Trẻ hái nhầm “trái đắng”: Phụ huynh cũng cần học và nâng cao mỹ cảm

ANTĐ - Tiếp tục câu chuyện về sách tham khảo cho thiếu nhi, PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh xung quanh vấn đề này. 

Cha mẹ nên trò chuyện, có sự đồng cảm cùng con trẻ khi chọn sách

- PV: Chị nhận định thế nào về sách dành cho thiếu nhi đang được bán rộng rãi tại các nhà sách?

- Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh: Tôi thấy các sản phẩm sách thiếu nhi những năm gần đây ngày càng được quan tâm, xuất bản nhiều, rất nhiều tác phẩm – sách hay, tốt, đẹp. Bên cạnh đó, có cả những sản phẩm hỗ trợ giảng dạy hoặc phát triển tư duy như thẻ học thông minh, sách có hình thù đặc biệt... Có nhiều ấn phẩm dịch từ nước ngoài khá hay dành cho trẻ em và đặc biệt là tuổi mới lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những cái hay, cái đẹp đó vẫn có rất nhiều hạt sạn cả to cả nhỏ mà nếu không có bộ lọc kỹ thì sẽ gây bất lợi cho trẻ. 

- Có nhiều ý kiến lo ngại, rằng trẻ sẽ lệch lạc về sự nhận biết và khả năng tư duy nếu như cứ học và tiếp cận với những bộ sách nước ngoài, quan điểm của chị về việc này?

- Tôi không thấy có cơ sở nào để nói vậy, nếu những cuốn sách đó về mặt chất lượng (khía cạnh giáo dục và tâm lý lứa tuổi) tốt và phù hợp, được những người có chuyên môn thông qua. Trong trường hợp ấy, các bộ sách nước ngoài cho trẻ một phông nền kiến thức rộng và phong phú, bổ sung cho vốn sống và kích thích trí tưởng tượng mạnh mẽ của trẻ. Các bộ sách nước ngoài được sử dụng ở Việt Nam có khi còn thúc đẩy tư duy sáng tạo và “vận động” của các tác giả trong nước, khiến họ thêm quyết tâm hơn trong việc viết sách cho trẻ em chất lượng hơn, thú vị hơn. Gần đây đã có những bộ sách của các tác giả Việt Nam cũng gây được sự chú ý nhất định đối với các cháu, tuy những tác phẩm như thế còn chưa nhiều.

- Khi mua sách cho con, chị có kiểm duyệt nội dung trước không?

- Cũng như tất cả các bà mẹ khác, tôi quan tâm đến chuyện đọc và thu nạp kiến thức của con, vì thế, sách cho con do bố mẹ mua hay con chọn lựa đều được kín đáo kiểm duyệt trước. Đương nhiên, không phải lúc nào tôi cũng đủ thời gian cho việc này. Chính vì vậy mà cách đây hơn 2 năm, tôi đã thành lập CLB Đọc sách cùng con với mục đích đầu tiên là hỗ trợ các phụ huynh lựa chọn sách cho phù hợp với nhu cầu lứa tuổi và mục đích đọc, học của trẻ. Tôi đã từng một lần “nhắm mắt mua” và sau đó phải ân hận. 

- Chị từng xuất bản một vài bộ sách dành cho thiếu nhi, theo chị viết sách cho thiếu nhi dễ và khó ở điểm nào?

- Tôi nghĩ, khó nhất là nắm được tâm lý: về độ tuổi, nhu cầu của trẻ em Việt Nam… cũng có đôi chút khác với trẻ em ở nước ngoài. Có những “chuẩn” về độ dài ngắn câu chữ, về hình ảnh phù hợp với trẻ “Tây” mà lại có khác đôi chút với trẻ “Ta”. Nhưng một điều tạm cho là “dễ” – nếu thực sự biết quan sát và có thói quen ghi chép, phân tích ngôn ngữ, tư duy của trẻ sẽ nắm được chìa khóa mở cửa vào thế giới kỳ lạ của chúng, khiến những gì mình viết ra được chúng đón nhận hào hứng. Điều này đôi khi sẽ gây bất ngờ cho người lớn. Chẳng hạn,  tôi có viết những cuốn sách nói về Tổ quốc, nông thôn và thành thị… mà mọi người cho rằng trẻ con chắc không quan tâm. Không ngờ chúng đọc và có những phản hồi thú vị. Như vậy, không bao giờ nên coi thường tư duy của trẻ: hãy biết rằng, chúng có khả năng hiểu được bất kỳ vấn đề gì, chỉ là hiểu theo cách của chúng thôi. 

- Chị viết sách vì lòng say mê, hay viết sách để cho con mình đọc?

- Viết sách cho thiếu nhi hay sách người lớn thì cũng bắt nguồn từ nhu cầu tự thân của nhà văn. Người viết rất muốn viết, rất muốn chia sẻ, rất muốn đưa đến cho người đọc – dù là lớn hay nhỏ tuổi – một cách cảm nhận của mình về cuộc sống, qua đó cuốn họ vào thế giới của mình, trao gửi một thông điệp. Tôi cũng không ngoại lệ. 

- Nếu cứ mãi tình trạng này, liệu ngành giáo dục Việt Nam có biến cả một thế hệ như con chị, con tôi… thành những công dân có tư duy “nhập khẩu”?

- Nhập khẩu mà hay mà hiệu quả thì cứ nhập khẩu cũng có sao. Nói vui vậy chứ, tôi cho rằng, việc nâng cao chất lượng các sản phẩm giáo dục – cụ thể là sách, truyện cho thiếu nhi Việt Nam cần được quan tâm thấu đáo hơn nữa từ tất cả những người, những ngành liên quan. Chẳng hạn, từ người viết, tác giả: cần đọc và học, cần gần gũi trẻ em, cần tìm hiểu chúng sâu sắc, không chỉ viết với tình yêu. Từ các nhà xuất bản: thận trọng và có nghề, chuyên nghiệp trong lựa chọn tác phẩm, chọn họa sĩ, chọn giấy và màu hợp lứa tuổi, có những tiêu chí nhất định cho mình và chung thủy với tiêu chí ấy, kiên trì, không quá chạy theo lợi nhuận cho dù lợi nhuận và việc phát hành sách tốt cũng là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng sách.

Trong một số trường hợp, cần có sự kiên trì trong việc hướng dẫn và thay đổi thẩm mỹ của người mua, nâng cao nhận thức và mỹ cảm của người đọc. Đội ngũ viết sách cho thiếu nhi cũng cần được quan tâm xứng đáng, không chỉ về việc đãi ngộ, chế độ nhuận bút mà còn tạo điều kiện cho họ trong chuyên môn (tạo điều kiện đào tạo và tái đào tạo, trại sáng tác, tham gia các khóa tìm hiểu tâm lý trẻ, các khóa học…). Riêng với các phụ huynh, tôi nghĩ, thái độ trân trọng, quan tâm, cầu thị của họ đối với việc đọc sách của con, đặc biệt là việc tìm hiểu và tìm mua sách của các tác giả Việt sẽ là động lực lớn thúc đẩy người viết và người làm sách. Chính các bậc phụ huynh cũng cần học và nâng cao mỹ cảm của mình để có thể đồng hành cùng con trong thế giới tinh thần của chúng.