Trẻ em học ngoại ngữ: Khi nào là phù hợp?

ANTĐ - Câu hỏi khi nào nên cho con học ngoại ngữ: từ khi tập nói,  trước khi vào lớp 1, bắt đầu vào lớp 1, hay bắt đầu từ lớp 6? Vẫn luôn là vấn đề “nóng” đối với các bậc phụ huynh bởi mỗi người đều đưa ra những ý kiến khác nhau về độ tuổi phù hợp khi cho con học ngoại ngữ.

Trên một số diễn đàn, nhiều bậc cha mẹ đã muốn con mình làm quen với một ngôn ngữ mới ngoài tiếng mẹ đẻ từ khi 5 tuổi, tức là khi trẻ trước khi học chữ tiếng Việt hoặc, thậm chí cá biệt có ý kiến cho rằng nên cho trẻ học ngoại ngữ từ  khi con mới tập nói. Theo ông Nguyễn Đức Hiển - Giám đốc Công ty tư vấn du học Havetco: Trong độ tuổi 5-6 tuổi, kỹ năng ghi nhớ của trẻ tốt hơn vì não bộ chưa ghi được nhiều, vùng tư duy học ngoại ngữ sẽ được đánh thức. Ở thời điểm này, trẻ có thể tiếp nhận 2-3 ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên cần để các em chủ động, không nên bắt ép, sẽ tạo ra tâm lý không ổn định. Trẻ có thể làm quen với tiếng Anh bằng cách lặp lại từ theo giáo viên hướng dẫn. Tham gia các trò chơi ngôn ngữ đơn giản để kích thích khả năng nhận biết từ ngữ của trẻ. Song có điều hạn chế là  ở độ tuổi này, trẻ chưa hình thành tư duy về chữ viết nên dễ dẫn đến học trước quên sau. Nếu cho trẻ học ngoại ngữ ở thời điểm thì dễ bị lẫn lộn về cách phát âm sau khi trẻ học chính thức tiếng Việt.

Trong khi đó, lại có một quan điểm khác là nên cho trẻ học ngoại ngữ khi trẻ đã cơ bản biết đọc, viết tiếng Việt. Bởi học vào thời điểm này không chỉ  dễ dàng  đối với các học sinh mà còn thuận lợi hơn cho giáo viên. Các em đã biết cách phát âm, hình thành tư duy về ngôn ngữ. Nhiều giáo viên cũng cho rằng, ở lứa tuổi 7-8 tuổi là hợp lý nhất. Bởi ở lứa tuổi nhỏ hơn, các em tập làm quen với tiếng Anh thông qua những ví dụ trực quan, trò chơi ngôn ngữ thì đến lứa tuổi 7-8 các em sẽ luyện tập các bài kỹ năng nghe nói đọc viết một cách dễ dàng. Song, nếu học ngoại ngữ ở độ tuổi này lại gặp phải một tình trạng thường thấy là  hình thức diễn đạt, ngữ pháp của hai hệ ngôn ngữ hoàn toàn trái ngược nhau, một bên diễn đạt ngược, một bên diễn đạt xuôi. Chính vì thế khi trẻ vừa bắt đầu làm quen với ngữ pháp tiếng Việt sẽ vấp phải khó khăn khi tiếp cận một ngôn ngữ mới.

Tiến sỹ Elaine Schneider chuyên gia ngôn ngữ đến từ Mỹ, hiện đang tư vấn cho trung tâm ngoại ngữ ILA đã phát biểu trong một cuộc trao đổi xung quanh thời điểm nên cho trẻ học ngoại ngữ, rằng não bộ của trẻ nhỏ giống như miếng bọt biển hút các thông tin xung quanh. Nếu chúng ta giới thiệu ngoại ngữ càng sớm, khả năng “hút” của miếng bọt biển này càng mạnh hơn. Ngoài ra, cấu tạo của các cơ quan nghe và phát âm ở trẻ nhỏ cũng giúp dễ dàng bắt chước các cách phát âm khác nhau hơn. Nên bắt đầu giới thiệu ngoại ngữ cho trẻ từ trước 6 tuổi, đợi đến 7 tuổi đã là muộn. Nhưng bà cũng khẳng định không thể đưa ra một mốc xác định nào, phải tùy vào sự phát triển của từng đứa trẻ và cách giới thiệu ngoại ngữ cũng là một điều rất quan trọng. Chúng ta không thể bắt một đứa trẻ 3, 4 tuổi ngồi vào bàn học và dạy ngoại ngữ một cách khô cứng. Trẻ con cần được học bằng tất cả các giác quan, được nghe, được nhìn, được nếm, được ngửi, được vừa học vừa chơi, được kết nối giữa cái đang học với vật thật… thì chúng mới có hứng thú và dễ nhớ. Cách giới thiệu ngoại ngữ hiệu quả nhất cho trẻ là hãy dạy trẻ một cách tự nhiên nhất hoặc dạy ngoại ngữ quanh những chủ đề trẻ yêu thích cũng là điều rất quan trọng giúp trẻ tiếp thu nhanh.

Xu hướng giảm dần độ tuổi học tiếng Anh đang xuất hiện ở một số nước trong khu vực châu Á. Tại châu Á, thông thường học sinh lớp 3 các em bắt đầu học tiếng Anh như ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Riêng ở Campuchia, học sinh lớp 6 mới bắt đầu học tiếng Anh. Ở Thái Lan, học sinh lớp 1 đã bắt đầu học tiếng Anh tổng quát và lớp 3 học chuyên sâu hơn. Năm tới, nước Lào sẽ hạ độ tuổi bắt đầu học tiếng Anh xuống và trẻ lớp 1. Tại Việt Nam, chương trình thí điểm được triển khai tại 94 trường tiểu học trên toàn quốc bắt đầu từ năm học 2010-2011 bắt đầu từ lớp 3, giảm 3 tuổi so với lớp 6 như giai  đoạn trước. Song nhiều chuyên gia ngôn ngữ đến từ các quốc gia nói tiếng Anh như Mỹ, Anh, Australia đều khẳng định, không nên có một độ tuổi bắt buộc nào đối với trẻ em, nên để các em tự điều chỉnh, nếu trẻ thấy hứng thú thì tiếp tục, còn nếu không nên dừng lại.

 Học thêm một ngoại ngữ sẽ giúp trẻ có một tương lai và nền tảng vững chắc, nhưng cũng không nhất thiết phải bắt buộc học một thứ tiếng khác tiếng mẹ đẻ từ quá sớm. Khi các em chưa biết viết thì việc học tiếng nước ngoài chỉ như một thứ ghi nhớ thông thường, chứ không nhập tâm. Việc Bộ Giáo dục Đào tạo triển khai thực hiện thí điểm đề án Tiếng Anh ở bậc tiểu học vào lớp 3 là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thể chất của người Việt, vì vậy các bậc phụ huynh cũng nên cân nhắc về thời điểm học tiếng nước ngoài đối với con em mình.

GS. Nguyễn Lộc - Viện phó Viện Khoa học giáo dục, Bộ Giáo dục Đào tạo: Đã tham vấn nhiều ý kiến

Dự thảo Chương trình Tiếng Anh Tiểu học do một nhóm các chuyên gia về tiếng Anh của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tiến hành biên soạn. Việc biên soạn này được sự tư vấn của một số chuyên gia Anh quốc. Dự thảo đã được hoàn thiện nhiều lần dựa theo sự đóng góp ý kiến rộng rãi của các nhà quản lý, nhà chuyên môn, các nhà giáo về Tiếng Anh tại hai Hội thảo quốc gia được tiến hành tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ở bậc học này, trẻ em cần được tiếp cận với nguồn kiến thức đúng đắn, giúp các em có hứng thú với giai đoạn đầu của quá trình học tập. Chúng tôi cho rằng, thời điểm lớp 3 trở lên là hợp lý vì các em đã bắt đầu hình thành tư duy, học tiếng Anh sẽ tốt hơn là ở các lớp dưới.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc Công ty tư vấn du học Havetco: Hãy để trẻ học ngoại ngữ như một cuộc dạo chơi

Hãy để việc học một ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ như một cuộc dạo chơi thoải mái và trẻ sẽ từ từ tiếp thu cùng với sự chỉ bảo của thầy cô. Nhưng cũng lưu ý các phụ huynh nếu có ý định cho con đi học ngoại ngữ trước 6 tuổi thì hãy chọn các thầy cô bản xứ vì những bài học đầu đời, quan trọng nhất là phát âm. Nếu phát âm không chuẩn, các em sẽ không có nền tảng và từ đó việc học sẽ không đạt kết quả như mong muốn.

PGS.TS Võ Thị Minh Chí, Viện Nghiên cứu sư phạm, trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Thận trọng tâm lý trẻ em

Ngoại ngữ cũng như bất cứ một môn năng khiếu nào khác - hát, múa, vẽ, kể chuyện - nó đòi hỏi ở trẻ em một kỹ năng tốt. Qua nghiên cứu tâm lý trẻ em, chúng tôi nhận thấy, việc học ngoại ngữ sớm chưa hẳn đã là hay, vì nhiều em tiếng Việt còn chưa sõi, thì học thêm một thứ tiếng mà bố mẹ hàng ngày không nói thì các em sẽ nhanh quên, căng thẳng vì không giao tiếp thường xuyên. Khi đến lớp, nhìn thấy các bạn sôi nổi mà mình không làm được thì tự nhiên các em sẽ rụt rè, cân nhắc trước khi nói, làm mất đi sự hứng thú trong khi các thầy cô giảng và tiếp nhận thông tin đối với bản thân.

Cô giáo Ngô Thúy Vân, Bộ môn tiếng Anh trường THPT Lomonoxop: Không nên học ngoại ngữ trước khi học tiếng Việt

Là một giáo viên dạy ngoại ngữ, tôi không đồng tình với ý kiến của nhiều bậc cha mẹ học sinh cho con học tiếng nước ngoài trước khi biết tiếng Việt. Hiện nay, Bộ Giáo dục Đào tạo đã cấm dạy chữ tiếng Việt cho các em ở độ tuổi mẫu giáo, vậy thì không lý do gì mà các bậc cha mẹ lại cho con em mình đi học thêm tiếng Anh. Tôi cũng không đồng tình với việc một số trường tiểu học dân lập thi tuyển đầu vào lại lựa chọn tiếng Anh làm môn dự thi, với cách tuyển dụng như vậy đã buộc các em phải học tiếng Anh dù không muốn.v