Trẻ em "quẹt" thẻ nhưng không được rút tiền mặt

ANTĐ - Từ 15-8 tới, trẻ từ 6 đến dưới 15 tuổi có thể được dùng thẻ phụ trong thanh toán - đó là điểm mới được quy định tại Thông tư 19/2016/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 30-6. Mặc dù quy định này nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay, song vẫn khiến không ít phụ huynh băn khoăn.

Sử dụng thẻ ATM phổ biến trong cuộc sống hiện đại

Khá nhiều tiện lợi

Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng nêu rõ: Đối tượng được sử dụng thẻ phụ được dùng thẻ theo chỉ định cụ thể của chủ thẻ chính còn bao gồm người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được người đại diện theo pháp luật của người đó đồng ý bằng văn bản về việc sử dụng thẻ được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước; Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được người đại diện theo pháp luật của người đó đồng ý bằng văn bản về việc sử dụng thẻ thì được sử dụng thẻ ghi nợ không được thấu chi, thẻ trả trước.

Như vậy, theo quy định này, trẻ từ 6 đến dưới 15 tuổi có thể được dùng thẻ phụ, song chỉ được sử dụng thẻ ghi nợ (không được thấu chi) và thẻ trả trước. Người dưới 15 tuổi sử dụng thẻ phụ không được rút tiền mặt và chỉ được sử dụng để thanh toán đúng mục đích đã xác định theo thỏa thuận bằng văn bản giữa tổ chức phát hành thẻ và chủ thẻ chính. Theo một đại diện của Ngân hàng Nhà nước, quy định trên nhằm mở rộng đối tượng dùng thẻ cho trẻ em (từ 6-15 tuổi), đáp ứng các nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay.

Tuy vậy, việc sử dụng thẻ được quy định khá chặt chẽ: Trẻ chỉ được “quẹt” thẻ chứ không được rút tiền mặt, sử dụng để thanh toán đúng mục đích mà chủ thẻ chính đã thỏa thuận bằng văn bản với ngân hàng. Chẳng hạn, khi phát hành thẻ phụ cho con, phụ huynh phải nêu rõ với ngân hàng trẻ chỉ được dùng thẻ để thanh toán học phí, mua dụng cụ học tập hay chi phí dã ngoại trong nhà trường…

Liên quan đến quy định trên, anh Đào Việt Hưng, ở ngõ 124 đường Âu Cơ, quận Tây Hồ cho biết, do có con trai 14 tuổi đang học tại trường quốc tế, cháu thường xuyên tham gia các câu lạc bộ, chương trình ngoại khóa trong nhà trường có thu phí nên mỗi khi đưa tiền cho con đi nộp anh khá lo lắng. Do vậy, mấy ngày nay khi nắm được thông tin trẻ dưới 15 tuổi có thể được sử dụng thẻ phụ, anh Hưng yên tâm hẳn.

“Việc cho trẻ được dùng thẻ phụ để thanh toán học phí, mua dụng cụ học tập... không chỉ khiến trẻ tự chủ, có tính toán trong việc chi tiêu mà còn trang bị cho trẻ các kỹ năng về việc thanh toán không dùng tiền mặt. Trong khi đó, phụ huynh vẫn kiểm soát được việc con thanh toán ở đâu, hết bao nhiêu tiền. Cha mẹ cũng có thể đặt ra hạn mức chi tiêu của con em mình bằng việc thỏa thuận với ngân hàng như trong một ngày hoặc một tuần trẻ được chi tối đa bao nhiêu tiền nên không phải lo những chi phí phát sinh ngoài dự kiến”, anh Đào Việt Hưng chia sẻ.

Phải giám sát chặt chẽ

Nhiều bậc phụ huynh có cùng quan điểm rằng việc cho phép trẻ dưới 15 tuổi dùng thẻ để thanh toán sẽ hạn chế việc trẻ đánh rơi hay bị trộm tiền. Bên cạnh đó, nó có thể giúp trẻ thanh toán chi phí bất ngờ phát sinh trong trường hợp khẩn cấp nhưng không mang theo tiền hoặc không ở gần phụ huynh. Tuy vậy, vẫn có những luồng ý kiến băn khoăn, như trường hợp của chị Lê Cẩm Hà, ở phố Đội Nhân, quận Ba Đình lo lắng, khi sử dụng thẻ, nếu không cẩn thận trẻ có thể để lộ thông tin liên quan bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, dù cha mẹ có thể biết con thanh toán khoản gì, ở đâu và vào lúc nào do phía ngân hàng thông báo kịp thời song nếu trẻ chi tiêu không hợp lý, phụ huynh khi biết được cũng là sự đã rồi.  Chưa hết, việc giao thẻ cho trẻ em đồng nghĩa với việc giao thông tin cá nhân của trẻ cho các ngân hàng. Tuy nhiên không phải ngân hàng nào công tác bảo mật thông tin khách hàng cũng được đảm bảo, nếu xảy ra lộ lọt thông tin sẽ ảnh hưởng không tốt đến trẻ em.

“Những lo lắng trên sẽ được hóa giải trong trường hợp cha mẹ có sự quan tâm, giám sát chặt chẽ, giáo dục thường xuyên con cách chi tiêu hợp lý khi dùng thẻ phụ. Tích cực hơn trong việc cho trẻ sử dụng thẻ phụ từ khi còn nhỏ giúp trẻ dần hình thành kỹ năng sử dụng và bảo vệ thẻ ATM, hiểu được giá trị của đồng tiền từ đó có kỹ năng chi tiêu phù hợp. Đặc biệt là khuyến khích trẻ em tự lập, tự thanh toán một số hàng hóa, dịch vụ phục vụ bản thân mình. Nhìn rộng ra, quy định này cũng nhằm giúp thị trường thẻ đa dạng hơn theo thông lệ quốc tế và góp phần khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là bước tiến trong chính sách về hoạt động thẻ ngân hàng của cơ quan quản lý theo thông lệ quốc tế”, luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích.