khẳng định của các chuyên gia tại Hội thảo Dịch bệnh và nguy cơ ảnh hưởng đến chiều cao, chỉ số thông minh ở trẻ diễn ra mới đây tại Viện Dinh dưỡng. Thông tin mà PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng) đưa ra thì các nghiên cứu đã cho thấy trẻ bị các bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy, tả, thương hàn có thể mất 10 điểm IQ và 12 tháng học tập lúc 9 tuổi so với nhóm chứng. “Điều đáng lưu ý, sự suy giảm trí tuệ từ dịch bệnh đôi khi có thể là vĩnh viễn, đôi khi có thể khôi phục một phần hoặc toàn bộ khi phát triển sau này" - PGS Lâm khuyến cáo.

BS.TS Hà Vinh, Trưởng khoa Nhi B, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã dẫn ra một nghiên cứu tại Brazil cho biết, trung bình cứ 7 đợt tiêu chảy bé mắc phải trong 2 năm đầu đời liên quan tới sút giảm 3,6cm chiều cao khi bé đến 7 tuổi. Nếu trẻ có mắc giun sán trong thời gian đó, chiều cao sút giảm thêm 4,6cm nữa, tổng cộng có thể sút giảm tới 8,2cm chiều cao nếu vừa bị tiêu chảy vừa có giun sán trong người. Một nghiên cứu khác cũng nhận thấy ở trẻ bị tiêu chảy hoặc bị nhiễm ký sinh trùng Cryptosporidia đường ruột trong 2 năm đầu đời chức năng nhận thức bị suy giảm tỷ lệ nghịch với số lần tiêu chảy. Hơn nữa sau này các trẻ bắt đầu đi học trễ hơn khoảng 12 tháng so với các bạn khác không bị bệnh.

“Nguyên nhân là do khi bị nhiễm trùng đường ruột (có tiêu chảy hoặc không), trẻ có nguy cơ mất protein qua đường ruột, giảm hấp thu dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển. Việc tái phân bổ năng lượng vào việc chống bệnh cũng dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lượng nuôi dưỡng não” - BS Vinh giải thích. Cũng theo bác sỹ, dù được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ thì trẻ tiêu chảy nhiều lần cũng vẫn bị thấp còi hơn các trẻ khác. Điều này trái với quan niệm thông thường rằng những gì đã mất đi trong lúc trẻ bị tiêu chảy có thể phục hồi hoàn toàn sau khi hết bệnh. Thực tế có những tổn thương không thể phục hồi hoàn toàn như trước được.

Các chuyên gia khuyến cáo, bên cạnh vấn đề dinh dưỡng, để trẻ phát triển tối đa về chiều cao cũng như trí thông minh, cha mẹ cần có biện pháp phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng cho trẻ bằng cách chủng ngừa, ăn chín, uống sôi, và đặc biệt cần thực hành thường xuyên một đông tác đơn giản đó là rửa tay bằng xà phòng. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, 80% bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất hiện nay như tiêu chảy, tay chân miệng, thương hàn… đều liên quan đến hành vi không rửa tay bằng xà phòng. Ở Việt Nam, số liệu điều tra từ Cục Y tế Dự phòng cho thấy, hiện nay chỉ có 12,8 % dân số thực hành rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; 15,5% sau khi tiểu tiện và 16,9% sau khi đại tiện. Những con số này còn quá thấp cho thấy nhận thức và ý thức của người Việt Nam về vấn đề phòng, chống dịch bệnh rất hạn chế.

Vì vậy, theo các chuyên gia, cần thiết có một cuộc khảo sát để đo lường hiểu biết của các bà mẹ về việc các bệnh nhiễm trùng đường ruột, bên cạnh việc có thể gây chết người nếu không điều trị kịp thời, còn có ảnh hưởng xấu như thế nào đến sự phát triển chiều cao và trí tuệ của các cháu về lâu về dài sau này. Từ đó có những động tác truyền thông thích hợp, giúp cho các bậc làm cha mẹ hiểu (và làm được) phương châm “Đừng để trẻ bị bệnh”.