Tre che chở đời người

ANTD.VN - Tre có mặt trong mọi mùa, mọi tiết. Hà Nội không phải là đất tre nhưng những cây tre mà tôi thấy, tôi biết, tôi nhớ, đều tụ về đất thiêng này, trong đời sống, nghệ thuật (âm nhạc, hội họa, sân khấu, điện ảnh), làm sao kể hết… 

Trong 36 phố phường Hà Nội có phố Hàng Vải bán tre, thang tre…

36 phố phường Hà Nội có phố Hàng Tre đã vào tranh Phái, nhưng Hàng Tre không bán tre, mà lại là Hàng Vải. Phố Hàng Vải bán tre, thang tre, tre trúc trang trí nhà, nhà hàng, quán. Lại có cả cần câu, điếu cày, thanh móc trái cây, lồng chim. Nhưng cũng chỉ mấy nhà bên dãy phố chẵn của con phố vốn ngắn nhỏ bị chia cắt hai bởi một ngã tư là đã hết.

Tre: Đồng cam cộng khổ lịch sử dựng nước và giữ nước

Tre dễ sống, vì cần ít đất, không đòi vun tưới, nhưng sống ở đâu? Thành phố ngày càng hẹp không gian, khoảng không. Nông thôn lấp ao, chiếm kênh, lấn sông, làm nhà. Nhiều làng quê không còn bụi tre nào nữa. 

Nền văn hóa, văn minh lúa nước với thiết chế làng kiên cố bao đời, làm nên đặc thù, bản sắc Việt Nam. Qua bao biến cố, chiến tranh, thăng trầm, lịch sử dân tộc chói lọi tinh thần yêu nước, khí phách anh hùng, từ trẻ em đến người già, từ tân binh đến vị tướng dạn dày trận mạc, chí dũng, văn võ song toàn của quân đội nhiều triều đại, đều là quân đội nhân dân. Mỗi người dân đều sẵn sàng xả thân, hành động anh hùng bởi lòng yêu nước. Theo tiến trình ấy, cây tre và các cây họ tre (trúc, vầu, luồng, bứa, bương) đồng hành, đồng cam cộng khổ lịch sử dựng nước và giữ nước của Tổ quốc này. 

Non sông ta chưa khi nào thôi bị nhòm ngó trước mưu toan bành trướng, thôn tính, xâm lược, lấn chiếm của láng giềng gần xa, mà thiện chí “chủ hòa hữu hảo muốn làm bạn, mua láng giềng gần” của bao đời vua nước Nam đều khó đạt. Bởi chẳng mấy khi được kéo dài thái bình, yên ổn mà không âu lo, nên truyền thuyết cũng có trẻ con đánh giặc. Một chú bé lên ba, chậm nói, bỗng một ngày ăn khỏe, mỗi bữa 3 nong cơm 3 nong cà, cả làng xóm xúm vào góp lương thực nuôi Gióng. Gióng vươn vai thành dũng sĩ, cưỡi ngựa sắt, nhổ Tre đằng ngà diệt giặc Ân.

Giặc tan, Gióng cưỡi ngựa về núi Sóc, không cần vinh quy bái tổ, bổng lộc quan tước, người ngựa bay về trời. Đúng là bậc thánh hiếm có mới không màng vật chất, vinh hoa, không bận tâm vì lòng tham, dục vọng kể cư, những gì đáng được hưởng. Ngài được suy tôn thành thánh, đền thờ ngài ở Gia Lâm, Sóc Sơn, và nhiều nơi quanh Hà Nội. Hội Gióng được công nhận di sản phi vật thể của UNESCO, tượng Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt tại ngã 6 TP.HCM - giao điểm quận 1 quận 3 và một số nơi khác. 

Hà Nội tinh hoa, phố cổ, nơi nhạc sĩ Dương Thụ nhiều kỷ niệm bạn bè và ký ức đời thành “vỉa hồi ức” cho những ca khúc lay động. Có bao thứ kiêu sang, sao ông lại nhớ rặng tre ven đê “Em có về dòng sông Hồng nao nức mùa hè/ Rặng tre bãi mía mát xanh bờ đê” (Trở về).

Tre trong tay siêu nhân làm nên kỳ tích, rồi hòa gió ru giấc một bậc hiền tài kiệt xuất của Việt Nam thế kỷ XX - Hồ Chí Minh, vào ca khúc thiếu nhi: “Bên lăng Bác Hồ có đôi khóm Tre ngà/ Đón gió đâu về mà đu đưa đu đưa/ Đón nắng đâu về mà thêu hoa thêu hoa”. Rặng tre ngà trong quần thể Lăng Hồ Chủ tịch chắc chắn là rặng tre được sống yên lành và chăm chút nhất. Tre hiện hữu hầu khắp các làng quê Việt Nam, nhất là Bắc và Trung bộ, nó thân quen, dễ sống, bền bỉ qua bão dông, nắng đổ, đứng vững trên cả chỗ đất cằn đá sỏi tưởng chừng kiệt quệ chất màu, tre vẫn vươn thẳng, sinh sôi. 

Dù trên địa hình nào, tre đều mọc thẳng, nên tre trúc được ví với người quân tử ngay thẳng, hiên ngang, “Thẳng như dóng tre” để nhắc về ai tính cách thẳng thắn.

Tre kiên cường, bền bỉ, dáng thẳng mà vẫn đu đưa, la đà, thân tròn cọ vào nhau cọt kẹt, lá rì rào. Tre tự ru tre, ru các xóm làng, nên tre vẫn vững gốc qua mưa to bão lớn. Tre rễ chùm, rễ to và cứng nên ai tóc kiểu này thường gọi là tóc rễ tre. Còn tóc của tre là lá - vị thuốc. Lá tre trong bó lá xông cảm hoặc gội đầu mượt tóc, lạ thế!

Nhà thơ Vi Thùy Linh

Tre: Cốt cách người Việt Nam

Vì tre dễ sống, quen thuộc, nên chẳng mấy ai thắc mắc  “ai trồng tre”? Tre có từ khi nào, tìm đâu người xót, nhớ, dù tre chiếm ít đất mà lợi ích nhiều, đang vãn quá. Đời tre mật thiết đời người từ nông thôn đến thành thị, song khi cần lấy đất, người ta sẵn sàng chặt cả bụi, cả khóm, cả rặng, cả lũy tre không thương tiếc. Lợi ích kinh tế từ tre sao so được mỗi mét đất. Đất thì lúc nào cũng quý, cũng chật, càng bức thiết vì người ngày càng đông, lấn, lấp hết đồng ruộng ao hồ không đủ, bê tông chiếm đoạt không gian, thiên nhiên, chặt phá cả cổ thụ, cây to trên phố thì phá những bụi tre “thấm tháp gì”. 

Hà Nội ngoại ô trước đây không thiếu tre, giờ phải ra xa, phía huyện thuộc Hà Tây (cũ). Phía đầu đường An Dương Vương gần cầu Nhật Tân, dưới chân đê, gắn biển chỉ dẫn ra nhà hàng Tre (Tre Palace) trong vườn tre rợp mát. Một vài nơi ven đô trồng tre làm du lịch, ảnh viện ngoài trời. Tre thân vàng óng hay thân xanh, đều ken dày thành cụm gắn kết bên nhau. Sức sống và gắn kết bên nhau.

Sức sống và chịu đựng của tre được coi như cốt cách người Việt Nam, nên hình ảnh cây tre thường khiến người Việt tha hương hướng về nguồn cội, để bạn bè quốc tế nhận ra, nhớ đến Việt Nam. Trong khi tre bị chặt phá ở Việt Nam thì nhiều kiều bào xa Tổ quốc lại trồng tre ở trong vườn. Có những người con lai Pháp - Việt bày đầy nhà, phòng khách các bộ sưu tập bằng những điêu khắc tre, gốm sứ bát đĩa ly cốc cũng tìm hoặc đặt in họa tiết tre.  

So với tre, người còn thua ở sự kiên gan, tình nghĩa. Mùa xuân đến, muôn hoa khoe sắc, hiếm ai nhớ ra, nhìn thấy hoa tre. Tre không gây ấn tượng bằng dung nhan, mà vẻ đẹp của tre là vẻ đẹp hiến dâng.

Sau lũy tre làng là những nếp nhà, làng nghèo hay làng trù mật, thịnh vượng, chốn làm nông, buôn bán hay đất học hành khoa bảng, đều có rặng tre canh gác vỗ về, đâu chỉ giữ đất, mà giữ những con người khắc nhớ hồn quê, giữ bao câu chuyện làng truyền miệng và bí ẩn.

Lũy tre là ranh giới, đặc điểm nhận diện đầu tiên khi trở về. Tính ranh giới của lũy tre còn để xác định người đi xa và trở lại, ai quẩn quanh cả đời trong làng  “tự cung tự cấp” thì bị coi là  “cả đời không ra khỏi/ không thoát nổi lũy tre làng”. 

Tre gần gũi trong đời sống người Việt

Trong khi ở Việt Nam ngộp thở vì nhà bê tông, nhà hộp thì trên thế giới, ở các quốc gia tiên tiến phát triển bền vững thân thiện môi trường là xu hướng toàn cầu để đánh giá, khẳng định về mức độ văn minh, cách đối xử của người công dân - kiến trúc sư - chủ công trình ấy với nơi xây dựng nó, với thành phố, quốc gia ấy, với thế giới. Vậy nên, sản phẩm hữu cơ, vật liệu tự nhiên, thiết kế hài hòa, lại ấm mùa đông, mát mùa hè, độc đáo thẩm mỹ cao như kiến trúc nhà tre của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa, Hoàng Thúc Hào (giảng viên Đại học Xây dựng, sống ở phố Từ Hoa, quận Tây Hồ) đã giành nhiều giải lớn ở quốc tế và được mời dựng để công chúng tham quan, triển lãm dài ngày tại Nhật và nhiều nước... 

Ngón tay hình búp măng, là tiêu chí để đánh giá bàn tay phái đẹp. Tre đóng cọc chân đê ngăn bão, giữ bờ ao không sạt, vườn tre vào lời ru và rặng tre vẫn xao xác cùng các làng quê giữa bao biến động. Tre chẻ mình làm lạt, lạt mềm buộc chặt. Bóc chiếc bánh giò, bánh tẻ, cân giò buộc dây nilon, thật vô duyên: Buộc lạt vừa chặt, vừa đẹp lại an toàn cho sức khỏe. Không gì thay được lạt để buộc gói các loại bánh, nhất là bánh chưng.

Cắt bánh bằng lạt vừa gọn, vừa đẹp, thao tác như một nghi lễ với chiếc bánh quốc hồn quốc túy. Cật tre cứng, ruột tre mềm, lạt mềm mà không khéo sẽ bị đứt tay. Tre là ống quyển đựng bút của học trò, sĩ tử, giới cầm bút. Thân tre là ống gạo của đồng bào, bộ đội, đựng hạt giống ở vùng cao. Ống tre còn dùng đựng mũi tên, đựng thư liên lạc thời chiến và gùi nước. Roi tre cha răn dạy con. Tre đỡ bước người già và cọc tre nâng cỗ áo quan đưa người mất về nơi an nghỉ cuối.

Tre làm các loại đèn: ông sao, kéo quân, diều và nhiều trò chơi cho trẻ con. Tiêu, sáo - nhạc cụ bộ hơi độc đáo. Tiếng sáo của mục đồng vi vút đồng quê, tiếng sáo Trương Chi, tiếng sáo thiên thai mê hoặc. Đàn T'rưng, K'lôngput - đàn tre độc đáo của Việt Nam đã chinh phục thế giới. Tre gõ nhịp bước chân người múa sạp. Mùa xuân đến, tre thành cột đỡ nhịp đu của các trò chơi dân gian: nhún đu, là cột để treo vòng cho quả còn 7 sắc tung qua; là cây nêu ngày Tết. 

Thương tre, nhớ tre, mấy ai cùng tôi? Đừng và không nên quên, phụ bạc tre. Hãy giữ lấy và yêu quý những bụi, khóm tre quanh mình, ngay Hà Nội. 

Tre che chở đời người.